Tại sự kiện "Ấn Độ diệu kỳ" tổ chức ở Hà Nội chiều 26-8, thông tin từ ban tổ chức cho biết đoàn gồm đại diện 17 công ty du lịch/ đơn vị lữ hành và đại diện Sở Du Lịch của 2 bang Ấn Độ đang tham dự sự kiện giới thiệu và giao thương doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm và dịch vụ đa dạng của du lịch Ấn Độ.
Ấn Độ đón khoảng 10,56 triệu lượt khách nước ngoài vào năm 2018, tăng 5,2% so với năm 2017, trong đó có 31.427 khách đến từ Việt Nam vào năm 2018, với mức tăng 32,21%.
"Chúng tôi kỳ vọng tăng gấp đôi lượng khách du lịch đến Ấn Độ trong 5 năm tới"- ông Gy-an Bhu-shan, Tổng vụ trưởng vụ Kinh tế, Bộ Du lịch Ấn Độ, cho biết.
Mục tiêu hiện nay là khuyến khích tăng lượng khách du lịch từ Việt Nam qua các cách tiếp cận đa chiều, bao gồm chiến lược marketing chủ động trong quan hệ đối tác với các công ty du lịch.
Ông Gy-an Bhu-shan cho biết phía Ấn Độ đang trao đổi với Việt Nam để công bố những ưu đãi với doanh nghiệp khai thác thị trường du lịch Ấn Độ.
Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, tìm cơ hội hợp tác tại sự kiện
Sản phẩm du lịch cụ thể có thể kể ra là: Thiết lập mạng lưới địa điểm liên quan đến Phật giáo, như điểm Đức Phật từng đi qua, du lịch Hymalaya, có nhiều điểm du lịch mới, chưa có nhiều thông tin đến khách du lịch trước đây… Một số khía cạnh khác hai bên đã thảo luận như về thực phẩm: Vấn đề về thực phẩm du khách Việt Nam hay gặp phải khi đến Ấn Độ, đào tạo đầu bếp Ấn Độ đến Việt Nam và Việt Nam đến Ấn Độ, trao đổi về các tour nông trại với nhà làm tour.
Ông cũng cho rằng đường bay thẳng Việt Nam - Ấn Độ sẽ mở vào tháng 10 và tháng 12 rút ngắn thời gian từ Việt Nam đến Ấn Độ chỉ còn 3 đến 3,5 giờ sẽ giúp thúc đẩy du lịch giữa hai nước.
Cũng theo ông Gy-an Bhu-shan, Ấn Độ cũng đã áp dụng cơ chế cấp thị thực điện tử, tạo điều kiện cho du khách nước ngoài tới Ấn Độ. Cơ chế cấp thị thực điện tử hiện nay đang được áp dụng cho 169 quốc gia bao gồm Việt Nam và có giá trị tại 28 cửa khẩu hàng không và 5 cửa khẩu tại các cảng biển, đóng góp vào việc tăng cường lượng du khách nước ngoài tới Ấn Độ. Cơ chế cấp thị thực điện tử được áp dụng cho các du khách tới Ấn Độ với mục đích du lịch, thương gia, khám, chữa bệnh và hội thảo. Thông tin chi tiết về cơ chế cấp thị thực điện tử có thể được tham khảo tại trang https://indianvisaonline.gov.in
Ấn Độ sẽ tổ chức Hội chợ Du lịch Ấn Độ 2019, dự kiện giao thương doanh nghiệp quy tín India Tourism Mart 2019 (ITM-2019) từ ngày 23 đến 25-9 tại New Delhi.
Theo báo cáo của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), Ấn Độ xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng Power Ranking và nhảy từ vị trí thứ 7 lên vị trí thứ 3 trong năm 2018.
Ấn Độ là điểm đến của sự khám phá với văn hóa và di sản cổ đại, phương pháp điều trị bệnh cổ truyền như Ayurveda, Unani, Siddha, Naturopathy, điểm đến tự nhiên với 70% địa điểm thuộc dãy núi Himalaya và hơn 7.500 km đường bờ biển, hệ động thực vật đa dạng, cơ sở khám chữa bệnh chất lượng quốc tế và rất nhiều yếu tố khác làm cho Ấn Độ trở thành địa điểm du lịch yêu thích với khách du lịch. Các hồ nước, thảo nguyên và quang cảnh mê hoặc lòng người làm nên một Ấn Độ xinh đẹp. 38 di sản văn hóa thế giới UNESCO là một phần của vẻ đẹp quốc gia và là nơi thu hút khách du lịch từ khắp thế giới. Bộ Du lịch cũng đã đưa ra sáng kiến nhận diện, đa dạng hóa, phát triển và phổ biến sản phẩm du lịch. Ngoài Đất Phật và những nơi hành hương của hàng ngàn Phật tử mỗi năm, Ấn Độ còn có nhiều sản phẩm du lịch như các gói du lịch đến vùng nông thôn, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch khám chữa bệnh, du lịch đánh Golf, du lịch MICE, du lịch y tế và du thuyền. Những chương trình du lịch theo chủ đế để phát triển cơ sở hạ tầng trong nước đã được Bộ Du lịch phát động để khách du lịch có trải nghiệm hoàn thiện nhất.
Ấn Độ có nhiều địa điểm cho các hoạt động liên quan đến khám phá mạo hiểm tại dãy núi Himalaya, vườn hoang dã, sông ngòi, đại dương và các địa điểm thiên nhiên. Gần đây, Chính phủ Ấn Độ đã mở 137 địa điểm trên các đỉnh núi cho các du khách thích mạo hiểm và trekking. Các địa điểm này nằm tại Bang Jammu và Kashmir, Himachal Pradesh, Uttarakhand và Sikkim.
Bình luận (0)