Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) vừa gửi văn bản cầu cứu về tình trạng đường nhập lậu hoành hành trở lại từ đầu năm 2022 đến nay khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Điều này khiến cho vụ sản xuất 2021-2022, chỉ có 25/41 nhà máy đường hoạt động, 16 nhà máy đã buộc phải đóng cửa. Trong 25 nhà máy còn hoạt động, 17 nhà máy bị thua lỗ (chiếm gần 70%). Điều này khiến cho khoảng 3.300 người lao động đã bị mất việc làm và khoảng 100.000 hộ nông dân trồng mía phải chuyển sang cây trồng khác.
Đường nhập lậu khiến cho đường sản xuất trong nước khó tiêu thụ, lượng tồn kho, chi phí tài chính tăng đến mức doanh nghiệp phải bán dưới giá thành. Cho đến nay, vụ mía đã kết thúc nhưng rất nhiều nhà máy đang tồn kho đường không thể bán được và còn đang thiếu nợ tiền mía nguyên liệu của nông dân.
Về nguồn gốc và quy mô đường nhập lậu, Hiệp hội cho biết đến nay đã có thể khẳng định đường nhập lậu vào Việt Nam có nguồn gốc từ Thái Lan. Do bán phá giá và trợ cấp nên có giá rẻ (đã được Bộ Công Thương Việt Nam xác định và đánh thuế bổ sung đối với đường nhập khẩu chính ngạch là 47,64%– PV) được các trùm buôn lậu đưa từ Thái Lan sang Campuchia và Lào. Sau đó, đường lậu tiếp tục được đưa đến khu vực biên giới với Việt Nam và phối hợp với các đầu nậu buôn lậu Việt Nam để thâm nhập vào thị trường trong nước.
Đường Thái Lan được bán tại TP HCM
Bắt đầu từ tháng 12-2021 đến nay, các hoạt động mua bán đường nhập lậu tăng đột biến tại các khu vực biên giới Tây Nam khi biên giới được nới lỏng sau khi Covid-19 được kiểm soát.
Tại các thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các thành phố lớn, mạng lưới phân phối đường nhập lậu hầu như hoạt động công khai dưới hình thức đường đóng cây 12 kg và đường đóng túi 1kg của các cơ sở sang chiết đóng gói.
Đường Thái Lan xuất hiện tràn ngập trên thị trường với giá rất rẻ do không phải đóng thuế phòng vệ thương mại 47,64% như đối với đường nhập khẩu chính ngạch.
Tuy nhiên, tất cả các vụ việc phát hiện cho đến nay chỉ được xử lý hành chính và hầu như không có tác dụng răn đe do hoạt động này đem lại lợi nhuận rất lớn.
Do đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị cần các biện pháp kiểm soát đường nhập lậu hiệu quả hơn từ biên giới cũng như kiểm soát việc tiêu thụ đường nhập lậu trong nước để tạo sự cạnh tranh công bằng.
Bình luận (0)