Kết thúc năm 2022, xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới, duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp đã đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Hoạt động xuất nhập khẩu trong các năm gần đây liên tục đạt các con số ấn tượng.
Xuất nhập khẩu vượt mốc 730 tỉ USD
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 371,3 tỉ USD, tăng 10,5% so với năm trước, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao (tăng trên 8%). Tăng trưởng xuất khẩu khá tích cực ở cả khu vực kinh tế trong nước và khu vực FDI.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 730 tỉ USD
Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực cho tăng trưởng chung của xuất khẩu, đạt 319,2 tỉ USD, chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 10,1% so với năm trước. Cả nước đã có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỉ USD.
Thị trường xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cả về chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt các doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường có kí kết FTA với Việt Nam. Xuất khẩu sang một số thị trường là đối tác FTA tăng cao như: sang ASEAN đạt 34 tỉ USD (tăng 17,8%) so với năm 2021; Canada đạt 6,3 tỉ USD (tăng 19,8%); Hàn Quốc đạt 24,3 tỉ USD, tăng 10,7%; Nhật Bản đạt 24,2 tỷ USD, tăng 20,4%; Ấn Độ đạt 8 tỉ USD (tăng 26,8%), Australia đạt 5,6 tỷ USD (tăng 26,2%); EU đạt 46,8 tỉ USD (tăng 16,7%)
Kim ngạch nhập khẩu cả năm đạt 358,9 tỉ USD, tăng 7,8% so với năm trước. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu chủ yếu tập trung vào nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu, linh kiện thiết bị cần nhập khẩu phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng là chủ yếu trong trị giá hàng nhập khẩu, đạt 316,7 tỉ USD, chiếm 88,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Cán cân thương mại cả năm đã tiếp tục duy trì vị thế xuất siêu trong các năm trước, đạt mức thặng dư hàng hóa 12,4 tỉ USD.
Thời điểm ghi nhận các mốc kỷ lục của xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam
Về kết quả xuất nhập khẩu ấn tượng 2022, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá việc sớm ổn định và phục hồi sản xuất sau khi kiểm soát được dịch COVID-19 đã thúc đẩy phục hồi sản xuất và các hoạt động thương mại.
Cũng theo ông Hải, năm 2022, nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã phát huy hiệu quả mạnh mẽ. Dù vậy, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đã thẳng thắn chỉ rõ, tốc độ đa dạng hóa thị trường ở một số sản phẩm như rau quả còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết. Ngoài ra, việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm.
Mỹ là thị trường xuất khẩu 100 tỉ USD đầu tiên của Việt Nam
Năm 2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,39 tỉ USD và cũng là thị trường xuất khẩu đầu tiên từ trước đến nay vượt mốc 100 tỉ USD/năm.
Sau Mỹ, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, với kim ngạch đạt 57,2 tỉ USD. Ngoài ra, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 119,3 tỉ USD.
Tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông (Trung Quốc), với kim ngạch xuất khẩu lần lượt đạt 24,29 tỉ USD, 24,23 tỉ USD và 10,9 tỉ USD.
Xuất khẩu dệt may, da giày lập kỷ lục 71 tỉ USD
Năm 2022, hai ngành dệt may và da giày đã đạt kim ngạch xuất khẩu đạt 71 tỉ USD, mức cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, dệt may đạt 44 tỉ USD, ngành da giày - túi xách đạt 27 tỉ USD.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), năm 2022 là năm thách thức của ngành khi đứng trước sức ép kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao tại nhiều nền kinh tế lớn khiến nhu cầu hàng dệt may, giày dép sụt giảm.
Cũng theo Vitas, trong nửa cuối năm, khó khăn bủa vây, lạm phát tác động đến sức mua toàn cầu khiến đơn đặt hàng của các doanh nghiệp sụt giảm. Tuy nhiên, ngành dệt may và da giày vẫn đạt được mức tăng trưởng 2 con số.
Ngành dệt may tiếp tục đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu năm 2022
Về phía doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết tình hình sản xuất kinh doanh - kinh doanh của Vinatex "đảo chiều" chưa từng có trong năm 2022. Tại thời điểm tháng 9-2022, lợi nhuận đạt 1.186 tỉ đồng, vượt hơn 24% kế hoạch được giao.
Tuy nhiên, từ tháng 9, thị trường dệt may đổi chiều đi xuống, các doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn khi thị trường sợi gần như không có thanh khoản, thị trường may đơn hàng giảm mạnh, tin báo lỗ từ các đơn vị liên tục báo về tập đoàn.
Lãnh đạo Vinatex cho biết ở những thời điểm cầu giảm, đơn hàng khan hiếm, doanh nghiệp phải nhận cả những đơn hàng không mang lại hiệu quả cao, thậm chí là lỗ để giữ chân khách hàng, giữ vị trí của mình trong chuỗi giá trị, cũng như giữ chân người lao động.
Trong bối cảnh đơn hàng gặp khó khăn từ cuối năm 2022 và dự báo tiếp tục kéo dài trong năm 2023, ngành dệt may vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 46 - 47 tỉ USD, còn ngành da giày khoảng phấn đấu đạt 27 - 28 tỉ USD.
Theo “Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” vừa được Chính phủ phê duyệt, phấn đấu giai đoạn 2021 – 2030, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giầy cả nước bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 6,8% - 7,0%/năm, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt 7,2% - 7,7%/năm. Phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giầy cả nước năm 2025 đạt 77 - 80 tỉ USD và năm 2030 đạt 106 - 108 tỉ USD.
Xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên cán mốc 11 tỉ USD
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt kỷ lục khoảng 11 tỉ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 (8,89 tỉ USD), tăng 22,2% so kế hoạch (9 tỉ USD).
Trong đó kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ đạt 4,1 - 4,2 tỉ USD (tăng khoảng 13% so với năm 2021); cá tra đạt 2,35 tỉ USD (tăng khoảng 70%). Kim ngạch hai mặt hàng xuất khẩu quan trọng này tăng mạnh đã đưa kim ngạch xuất nhập khẩu thủy sản lên mốc kỷ lục mới.
Xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên cán mốc 11 tỉ USD. Ảnh: Ngọc Trinh
Chia sẻ về kỷ lục mới này, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết các bộ ngành, địa phương đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm hỗ trợ nông dân, ngư dân và doanh nghiệp, góp phần làm nên thành công của ngành thủy sản. Từ năm 2020 đến nay, các bộ, ngành tập trung xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển ngành thủy sản.
Cũng theo ông Tiến, việc tái cơ cấu ngành thủy sản tiếp tục được triển khai từng bước phát huy hiệu quả, đẩy mạnh chế biến để gia tăng giá trị, đồng thời mở rộng các đối tượng nuôi biển như tảo biển, rong biển, nhuyễn thể, nhuyễn thể hai mảnh vỏ...
Trong 3 năm trở lại đây, việc chỉ đạo sản xuất đã theo hướng đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản bền vững. Cùng với đó, việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường được đẩy mạnh, nâng cao, góp phần đem lại kết quả xuất khẩu tốt cho ngành thủy sản của nước ta.
Năm 2023, ngành thủy sản đặt chỉ tiêu diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1,3 triệu ha, tổng sản lượng thủy sản khoảng 8,74 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác khoảng 3,58 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng 5,16 triệu tấn và đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỉ USD.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, trong năm 2023, Bộ sẽ phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở ngoài nước để góp phần hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết là rất quan trọng. Triển khai hiệu quả công tác này sẽ giúp mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu.
Để hướng đến xuất khẩu bền vững, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, khai thác hiệu quả thị trường nội địa 100 triệu dân còn nhiều tiềm năng.
Bình luận (0)