Ở Bình Dương, cứ nhắc đến dự án khu nhà ở cao tầng Eden - Thuận An (có tên thương mại là dự án Vista Riverside, tọa lạc tại đường 3 Tháng 2, phường Lái Thiêu, TP Thuận An) do Công ty TNHH Kim Đại Dương làm chủ đầu tư, Công ty CP Đầu tư Địa ốc Nam Minh làm đơn vị phát triển, là không chỉ khách hàng mua căn hộ mà cả chính quyền địa phương cũng bức xúc.
Ngó lơ quyền lợi khách hàng
Dự án khu nhà ở cao tầng Eden - Thuận An có tổng diện tích gần 4.000 m2, gồm 2 block với 528 căn hộ. Theo thỏa thuận tại Hợp đồng mua bán đã ký kết với Công ty TNHH Kim Đại Dương, thời gian hoàn thiện dự án bàn giao căn hộ là quý II/2021. Thế nhưng theo bà Huỳnh Giao (một khách hàng mua căn hộ), đến tháng 9-2022 chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao căn hộ khiến không ít khách hàng bức xúc và yêu cầu có phương án giải quyết cụ thể.
"Sau đó, chủ đầu tư đã tổ chức cuộc họp, thông báo họ đang gặp khó khăn, mong muốn cư dân đóng thêm 25% (lúc này khách hàng đã đóng tiền 70%) để hoàn thiện dự án. Vì tâm lý nôn nóng có nhà để ở nên có khoảng 150 người đồng ý đóng và chủ đầu tư cam kết tháng 12-2022 sẽ bàn giao nhà. Cuối cùng, chủ đầu tư thất hứa. Đầu năm 2023, chủ đầu tư và khách hàng tiếp tục đối thoại. Tại cuộc đối thoại, khách hàng yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thiện dự án, nếu không phải để khách hàng vào ở. Chủ đầu tư đã đồng ý dù dự án chưa hoàn thiện" - bà Giao cho biết.
Dù nhiều hạng mục còn ngổn ngang nhưng chủ đầu tư dự án Eden - Thuận An đã cho người mua căn hộ vào ở Ảnh: NGUYỄN THẢO
Ghi nhận tại dự án này cho thấy con đường dẫn vào tòa nhà chung cư và xung quanh khuôn viên chưa được thảm nhựa, nắng thì bụi, mưa thì sình lầy. Bên trong là khung cảnh nhếch nhác, toàn bộ khu vực tầng trệt chưa thi công xong, hệ thống điện, thang máy, phòng cháy chữa cháy nham nhở, ngổn ngang. Dẫn chúng tôi lên căn hộ của mình ở tầng 8 bằng thang máy chuyển hàng, anh Tống Thanh Tú giải thích do chủ đầu tư không thanh toán tiền cho đơn vị thi công thang máy nên họ đã gỡ bo mạch đem về và cư dân phải đi lại bằng thang máy chuyển hàng. "Bản thân tôi và cư dân ở đây chỉ mong muốn các cơ quan liên quan sớm yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện dự án, vì sống trong tình trạng như hiện nay không biết tai họa sẽ ập đến khi nào" - anh Tú tha thiết đề nghị.
Tại Đồng Nai, mấy năm qua, hàng trăm khách hàng của dự án khu đô thị The Viva City (97 ha, nằm ở xã Giang Điền, huyện Trảng Bom) không ngừng yêu cầu chủ đầu tư bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhưng đổi lại là những... lời hứa.
Mua đất 10 năm, hàng trăm khách hàng của dự án The Viva City vẫn chưa thể xây nhà vì chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Ảnh: NGUYỄN TUẤN
Ông Lê Trường Sơn, đại diện khách hàng mua đất nền tại The Viva City, nói đã mua đất dự án hơn chục năm, tiền đã đóng từ 95% - 98%, thậm chí có người đóng 100% nhưng không thể làm nhà vì chưa có GCNQSDĐ. "Hàng trăm sổ đỏ đang được chủ đầu tư thế chấp trong các ngân hàng. Vậy số tiền thế chấp sổ đỏ công ty sử dụng vào mục đích gì, tiền người dân đóng 95% - 98% đã đi đâu? Đây có phải là hành vi lừa đảo hay không?" - ông Sơn đặt hàng loạt câu hỏi. Cũng như anh Tú, ông Sơn mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp mạnh đối với chủ đầu tư dự án.
"Bỏ rơi" hàng ngàn hộ dân (!?)
Cũng ở Đồng Nai, phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa có đến 3 dự án kéo dài hàng chục năm, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của gần 4.000 hộ gia đình. Đó là dự án KDC tại khu phố 2, 3; dự án KDC khu phố 1 do Công ty Đầu tư Đô thị Kinh doanh Nhà làm chủ đầu tư (nay sáp nhập vào Công ty Kinh doanh Nhà Đồng Nai) và dự án phát triển hạ tầng và cây xanh tại khu phố 3.
Nói về những dự án trên, ông Trần Văn Thức (69 tuổi, ngụ khu phố 2, phường Long Bình Tân) cho biết khi hay tin nhà đất dính quy hoạch, gia đình ông vẫn vui vẻ chờ giao đất, giao nhà. Vậy mà đến đầu năm 2023 - tức gần 20 năm - nhà cửa xuống cấp trầm trọng nhưng không được sửa chữa, trong khi dự án vẫn chưa thấy đâu. "Nghe đâu khu vực này đã được "gỡ" và bằng chứng là người dân đã được thay tôn, sửa lại nhà. Tuy nhiên, chưa ai dám sửa chữa lớn vì sợ vừa bỏ tiền ra sửa đã phải giải tỏa di dời. Do đó, mong chính quyền sớm có thông báo một cách rõ ràng, cụ thể" - ông Thức đề nghị.
Không khác tình cảnh của ông Thức, suốt 16 năm qua, hàng trăm hộ dân ở phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, đã phải "xất bất xang bang" vì dự án KDC Thế kỷ 21. Đây là dự án có diện tích 24 ha, được đánh giá khi hoàn thành sẽ làm thay đổi bộ mặt của TP Thủ Dầu Một với một khu đa chức năng gồm thương mại dịch vụ, giáo dục, giải trí, chung cư, nhà ở xã hội... Vậy mà đến nay, dù nhà đầu tư ban đầu đã bỏ cuộc từ năm 2015 nhưng "số phận" khu đất vẫn chưa được định đoạt, khiến quyền lợi người dân bị "treo" theo quy hoạch treo.
Gấp rút xử lý
Thông tin hướng xử lý dự án KDC Thế kỷ 21, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết trước đây, khi xác định chủ đầu tư không thể làm được, tỉnh có định hướng sẽ làm công viên, chứ chưa có thực thi bằng văn bản pháp luật, cụ thể là chưa có trong quy hoạch của tỉnh. "Tuy nhiên, hiện tại khu đất 24 ha trên được xác định là 1 trong 27 khu vực phát triển đô thị của tỉnh. Do đó, UBND tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng tìm nhà đầu tư mới. Hiện Bình Dương đang lập quy hoạch tỉnh và sẽ hoàn thành vào quý IV năm nay, khu vực trên sẽ phát triển thành một trung tâm thương mại, dịch vụ, nhà ở cao tầng. Sở đang chọn đơn vị tư vấn để lập quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án" - lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương nói.
Liên quan đến vụ việc ở dự án Eden - Thuận An, ông Lê Quang Vinh - Trưởng Phòng Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương - cho hay theo quy định, dự án phải được các cơ quan chức năng kiểm tra đủ điều kiện thì người dân mới được vào ở. Việc chủ đầu tư cho người dân vào ở khi dự án chưa hoàn thành là sai. Do đó, Sở Xây dựng đã yêu cầu chủ đầu tư khắc phục ngay lập tức. Ngoài ra, chủ đầu tư đã bị UBND TP Thuận An ra quyết định xử phạt về việc cho người dân vào ở chưa đúng quy định và bàn giao chậm cho người dân. "Đối với những hộ dân đã vào ở, chúng tôi đã yêu cầu chủ đầu tư phải có giải pháp, có thể là lo chỗ tạm cư ở một nơi khác, sau khi dự án đã hoàn thiện sẽ mời họ vào bàn giao" - ông Vinh nhấn mạnh.
Giải đáp cho đề nghị của ông Thức, ông Đoàn Văn Đoàn, Chủ tịch UBND phường Long Bình Tân, cho hay UBND tỉnh Đồng Nai đã ra văn bản 1185 quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5000 phân khu A1 và một phần phân khu C2 tại phường Long Bình Tân và An Bình theo quy hoạch chung của TP Biên Hòa. "Việc phê duyệt quy hoạch trên sẽ xóa bỏ các dự án treo kể trên. Thời gian tới, người dân tại các dự án trên sẽ được làm nhà mới, cấp sổ hồng. Mọi việc đang được các cơ quan chức năng thực hiện từng bước" - Chủ tịch UBND phường Long Bình Tân thông tin.
Liên quan dự án The Viva City, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nhấn mạnh tranh chấp tại dự án này là vấn đề được ngành chức năng Đồng Nai rất quan tâm với mục tiêu là giải quyết các vướng mắc, bảo đảm quyền lợi của các bên. Ông Phi yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát lại tính pháp lý dự án; giám sát, đôn đốc doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện cam kết, nếu không thực hiện đúng sẽ có chế tài nghiêm. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư giải chấp giấy chứng nhận; thực hiện việc ký quỹ, ngay sau đó, các sở, ngành của tỉnh sẽ xem xét, chấp thuận cho chủ đầu tư gia hạn tiến độ thực hiện dự án.
Công khai lý lịch dự án
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, thời gian tới, Bình Dương tiếp tục tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, rà soát, xử lý các dự án bất động sản; kiến nghị Bộ Xây dựng hoàn thiện các quy định pháp luật về nhà ở, về kinh doanh bất động sản; nắm bắt tình hình tại dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu phát sinh tranh chấp, khiếu nại.
Bên cạnh đó, Bình Dương tập trung thông tin đầy đủ, kịp thời những dự án bảo đảm pháp lý, đủ điều kiện kinh doanh sản phẩm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình triển khai dự án để kịp thời chấn chỉnh và nghiêm túc xử lý các trường hợp vi phạm.
Bình luận (0)