TS TRẦN DU LỊCH, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia:
Thể chế tốt là công cụ quan trọng
TP HCM nhận thức công cụ đầu tiên để hỗ trợ hồi phục, phát triển kinh tế là môi trường thể chế tốt để nền kinh tế hấp thụ được vốn. Vì vậy, phải cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, tháo điểm nghẽn liên quan đến đầu tư.
Giải pháp tiếp theo là sử dụng công cụ đầu tư công để kích thích tổng cầu, xử lý tồn tại về hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị. Cùng với đó, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ tiếp cận dòng vốn, bảo đảm an sinh xã hội... Đặc biệt, cần phát huy vai trò hạt nhân của TP HCM gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Với đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM, tôi băn khoăn về mức độ đột phá của trung tâm này. Khi xây dựng đề án, thành phố đã tính toán, đề xuất mở cửa thị trường ở 3 mức độ thấp, trung bình và cao nhưng cần có sự bàn thảo thêm. Đề án này đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI của TP HCM. Để hiện thực hóa, tinh thần là phải tập trung trong điều kiện có thể để hình thành trung tâm tài chính quốc tế sớm nhất và phù hợp xu hướng phát triển.
PGS-TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:
Thực hiện các giải pháp đồng bộ
Tọa đàm "Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP HCM" do Báo Người Lao Động tổ chức rất có ý nghĩa khi chọn chủ đề sát với chương trình Chính phủ đưa ra nhằm hồi phục, phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là tạo đột phá cho TP HCM.
Năm ngoái, TP HCM bị cú sốc nặng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Có thể nói đây là bước lùi và khi trở lại bình thường thì tinh thần tạo đột phá để phát triển là rất quan trọng. Các chuyên gia kinh tế tại tọa đàm đã nêu khá đầy đủ các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế. Để thực hiện các giải pháp này, tính đồng bộ là rất cần thiết, song đây lại là thách thức với một quốc gia như Việt Nam do tồn tại tính cục bộ, lợi ích.
Quan trọng nhất hiện nay là làm sao xử lý được gói hỗ trợ 350.000 tỉ đồng một cách thống nhất. Theo đó, nhận thức phải thống nhất, gồm nhận thức về dịch bệnh, phương pháp ứng phó với dịch cũng như các yêu cầu sống còn…
Bên cạnh đó, cách triển khai cũng phải thống nhất từ thực tiễn đến cách hành động.
TS TÔ ĐÌNH TUÂN, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động:
Từng bước vượt qua khó khăn, thách thức
Khi đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chúng ta có thể tin tưởng đề án sẽ thành hiện thực. Vấn đề là thiết kế như thế nào để hình thành được một trung tâm tài chính xứng tầm quốc tế với sức cạnh tranh, đột phá, khác biệt.
Điều quan trọng nhất là giải pháp nào để phục hồi kinh tế đất nước, trong đó TP HCM? TP HCM sẽ làm gì để không chỉ khôi phục, phát triển kinh tế mà còn từng bước lấy lại vị thế đầu tàu kinh tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế mạnh như hổ, như rồng trong khu vực.
Ngay sau khi đại dịch Covid-19 ở TP HCM tạm lắng xuống vào tháng 10-2021, Báo Người Lao Động đã tổ chức các tọa đàm về nguồn nhân lực sau đại dịch, hồi phục du lịch, thị trường bất động sản... Với tọa đàm "Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP HCM", chúng tôi tiếp tục đi đầu trong việc tạo ra diễn đàn để ghi nhận ý kiến, sự đồng hành của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà kinh tế…; làm cầu nối đưa những giải pháp, hiến kế đến được với các cơ quan chức năng.
Ngay từ số báo Tân niên 2022, Báo Người Lao Động đã phát động một vệt bài và tiếp nối bằng tọa đàm này với mong mỏi và tin tưởng chúng ta sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, từng bước đưa kinh tế đất nước không chỉ hồi phục mà còn phát triển, đột phá, cạnh tranh mạnh hơn trong những năm tiếp theo.
TS VŨ TIẾN LỘC - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam:
Khoa học - công nghệ, kinh tế số là động lực
TP HCM từ nỗi đau trong đại dịch với mức độ tàn phá nặng nề nhất trong cả nước đã vươn lên mạnh mẽ để hồi phục, sống chung và vượt qua đại dịch. Việc TP HCM mạnh dạn, kiên trì với đề xuất mở cửa kinh tế và ghi nhận tốc độ hồi phục ngoạn mục chính là căn cứ thuyết phục nhất cho chủ trương mở cửa cả nước, đặc biệt là mở cửa với quốc tế.
Trong giai đoạn tiếp theo, TP HCM cần 2 đột phá quan trọng, gồm đột phá về tư duy và đột phá trong sự liên kết vùng và cả nước. TP HCM từng một thời là quán quân trong lĩnh vực công nghiệp, xuất nhập khẩu..., song định hướng phát triển này đã lỗi thời. Phát triển kinh tế trong thời đại hiện nay phải gắn chặt với khoa học - công nghệ, kinh tế số, công nghệ tài chính... và động lực cho tương lai nằm ở một trung tâm tài chính quốc tế phù hợp với xu thế phát triển.
TS VÕ TRÍ THÀNH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh:
5 vấn đề lớn về trung tâm tài chính quốc tế
Có 5 vấn đề lớn nhất về cách tiếp cận xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM. Thứ nhất, cần thể chế đột phá vượt trội để tạo khả năng cạnh tranh quốc tế, giúp trung tâm này cạnh tranh với các trung tâm tại Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Dubai (UAE)… và trở thành điểm đến của các nhà đầu tư. Thứ hai, lựa chọn mô hình trung tâm tài chính mới, gắn với đô thị hóa cùng các dịch vụ chất lượng cao. Thứ ba, xây dựng điều kiện để thu hút nhà đầu tư chất lượng. Thứ tư, quan tâm đến khách hàng. Thứ năm, cần có văn bản pháp lý nhằm triển khai ngay đề án.
Một trong những đặc khu của Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ trước là Hải Phòng đã được lên ý tưởng xây dựng nhưng rất ì ạch. Ý tưởng về trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM cũng nhen nhóm từ cách đây khoảng 20 năm. Tôi hy vọng chúng ta "dám chơi, biết chơi và nhanh". Bởi lẽ, nếu lộ trình xây dựng, hoàn thiện đề án dài quá 3 năm thì giai đoạn 5 năm 2025-2030 không còn động lực đột phá để thành công.
TS CẤN VĂN LỰC, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia:
Cần sự đồng thuận
Để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM, tôi cho rằng cần thống nhất quan điểm hình hài trung tâm này sẽ như thế nào. Có người cho rằng đó là một trung tâm tài chính có trụ sở, tòa nhà của khối ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm… Hình dung thứ hai là một trung tâm thu hút nhiều nhà đầu tư lớn. Quan điểm thứ ba là trung tâm giải trí gắn với casino, du lịch… Hay, trung tâm tài chính quốc tế là tổ hợp của tất cả những thứ trên? Có lẽ phải làm rõ hơn điều này để có thể xây dựng được một trung tâm phù hợp với bối cảnh thế giới tài chính - tiền tệ thay đổi.
Tiếp đến, cần có cách tiếp cận đột phá nhưng kiểm soát được rủi ro. Đồng thời, thuyết phục được về tính khả thi của đề án trong điều kiện gắn với quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố để có sự đồng thuận cao.
Ông JOHNATHAN HẠNH NGUYỄN, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG):
Sức hút với nhà đầu tư Mỹ
Thông tin mới nhất là ngoài 10 tỉ USD mà các nhà đầu tư Mỹ cam kết bằng văn bản thì chúng tôi có hơn 68 văn bản, thư trao đổi với Quốc hội Mỹ và lãnh đạo 2 nước để đi đến quyết định quan trọng. Cụ thể, phía Mỹ đề nghị đưa Disney vào TP HCM và ước tính giúp thành phố có thêm 25 triệu khách du lịch. Đồng thời, đưa Universal vào Hà Nội cũng sẽ có thể đón được 25 triệu khách. Còn đưa Sea World vào Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) góp phần thu hút được 20 triệu khách/năm. Như vậy, nếu chỉ đưa 3 trung tâm lớn của Mỹ vào hoạt động thì chúng ta đã có đến 70 triệu khách du lịch.
Chúng tôi đã chuyển đề nghị của phía Mỹ tới TP HCM để thành phố nghiên cứu.
Ông NGUYỄN NGỌC HÒA, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính TP HCM (HFIC):
Dự kiến trình đề án vào tháng 4 tới
Với đề án xây dựng TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế, lãnh đạo thành phố xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thành phố nhằm đóng góp vào kinh tế đất nước.
Khi xây dựng đề án này, chúng ta có cách tiếp cận mới từ 2 chiều: từ phía người hoạch định chính sách và từ phía cung. Ở phía người hoạch định chính sách, TP HCM đã giao HFIC phối hợp với Trường ĐH Fulbright xác định nền tảng, nguyên tắc, cấu thành và sự cần thiết xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Ở tiếp cận từ phía cung, cần quan tâm đến nguyện vọng của nhà đầu tư cùng với kỳ vọng từ đề án mang lại để đưa ra phương án tốt nhất.
HFIC đã lấy ý kiến chuyên gia và hình thành đề cương đề án. Dự kiến, trong tháng 4 tới, đề án sẽ được hoàn chỉnh và trình báo cáo đến cơ quan trung ương.
TS TRẦN ANH TUẤN, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM:
Cần thêm giải pháp hồi phục kinh tế
Việc duy trì cầu nội địa là một trong những giải pháp mấu chốt hiện nay để hồi phục kinh tế nên trong thời gian tới, TP HCM sẽ tập trung kích cầu. Bên cạnh đó, trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ công khai cụ thể nguồn lực này.
Theo đó, nhu cầu đầu tư ước 800.000 tỉ đồng nhưng thành phố chỉ có 142.000 tỉ đồng vốn đầu tư ngân sách trung ương giao và cố gắng huy động nguồn lực khoảng 350.000 tỉ đồng. Nguồn lực dành cho đầu tư rất lớn nhưng nguồn lực chi cho đầu tư khiêm tốn nên cần phải tháo gỡ cơ chế, chính sách. TP HCM đã được tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách từ 18% lên 21% trong 2022 nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu lớn về đầu tư hạ tầng, y tế cơ sở, chăm lo cho người lao động.
Bình luận (0)