Ngày 21-9, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đã có công văn đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh nghiên cứu tham mưu việc xin lùi thời gian nộp tiền nợ thuế của Công ty CP sản xuất sô đa Chu Lai (đóng tại xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).
Trước đó, Công ty sô đa Chu Lai có báo cáo giải trình gửi các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam về việc chậm nộp tiền nợ thuế.
Nhà máy sô đa Chu Lai hoạt động thử nghiệm nhưng bị lỗ nặng
Theo báo cáo, năm 2010, Công ty sô đa Chu Lai bắt đầu triển khai đầu tư xây dựng và đã thuê nhà thầu Trung Quốc làm nhà thầu EPC (thiết kế, mua sắm, xây dựng). Năm 2014 và 2015, nhà thầu EPC đã lắp đặt thiết bị và vận hành thử nghiệm để bàn giao nhà máy. Trong quá trình vận hành thử nghiệm đã xảy ra lỗi thiết bị của nhà thầu EPC không đạt tiêu chuẩn như hợp đồng đã cam kết. Mặt khác, do sự cố giàn khoan 981 xảy ra năm 2014, một số nhà thầu phụ của tổng thầu bỏ về nước không trở lại Việt Nam.
Công ty sô đa Chu Lai đã huy động các cổ đông đưa nhà máy vào vận hành nhưng xảy ra ô nhiễm môi trường, bị Bộ TN-MT ra quyết định xử phạt và UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định dừng hoạt động nhà máy từ năm 2016.
Do nhà thầu EPC không quay trở lại và không bàn giao nhà máy dẫn đến việc Công ty sô đa Chu Lai phải ghi nợ thuế với cơ quan thuế.
Công ty sô đa Chu Lai xin lùi thời gian nộp tiền nợ thuế do nhà máy thua lỗ
Tháng 12-2020, Công ty sô đa Chu Lai sửa chữa, thay thế thiết bị, xây dựng khu xử lý nước, chất thải, khí thải đồng thời hợp tác với Công ty TNHH TM và SX Tân Tiến, xin phép tỉnh Quảng Nam cho nhà máy hoạt động trở lại.
Cuối tháng 3-2022, Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam có văn bản cho phép công ty vận hành thử nghiệm và công ty bắt đầu vận hành nhà máy từ ngày 10-4, đến ngày 6-6 thì kết thúc.
Điều đáng nói, trong thời gian thử nghiệm, nhà máy sô đa Chu Lai vận hành 3 đợt sản xuất nhưng cả 3 đợt đều bị lỗ khoảng 80 tỉ đồng. Trong khi đó, điều kiện bắt buộc là vận hành, chạy thử nhà máy phải có lãi mới tiếp tục duy trì.
Công ty sô đa Chu Lai đưa ra các lý do như công ty thiếu vốn nên không thể cung cấp nguồn nguyên liệu để vận hành, hoạt động liên tục ít nhất 3 tháng để đảm bảo nâng công suất tối đa; quá trình vận hành chạy máy xảy ra sự cố đường điện dẫn đến tê liệt hoàn toàn các thiết bị trong nhà máy; ảnh hưởng mưa, sét đánh làm đứt đường dây điện; khó tuyển dụng lao động có tay nghề cao, thiếu chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm điều hành nhà máy…
Theo doanh nghiệp trên, do nhà máy hoạt động gián đoạn, mỗi đợt sản xuất nhiều nhất chỉ được 24 ngày nên công suất mới đạt 50% và chất lượng sản phẩm chưa đạt theo tiêu chuẩn. Công ty chưa có nguồn thu bù đắp để trả lương cho công nhân và trả nợ thuế như cam kết.
Từ đó, công ty này xin lùi việc nộp tiền nợ thuế nhà thầu. Cụ thể, từ tháng 10-2022 đến tháng 10-2023, mỗi tháng nộp 2 tỉ đồng; tháng 11 và 12-2023, thanh toán hết tiền nợ thuế nhà thầu. Đối với số lãi phát sinh, công ty xin được miễn giảm phần phạt thuế chậm nộp do nhà máy ngừng hoạt động.
Nhà máy được xây dựng trên diện tích 20 ha, vốn đầu tư của dự án trên 100 triệu USD, công suất thiết kế 200.000 tấn/năm. Trong tổng nguồn vốn đầu tư cho nhà máy khoảng 2.300 tỉ đồng thì có 5 đơn vị ngân hàng cho vay 2.000 tỉ đồng. Cụ thể, 4 chi nhánh của Agribank gồm Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên và Tuyên Quang cho vay tổng cộng 1.600 tỉ đồng; Ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVCombank) Chi nhánh Đà Nẵng cho vay 400 tỉ đồng.
Bình luận (0)