Ngày 30-10, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố báo cáo nghiên cứu về cổ đông chiến lược trong cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Báo cáo xác định thu hút cổ đông chiến lược, đặc biệt thu hút cổ đông chiến lược nước ngoài được coi là "chìa khóa" thành công của quá trình CPH nhưng đến nay chưa đạt kết quả như mong muốn. Thậm chí, việc chọn cổ đông chiến lược còn trở thành nguyên nhân trì hoãn CPH.
Quy định cứng nhắc
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng các quy định về cổ đông chiến lược trong hệ thống pháp luật hiện nay giống như "may đồng phục" cho tất cả DN trong khi thực tế cần phải thực hiện "may đo" cho phù hợp với từng DN. Chẳng hạn, chỉ được chuyển nhượng cổ phiếu sau 3 năm, phải thực hiện chuyển giao công nghệ, phải đầu tư đường dài...
Chuyên gia kinh tế - TS Võ Trí Thành đề xuất cần nghiên cứu nghiêm túc quy định này vì hiện chỉ quy định cổ đông chiến lược phải tiếp tục theo ngành nghề kinh doanh của DN, còn trong trường hợp họ vừa muốn theo ngành nghề kinh doanh cũ vừa mở rộng thêm ngành nghề mới thì thế nào. Như CPH hãng phim, cổ đông chiến lược vừa muốn giữ xưởng phim vừa muốn xây cái mới thì có được không? Về giới hạn quyền chuyển nhượng cổ phiếu, TS Võ Trí Thành cho rằng quy định không được bán cổ phiếu trước 3 năm là cứng nhắc vì mỗi ngành nghề có đặc thù khác nhau. Ví dụ, đầu tư vào DN công ích như môi trường sẽ khác với đầu tư vào ngân hàng. Nhấn mạnh đến trường hợp CPH hãng phim truyện có tư vấn độc lập vẫn còn tranh cãi về giá trị tài sản DN, ông Thành nhìn nhận cần bổ sung nguyên tắc giám sát chéo. Bởi hiểu hết góc độ đất đai, lịch sử phát triển của DNNN là vấn đề không dễ.
Vietnam Airlines có đối tác chiến lược là Tập đoàn Hàng không ANA (Nhật) Ảnh: Tấn Thạnh
Lấy trường hợp Tập đoàn Hàng không Nhật Bản ANA chỉ mua 8,7% vốn điều lệ của Vietnam Airlines nhưng lại trở thành cổ đông chiến lược, trong khi có nhà đầu tư nắm giữ vài chục phần trăm vốn tại một DN nhưng chỉ được coi là cổ đông lớn, chuyên gia kinh tế Nguyễn Tiến Cường đề nghị cần thống nhất các khái niệm cổ đông chiến lược, nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược, vì đằng sau phần vốn góp đó là vị thế của cả một tập đoàn, như trường hợp của ANA. Về vấn đề này, quy định hiện còn cứng nhắc, duy ý chí, chưa mang tính thị trường. Để có sự chuyển giao công nghệ, duy trì thương hiệu phải có quá trình tiếp cận dẫn đến sự tin tưởng, có chung lợi ích thì 2 bên mới thương thảo. Đây mới là giá trị của cổ đông chiến lược. Tiêu chí nhà đầu tư chiến lược nên mềm dẻo hơn, thậm chí không nhất thiết phải là tư duy "tất cả cùng thắng". Bởi có khi phải chấp nhận bước lùi để tiếp cận, sau đó có chiến lược phát triển lâu dài hơn.
Giao việc cho chủ sở hữu
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh nhận định các DNNN mong muốn tìm cổ đông chiến lược song hành với CPH là một sự mâu thuẫn. Vì trong giai đoạn đầu CPH, DNNN gặp rất nhiều khó khăn, khó bán vốn. Nếu phần vốn đó được chuyển về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hoặc một ủy ban quản lý vốn nhà nước thì các cơ quan này có điều kiện tìm cổ đông chiến lược hiệu quả hơn.
Ông Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), chỉ rõ nguyên nhân cơ bản của chậm CPH DNNN là năng lực thực thi công vụ của nhà nước còn yếu kém, chưa xác định được ai là nhân vật trung tâm trong thực thi chính sách này. "Nêu cứ để DN tự làm thì không xong được vì bản thân DNNN không muốn CPH. Đây phải là nhiệm vụ của chủ sở hữu" - ông Huệ nói.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Cường đề nghị cần quy định rõ năng lực, trách nhiệm, kỹ năng, tầm nhìn cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc phê duyệt phương án CPH DNNN.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Cải cách DNNN - CIEM, đưa ra 5 đề xuất để thúc đẩy việc lựa chọn cổ đông chiến lược trong thời gian tới. Đó là, cần có các quy định, tiêu chí rõ ràng trong lựa chọn cổ đông chiến lược; đổi mới cơ chế xác định giá trị DN và giá bán cổ phần cho cổ đông chiến lược; nâng cao tính minh bạch thông tin của DN CPH; nâng cao vai trò của cổ đông chiến lược vào quản trị DN sau CPH. "Có khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến CIEM hỏi chúng tôi thông tin về các DNNN sắp CPH mà họ quan tâm. Họ nói trước đó đã đến các cơ quan quản lý rồi và được chỉ đến một số nơi khác. Điều này chứng tỏ tính công khai trong CPH DNNN chưa đáp ứng yêu cầu" - ông Trung nhận xét.
Giảm sức hút nhà đầu tư nước ngoài
Giai đoạn 2011-2016, 46 DNNN được phê duyệt phương án CPH, tổng vốn điều lệ hơn 171.000 tỉ đồng, trong đó phê duyệt bán cho cổ đông chiến lược hơn 28.000 tỉ đồng, chiếm 16,57% vốn điều lệ. Kết quả, chỉ bán được hơn 12.000 tỉ đồng, đạt chưa đến 50% số được phê duyệt. Nếu xét đến tỉ lệ bán cho nhà đầu tư nước ngoài, chỉ có 4/46 DN bán được vốn, đạt 8,7%. Tỉ lệ bán cho cổ đông chiến lược được phê duyệt ở mức thấp là nguyên nhân làm giảm động cơ đầu tư vào DNNN của nhà đầu tư nước ngoài vì không bảo đảm được quyền điều hành, quản trị DN theo chiến lược của họ. (Nguồn: CIEM)
Bình luận (0)