Bên cạnh đó, các nhà máy đường (NMĐ) cũng cạnh tranh với những thương lái đi thu mua mía để dùng làm nước uống, dẫn đến thiếu nguyên liệu ép.
Huyện Trà Cú là địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất tỉnh Trà Vinh. Niên vụ mía 2022-2023, nông dân trồng mía tại đây thu lợi nhuận khá sau nhiều năm thua lỗ. Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Trà Cú, cho biết:
"Toàn huyện đã thu hoạch khoảng 700/1.100 ha mía, năng suất đạt 95 tấn/ha. Giá mía được NMĐ thu mua ở mức 1.250 đồng/kg (loại 10 chữ đường), cao hơn 150 đồng/kg so với năm rồi, nông dân thu lợi nhuận từ 30 - 40 triệu đồng/ha".
Nông dân trồng mía thu lãi khá trong khi các nhà máy đường lại lo thiếu nguyên liệu
Cũng theo ông Thảo, niên vụ 2022-2023, Công ty CP Mía đường Trà Vinh đã hỗ trợ cho nông dân có hợp đồng với công ty là 70 triệu đồng/ha để mua giống, phân… Người trồng chỉ bỏ công, khi nào thu hoạch thì trả lại. Việc làm này nhằm giữ ổn định vùng nguyên liệu vì diện tích mía đang giảm mạnh.
Còn tại huyện Phụng Hiệp, vùng mía lớn nhất của tỉnh Hậu Giang cũng ghi nhận giá mía tăng trong niên vụ năm nay. Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, cho hay địa phương có hơn 3.100 ha trồng mía, NMĐ thu mua theo hợp đồng cho nông dân với giá 1.000 đồng/kg. Còn nông dân bán mía cho thương lái để làm nước ép tới hơn 2.000 đồng/kg.
"Nông dân bán mía theo hợp đồng với NMĐ với giá trên, không lời bao nhiêu vì họ phải chịu chi phí tiền vận chuyển, thuê ghe, nhân công; còn bán mía cho lái thì lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng/ha. Như vụ mía năm rồi, thương lái họ mua sản lượng mía của gần 2.500 ha tại địa phương, nên các NMĐ không có nguyên liệu ép" - ông Tuấn thông tin.
Theo tìm hiểu của phóng viên, cách đây 10 năm, diện tích trồng mía của huyện Trà Cú đạt khoảng 4.500 ha nhưng do giá mía giảm liên tục qua nhiều năm, nông dân thua lỗ nên không còn mặn mà với cây mía. Ông Thảo cho hay nông dân đã chuyển diện tích mía sang nuôi tôm, cá… và cho thu nhập rất cao.
"Diện tích nuôi cá lóc tại địa phương đạt 420 ha, năng suất khoảng 100 tấn/ha, nông dân thu lợi khoảng 13.000 - 14.000 đồng/kg. Hiện nay địa phương chỉ định hướng diện tích trồng mía khoảng 1.200 - 1.500 ha vì muốn mở rộng hơn nữa cũng không được" - ông Thảo giải thích.
Còn theo ông Trần Văn Tuấn, diện tích trồng mía tại huyện Phụng Hiệp năm nay giảm 500 ha so với vụ năm rồi do nông dân chuyển qua trồng cây ăn trái. Ngoài ra, một số nông dân có ký hợp đồng với NMĐ nhưng sau đó lại bán cho thương lái vì họ mua giá cao hơn, dẫn đến việc nhà máy thiếu nguyên liệu ép.
Cụ thể, Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) có Nhà máy đường Phụng Hiệp và Xí nghiệp đường Vị Thanh đặt tại Hậu Giang, đạt công suất ép 6.500 tấn mía/ngày nhưng đang thiếu nguyên liệu trầm trọng.
Ông Trần Vĩnh Chung, Tổng Giám đốc Casuco, nói: "Vụ ép mía của 2 nhà máy đã kết thúc nhưng thiếu nguyên liệu quá. Doanh nghiệp bao tiêu hơn 800 ha cho nông dân, hỗ trợ tiền giống, phân bón… từ 35-40 triệu đồng/ha. Mía khi thu hoạch được bao tiêu 1.000 đồng/kg (10 chữ đường), tăng 1 chữ đường thì tăng thêm 100 đồng/kg nhưng nông dân lại "bẻ kèo", họ có hợp đồng với công ty nhưng lại đem mía bán cho thương lái".
Kết quả là niên vụ này, 2 nhà máy đường của Casuco chỉ ép được khoảng 14.000 tấn mía, tương đương 140/800 ha được bao tiêu. Ông Chung cho rằng việc nông dân "bẻ kèo" không có chế tài nên gây khó khăn cho nhà máy.
Bình luận (0)