Trang phục nam, nữ tại Nhà Việt Nam ở Expo 2015 được thiết kế theo kiểu Tàu - Ảnh: NGUYỄN THỊ KIỀU OANH
Trong khi đó, những người có trách nhiệm thì “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"!
Expo 2015 là sự kiện quy tụ 145 quốc gia cùng hàng loạt tổ chức và tập đoàn toàn cầu tham dự, diễn ra từ ngày 1-5 đến 31-10-2015 với dự kiến đón khoảng 20 triệu lượt khách thăm viếng.
Đây là cơ hội lớn để quảng bá ẩm thực, du lịch và giới thiệu hình ảnh quốc gia ra thế giới. Thế nhưng trong khi các nước tham gia đều chăm chút rất kỹ cho gian hàng của mình, Nhà Việt Nam lại mang một hình ảnh trái ngược.
Như gian hàng xén!
Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Chủ tịch HĐQT Trường quốc tế Canada (hiện đang du lịch ở Pháp), cho biết sau chuyến tham quan Expo 2015 tại Milan, bà và những người thân vô cùng thất vọng khi đặt chân đến Nhà Việt Nam tại sự kiện này.
Theo bà Oanh, ngoài lá cờ Việt Nam được ban tổ chức treo phía trước để giới thiệu từng quốc gia theo quy định chung, khu vực Nhà Việt Nam không có một lá cờ nào được cắm, cũng không có thông tin tổng quan nào giới thiệu về đất nước.
Rảo một vòng tại tầng trệt, khách tham quan chỉ thấy lèo tèo một số sản phẩm được giới thiệu là gốm Bát Tràng và sơn mài của Từ Sơn (Bắc Ninh) cùng bình, lọ giả cổ, tượng nghê... với vài thông tin giới thiệu chung chung, không rõ nguồn gốc.
Một sân khấu nhỏ trưng bày vài loại nhạc cụ dân tộc. Khu vực ẩm thực ở phía sau bán một ít món ăn không đại diện cho ẩm thực Việt Nam. Gia đình bà gọi phở xào, miến xào, gỏi cuốn, bún thịt bò xào Nam bộ, gà chiên tẩm bột mỗi thứ một phần nhưng nguyên liệu làm rất kém như kiểu suất ăn công nghiệp.
“Các con gái tôi cứ xuýt xoa tiếc, vì chỉ cần một xe bán bánh mì kẹp thịt kiểu Việt Nam cũng sẽ cực kỳ thu hút thực khách, vì bánh mì kẹp thịt của Việt Nam vốn đã nổi tiếng về hương vị rất riêng và từng được bình chọn là một trong những món ăn đường phố ngon nhất trên bản đồ ẩm thực quốc tế” - bà Oanh cho biết.
Chưa hết, khi lên tầng 1, khách càng thất vọng bởi ngoài vài chiếc tivi nhỏ xíu tua đi tua lại những đoạn phim quay sẵn về các thắng cảnh ở đất nước Việt Nam, còn lại tập trung bày bán đủ loại hàng hóa tạp nham như quần áo, thiệp xếp tay, hũ, lọ sơn mài, nón lá, túi xách...
Độ phong phú, tinh xảo của các mặt hàng thủ công mỹ nghệ hay quần áo ở đây còn thua xa những sản phẩm ở một sạp hàng bình thường của bà con tiểu thương tại chợ Bến Thành!
Một vài bộ trang phục nam nữ trưng bày lại toàn là kiểu áo Tàu! Có một bộ trang phục áo dài duy nhất nhưng cũng không phải là tà áo dài truyền thống của Việt Nam, mà là kiểu áo dài cách tân với nút Tàu theo kiểu xường xám. Hỏi vài nhân viên phục vụ tại quầy ẩm thực và khu bán hàng để tìm hiểu xem do được Bộ Công thương hay Tổng cục Du lịch Việt Nam cử đi, bà Oanh được cho biết tất cả họ đến từ các công ty tư nhân.
Ngược lại với vẻ “nhếch nhác” của Nhà Việt Nam, theo bà Oanh, gian hàng của tất cả các nước đều được chăm chút rất chu đáo. Chưa nói đến các khu trưng bày hoành tráng và lộng lẫy của các nước Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Qatar..., ngay cả gian hàng của các nước trong khu vực ASEAN như Lào, Myanmar, Campuchia, Indonesia, Thái Lan... cũng hơn hẳn Việt Nam, do họ thể hiện được sự trang trọng và kiêu hãnh về bản sắc văn hóa cũng như các thế mạnh riêng của đất nước mình thông qua các gian trưng bày.
Khu ẩm thực tại Nhà Việt Nam (ảnh chụp ngày 10-8) - Ảnh: NGUYỄN THỊ KIỀU OANH
Ai thiếu thiện chí?
Trả lời Tuổi Trẻ chiều 12-8, ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT&DL), đơn vị phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam (VEFAC) tham gia Hội chợ triển lãm kiến trúc thế giới Expo Milano 2015 - cho rằng đã kiểm tra và việc một vài cá nhân nào đó phản ảnh về tình trạng nhếch nhác của Nhà Việt Nam tại Expo 2015 là thiếu thiện chí và không đúng tinh thần.
Theo ông Khánh, “tất cả vật trưng bày và thiết kế ở gian hàng Việt Nam đều đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt, không phải chúng tôi tự ý làm”.
“Tôi khẳng định những thông tin mà du khách nào đó phản ảnh là không đúng. Nhưng tôi chỉ có ý kiến nếu là một ý kiến của cá nhân thì không thiện chí. Vì trước đó từ lúc mới khai mạc, có thông tin phản ảnh về gian hàng Việt Nam, chúng tôi đã có chấn chỉnh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua thăm và đều đánh giá rất tốt” - ông Khánh nói.
Trả lời câu hỏi về những hình ảnh bà Oanh cung cấp, trong đó cho thấy sự nhếch nhác của gian hàng Việt Nam, ông Khánh cho rằng đó “có thể là những hình ảnh từ rất lâu rồi (?). Có thể là từ khi mới khai mạc Expo 2015 (!) hoặc có thể du khách này sang đúng lúc gian hàng Việt Nam vắng khách. Tôi có thể khẳng định không bao giờ có những chuyện như du khách kia phản ảnh đến thời điểm hiện tại” - ông Khánh khẳng định.
Tuy nhiên trao đổi với chúng tôi qua thư điện tử, bà Oanh khẳng định tất cả bức ảnh đều được chụp ngày 10-8, không có chuyện đây là những hình ảnh cũ, đồng thời điều đó cũng không khó xác định.
Ngược với ông Khánh, ông Trần Văn Tân - nguyên giám đốc VEFAC và hiện là trưởng đại diện Việt Nam tại Expo 2015 - đã thừa nhận chuyện này và cho biết đang lên kế hoạch sang Ý để chấn chỉnh. Theo ông Tân, sở dĩ có sự cố này là do ngay từ đầu Công ty Runam (đơn vị được Bộ VH-TT&DL chỉ đạo làm độc quyền tham gia cung cấp dịch vụ ẩm thực, thực phẩm và hàng lưu niệm) đã không vượt qua được những quy định khắt khe của ban tổ chức Expo 2015.
Thậm chí, theo ông Tân, khoảng một tháng sau khi Nhà Việt Nam mở cửa (ngày 1-5), bên trong không hề trưng bày, giới thiệu văn hóa, ẩm thực Việt Nam nên từ đầu tháng 6-2015, Đại sứ quán Việt Nam tại Ý đã giới thiệu công ty của một Việt kiều vào cung cấp dịch vụ ẩm thực, bán hàng tại Nhà Việt Nam.
“Quần áo, vật kỷ niệm bán bên trong Nhà Việt Nam không thể có đồ đặc sắc vì như vậy giá rất cao, khách khó mua. Thức ăn phải tính đến các món chế biến công nghiệp nhanh... để tiện cho khách” - ông Tân lý giải cho sự nhếch nhác!
Đây không phải là lần đầu tiên dư luận chê trách việc quảng bá hình ảnh đất nước tại các hội chợ quốc tế theo kiểu tốn tiền vô bổ!
Kinh phí trích từ ngân sách
Theo ông Trần Văn Tân, chi phí cho dự án Nhà Việt Nam hơn 3 triệu USD lấy từ kinh phí xúc tiến của Bộ VH-TT&DL. Trong đó, riêng chi phí xây nhà đã hơn 2 triệu USD, còn lại là chi phí đưa đoàn văn hóa nghệ thuật sang biểu diễn, mời quan chức Việt Nam sang, tiền điện, nước...
Bình luận (0)