Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, hôm 6-1 cho biết tỉnh đang khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc kiểm tra, xử lý tình hình hoạt động trì trệ của Nhà máy Sản xuất sô-đa Chu Lai thuộc Công ty CP Sản xuất sô-đa Chu Lai.
Kỳ vọng nhiều, thất vọng lớn
Nhà máy sô-đa Chu Lai xây dựng vào tháng 4-2010, trên diện tích 20 ha, tại thôn Đại Phú, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Tổng vốn đầu tư của dự án trên 100 triệu USD; công suất thiết kế 200.000 tấn/năm.
Dự án này nhận được rất nhiều kỳ vọng vì nhu cầu nguyên liệu sô-đa phục vụ cho sản xuất công nghiệp tại Việt Nam lên đến gần cả triệu tấn/năm, phải hoàn toàn nhập khẩu. Tuy thế, tháng 6-2015, nhà máy vừa đi vào hoạt động thử nghiệm thì đã gây ô nhiễm mùi hôi và tiếng ồn khiến người dân địa phương phản ứng quyết liệt. Nhiều lần người dân bao vây nhà máy, yêu cầu ngừng hoạt động và phải bồi thường thiệt hại do nước thải nhà máy làm cá nuôi chết trắng.
Nhà máy Sô-đa Chu Lai đang bị bỏ hoang
Đến tháng 2-2016, Tổng cục Môi trường thanh tra nhà máy và phát hiện nhiều sai phạm nên đã ra quyết định xử phạt hơn 730 triệu đồng. Tuy nhiên, tháng 7-2016, nhà máy tiếp tục bị người dân và đoàn thanh tra Tổng cục Môi trường bắt quả tang xả thải trực tiếp ra môi trường. Kết luận của đoàn thanh tra nêu rõ nhà máy không thực hiện đầy đủ nội dung đánh giá tác động môi trường, không thu gom triệt để chất nguy hại, đổ tràn chất này ra môi trường. Nhà máy còn có hàng loạt sai phạm khác, như không kê khai, lưu giữ chứng từ chất thải nguy hại; không có số đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; không báo cáo quản lý chất thải nguy hại cho cơ quan nhà nước; lưu giữ chất thải quá 6 tháng không báo cáo chính quyền; chưa có giấy phép xả nước thải ra ngoài môi trường...
Từ kết quả thanh tra, tháng 8-2016, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, ra văn bản yêu cầu nhà máy tạm dừng hoạt động để khắc phục các sự cố ô nhiễm. Kể từ thời điểm đó, không rõ sự cố ô nhiễm môi trường đã được khắc phục hay chưa, nhà máy đã ngừng hoạt động cho đến nay, khiến nhiều công nhân lao đao vì bị nợ lương.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Giám đốc Công ty CP Sản xuất sô-đa Chu Lai, giải thích nhà máy dừng hoạt động là vì các quy định bảo vệ môi trường càng ngày càng thắt chặt, trong khi dây chuyền xử lý xả thải nhà máy chưa đầu tư kịp.
Trong khi đó, một lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng ô nhiễm môi trường chỉ là một phần, lý do chính là vì sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu của Trung Quốc, không cạnh tranh nổi thị trường.
"Tay không bắt giặc"?
Theo quan sát, hiện nay, cả nhà máy được xây dựng bề thế trên diện tích rộng lớn rơi vào cảnh đìu hiu. Bên trong khuôn viên cỏ mọc um tùm, một số hạng mục công trình, thiết bị bắt đầu xuống cấp, hoen gỉ.
Điều đáng nói, trong tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 2.300 tỉ đồng cho nhà máy bị "đắp chiếu" này có 5 đơn vị ngân hàng cho vay 2.000 tỉ đồng. Cụ thể, 4 chi nhánh của Agribank gồm Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên và Tuyên Quang cho vay tổng cộng 1.600 tỉ đồng; Ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVCombank) Chi nhánh Đà Nẵng cho vay 400 tỉ đồng. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi phải chăng chủ đầu tư "tay không bắt giặc" và việc thẩm định của các ngân hàng như thế nào mà lại cho vay với số tiền lớn như vậy.
Trong văn bản trả lời báo chí mới đây, Agribank xác nhận Nhà máy Sô-đa Chu Lai được Agribank cùng với PVCombank - Chi nhánh Đà Nẵng đồng trợ vốn. Cơ sở để trợ vốn là vì đây là nhà máy sản xuất sô-đa đầu tiên tại Việt Nam, kỳ vọng thay thế hàng nhập khẩu, góp phần chủ động cung cấp nguyên liệu để sản xuất kính xây dựng, thủy tinh, công nghiệp tẩy rửa, bột giấy, giấy...
Theo giải thích của Agribank, việc nhà máy ngàn tỉ này dừng hoạt động không thể lường trước được. Quá trình xây dựng nhà máy bị chậm tiến độ do nguyên nhân khách quan, ảnh hưởng từ việc các chuyên gia, nhà thầu Trung Quốc về nước sau khi xảy ra vụ giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng biển của Việt Nam. Còn quá trình vận hành thử, do một số kỹ thuật chưa bảo đảm nên buộc phải tạm ngừng sản xuất.
"Trên tinh thần cùng khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, Agribank đã khẩn trương và tích cực phối hợp cùng khách hàng triển khai nhiều giải pháp để sớm đưa nhà máy đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh" - văn bản của Agribank nhấn mạnh.
Nguy cơ thành nợ xấu
Theo ông Hà Thạch, Giám đốc Agribank - Chi nhánh Quảng Nam, Agribank đã thành lập tổ thu hồi nợ, thường trực tại nhà máy và đang nỗ lực cùng chủ đầu tư tìm cách khắc phục, đưa nhà máy hoạt động trở lại. Tuy vậy, hiện vẫn chưa có dấu hiệu khả quan, món nợ hơn 2.000 tỉ đồng của 5 cơ quan tín dụng đang có nguy cơ thành nợ xấu, khó đòi.
Bình luận (0)