xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiều yếu tố thúc đẩy kinh tế phát triển

Thy Thơ thực hiện

PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM, ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội - nhận định như vậy khi trao đổi với Báo Người Lao Động

Phóng viên: Năm 2016, nền kinh tế Việt Nam phải vượt qua nhiều khó khăn để đạt kết quả đáng khích lệ, liệu có tiếp tục tạo sức bật trong năm 2017, thưa ông?

img

- PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Để tăng trưởng bền vững, trước hết kinh tế vĩ mô phải ổn định, thị trường có niềm tin vào Chính phủ. Kết thúc năm 2016, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,21%, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 33%, chỉ số giá tiêu dùng ở mức Quốc hội cho phép là 4,74%, xuất siêu 2,68 tỉ USD...

Về kinh tế vĩ mô, chúng ta đã ổn định trong 5 năm qua và được đánh giá tiếp tục ổn định trong thời gian tới. Còn niềm tin của thị trường thì được thể hiện khá rõ khi năm 2016 có đến 110.000 doanh nghiệp (DN) được thành lập, tính ra mỗi ngày có 300 DN ra đời; số DN ngưng hoạt động quay trở lại thương trường cũng khá nhiều... Riêng vốn đầu tư nước ngoài tăng kỷ lục và chúng ta đã giải ngân 15,8 tỉ USD. Du khách đến Việt Nam đạt 10 triệu lượt, vốn hóa thị trường chứng khoán cũng tăng mạnh... Đặc biệt, trong vốn đầu tư xã hội tăng 33% - năm 2015 chỉ tăng hơn 31% thì vốn của khối DN tư nhân chiếm tỉ lệ lớn, trong khi hoạt động khối này lại đạt hiệu quả cao sẽ hỗ trợ rất lớn cho kinh tế tăng trưởng.

Mặt khác, Chính phủ cũng đã cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thuận lợi cho DN. Việc cải cách thủ tục hành chính cũng đạt kết quả ban đầu. Từ đó, chúng ta tin tưởng năm 2017, kinh tế nước ta tiếp tục đi lên.

Thế đâu là điểm nhấn cho nền kinh tế trong năm 2017 và các năm tiếp theo?

Công nghiệp đang chuyển dịch theo hướng công nghệ cao. Trong ảnh: Kiểm tra sản phẩm nhựa cao cấp xuất khẩu Ảnh: Tấn Thạnh
Công nghiệp đang chuyển dịch theo hướng công nghệ cao. Trong ảnh: Kiểm tra sản phẩm nhựa cao cấp xuất khẩu Ảnh: Tấn Thạnh

- Quốc hội đã thông qua 3 nghị quyết quan trọng gồm: cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công, kế hoạch tài chính giai đoạn 2016- 2020. Theo đó, Quốc hội đặt ra chỉ tiêu: GDP tăng 6,7%, tốc độ tăng CPI bình quân 4%, tổng vốn đầu tư xã hội khoảng 31,5%, nợ công không quá 65% GDP, hằng năm có 30%-35% DN có hoạt động đổi mới sáng tạo, tốc độ tăng năng suất lao động trên 5,5%; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu khoảng 70% GDP... Đặc biệt, mục tiêu thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các DN thuộc các ngành không cần nhà nước sở hữu trên 50% vốn. Nhờ đó, việc điều hành của Chính phủ sẽ nhất quán trong thời gian dài với mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao sức lao động, khuyến khích khởi nghiệp...

Hiện nay, Chính phủ đã triển khai các đầu việc như tái cơ cấu các tổng công ty, tập đoàn, DN nhà nước qua việc cụ thể hóa số lượng DN cổ phần hóa, số tiền thu về sau khi bán cổ phần...

Thưa ông, năm 2017, TP HCM dự kiến có thêm 50.000 DN thành lập mới. Vậy TP cần làm gì để hỗ trợ khởi nghiệp?

- TP HCM đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để năm 2017 đạt mục tiêu tăng trưởng 8,4%- 8,7%. Tuy nguồn vốn từ ngân sách trung ương năm nay có giới hạn nhưng TP HCM sẽ có cơ chế chính sách đột phá tiếp sức cho DN, trong đó có gói 1.000 tỉ đồng hỗ trợ chương trình doanh nhân khởi nghiệp, hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN. Mặt khác, TP HCM cũng có chương trình kích cầu với gói 2.000 tỉ đồng dành cho DN đổi mới thiết bị, ứng dụng công nghệ.

Như vậy, TP HCM không chỉ sinh ra mà còn hỗ trợ cho DN lớn mạnh lên. Học viện Cán bộ TP HCM cũng góp sức bằng cách mở các lớp đào tạo khởi sự kinh doanh, kiến thức quản trị cho giám đốc DN vừa và nhỏ...

Nếu là chủ DN, ông sẽ kỳ vọng gì về môi trường làm ăn trong vài năm tới?

- Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, Chính phủ quyết tâm tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh. Vấn đề còn lại là DN phải biết thị trường đang cần gì và mình phải làm gì. Với 92,7 triệu dân là một thị trường vô cùng to lớn mà nhiều DN nước ngoài thèm muốn. Điều này lý giải vì sao các DN bán lẻ hàng đầu trên thế giới cùng nhảy vào nước ta. Do đó, DN cần phải chú ý đến thị trường nội địa để phát triển kinh doanh.

Một thách thức khác đối với DN trong nước là tính cạnh tranh trong cộng đồng kinh tế ASEAN vì hàng hóa của các quốc gia thuộc khối này đang dồn về Việt Nam. Nếu DN không nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm sẽ “thua trên sân nhà”. Ngoài ra, do nhiều quốc gia trên thế giới tăng cường chính sách bảo hộ mậu dịch, ảnh hưởng đến tổng cầu thế giới nên DN Việt Nam cần chú ý hơn nữa đến thị trường trong nước.

Mỹ vừa phát đi thông điệp sẽ có 3 lần điều chỉnh lãi suất trong năm 2017, như vậy có tác động đến tỉ giá VNĐ/USD?

- DN cần dõi theo sát chính sách của Mỹ bởi khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống, Mỹ sẽ có nhiều chính sách mới và rất khó lường. Ngay cả ông Donald Trump trước và sau bầu cử Tổng thống Mỹ cũng có nhiều tuyên bố khác nhau.

Do đó, DN nên theo xu hướng USD tăng giá vì gần như chắc chắn Mỹ tăng thêm lãi suất trong năm 2017. Đồng thời, đưa những biến động của USD vào hoạt động kinh doanh. Dự báo, tỉ giá VNĐ/USD trong năm 2017 sẽ biến động khoảng 2%-3%.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam:

Đủ điều kiện vươn lên tầm cao

Trong lĩnh vực ngân hàng (NH), năm qua, NH Nhà nước đã rất thành công trong việc duy trì sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, bất chấp những bất ổn đang diễn ra trong khu vực và toàn cầu. Dù có sự biến động tiền tệ trong khu vực nhưng NH Nhà nước đã quản lý thị trường ngoại hối trong nước một cách rất chủ động và hiệu quả.

Lãi suất huy động tiền đồng giảm dần đã hỗ trợ DN giảm chi phí vay dẫn đến tăng trưởng kinh tế một cách lành mạnh. Ổn định vĩ mô đóng vai trò quan trọng trong việc định vị Việt Nam là một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất trong nhiều năm qua. Đồng thời, NH Nhà nước cũng không ngừng tái cơ cấu ngành bằng cách giảm số lượng NH nội, tăng cường kiểm tra, giám sát, giới thiệu các tiêu chuẩn hoạt động cao hơn, mở cửa cho nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài tham gia việc tái cơ cấu.

2017 chắc chắn không là năm thuận lợi đối với nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển lên một tầm cao mới trong bối cảnh Chính phủ và NH Nhà nước đưa ra những cam kết về cải cách cùng các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết.

Ông Đỗ Hà Nam - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam:

Nông sản tiếp tục tăng trưởng

Với ngành nông nghiệp, 2017 sẽ là năm rất khó khăn trong việc tăng sản lượng hàng hóa do khí hậu khắc nghiệt và có nhiều biến động ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Những khó khăn này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà cả với các nước khác. Nhu cầu tăng lên trong khi sản lượng giảm sẽ giúp giá xuất khẩu nông sản tăng và DN Việt Nam nào tận dụng được cơ hội này sẽ thu được lợi nhuận cao, khi đó nông dân cũng được lợi.

Trong bối cảnh này, nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang có lợi thế nên sẽ tiếp tục tăng trưởng và gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Đổi lại, muốn đạt điều này, DN cần đầu tư nâng cao giá trị sản phẩm ở khâu bảo quản và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Về chủ trương hỗ trợ của nhà nước, thực tế có rất nhiều chính sách đã được triển khai nhưng năm qua, do ngân sách hạn chế nên ảnh hưởng đến DN. Ngay cả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, nếu DN trong nước không được hỗ trợ tận dụng thì lợi thế sẽ dành cho DN ngoại nhiều hơn.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN):

Cải cách hiệu quả sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Tôi cho rằng thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động bắt đầu thấm vào bộ máy công quyền trong việc cải cách hành chính. Những cải cách này sẽ hỗ trợ DN phát triển, giúp cộng đồng doanh nhân có niềm tin mới mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, phong trào khởi nghiệp gần đây đã huy động được sức trẻ, tạo động lực cho kinh tế phát triển và sự tăng tốc vào cuối năm 2016 đã tạo nền tảng cho sự phát triển trong năm 2017.

Riêng lĩnh vực thực phẩm, sản phẩm an toàn và truy xuất được nguồn gốc sẽ phát triển mạnh mẽ do được xã hội quan tâm. Chúng tôi kỳ vọng nhiều DN cùng làm truy xuất nguồn gốc để đạt mục tiêu lớn nhất là bảo vệ sức khỏe người dân. Đối với sản phẩm thịt, để bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất thiết phải giết mổ công nghiệp, tập trung để thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc và tiến tới xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

T.Phương - Ng.Ánh ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo