Hai mô hình nông nghiệp hữu cơ ở tỉnh Đồng Tháp đã mang lại hiệu quả cao, qua đó giúp nhà nông, doanh nghiệp có thu nhập khá, hơn hẳn phương thức trồng trọt truyền thống.
Trồng lúa thông minh
Từ vụ đông xuân 2017 - 2018, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Đông 2 (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) phối hợp với Công ty Rynan Smart Fetilizers (Trà Vinh) thực hiện thí điểm mô hình trồng lúa thông minh trên diện tích 7,6 ha. Điểm nhấn của mô hình là nông dân sử dụng bón phân tan chậm một lần cho cả vụ kết hợp với các chế phẩm sinh học không gây độc hại, thực hiện sổ nhật ký ghi chép về quy trình canh tác. Đối với khu vực ngoài đồng, Công ty Rynan còn đặt hệ thống cảm ứng mực nước thông minh dùng năng lượng mặt trời giúp nông dân theo dõi mực nước cần và đủ cho từng thời kỳ sinh trưởng của cây lúa.
Là thành viên tham gia ngay từ đầu, ông Nguyễn Văn Khi (HTX Mỹ Đông 2) đánh giá qua việc canh tác, trong quá trình sản xuất lúa thông minh chỉ sử dụng lượng giống rất thấp chỉ từ 8 kg/công. Thời điểm đầu, năng suất chỉ đạt 7 tấn lúa tươi/ha nhưng bù lại nông dân có thu nhập khá cao nhờ giảm được gần 50% chi phí sản xuất, giá lúa bán cho công ty cao hơn 30%-40% so với phương thức canh tác cũ.
Sau vài vụ triển khai, nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại cao, các xã viên HTX Mỹ Đông 2 đã mạnh dạn mở rộng diện tích áp dụng theo mô hình canh tác lúa thông minh. Đến nay, toàn HTX có hơn 50 ha canh tác lúa theo hình thức này.
Thấy được hiệu quả của mô hình, UBND tỉnh Đồng Tháp đang quy hoạch vùng sản xuất lúa thông minh tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Đông 2 lên 170 ha. Ngoài ra, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Tháp Mười cũng tích cực chuyển hướng sang sản xuất lúa giảm giá thành như áp dụng phân bón chậm tan, trồng lúa theo hướng hữu cơ...
Ông Ngô Phước Dũng, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Đông 2, nhận xét: "Sản xuất lúa thông minh giúp sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra, mô hình này còn giúp nông dân chủ động trong canh tác, tiết kiệm chi phí thông qua việc sử dụng phân bón tan chậm, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và tưới nước tự động qua hệ thống cảm biến được điều khiển bằng điện thoại thông minh".
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tham quan một mô hình trồng rau hữu cơ, thông minh trên địa bàn
Trồng rau hữu cơ thu tiền tỉ
Không chỉ xoay quanh việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa gạo, nhiều doanh nghiệp ở Đồng Tháp cũng chú trọng đến các loại hoa màu, cây công nghiệp. Điển hình là anh Trương Đình Dứt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất nông nghiệp Khả Quỳnh (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), đã từ bỏ công việc nghề giáo theo đuổi gần 20 năm để bắt tay vào công việc trồng rau. Anh Dứt bỏ công đi khắp nơi tham khảo, nghiên cứu để học các mô hình trồng rau sạch, rau hữu cơ và sản xuất nông sản an toàn.
Sau thời gian tìm địa điểm, khoảng đầu năm 2018, anh Dứt về ấp 5, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh đầu tư trang trại trồng rau sạch theo hướng hữu cơ. Rau được trồng hoàn toàn không dùng bất cứ loại thuốc trừ sâu nào, chỉ dùng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học. Trên diện tích hơn 3 ha, anh Dứt đã chi số tiền khoảng 2,5 tỉ đồng để đầu tư hạ tầng trang trại, xây dựng các khu nhà kính, nhập hệ thống tưới nước nhỏ giọt về lắp đặt phục vụ sản xuất. "Nhiều người thấy vậy cứ lắc đầu khuyên sao không phun thuốc. Tôi phải rất vất vả mới giải thích cho mọi người hiểu tác hại của việc dùng thuốc trừ cỏ ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe con người và sản phẩm. Trong quá trình canh tác, tôi hoàn toàn không sử dụng chế phẩm hóa học để phun tưới. Thay vào đó, để phòng trừ sâu bệnh gây hại, tôi dùng chế phẩm sinh học hoặc dùng phương pháp dẫn dụ bắt thủ công" - anh Dứt chia sẻ.
Bên cạnh đó, anh Dứt còn chú trọng thực hiện hệ thống tưới nhỏ giọt là biện pháp tưới siêu tiết kiệm, giảm 30%-60% nước so với phương pháp tưới truyền thống. Hệ thống này còn được sử dụng để tưới phân cho cây trồng với liều lượng vừa đủ thông qua hệ thống đường ống, máy bơm và có thể kết nối với hệ thống máy tính kiểm soát độ ẩm của đất, giúp cây trồng phát triển tốt nhất.
Hiện trang trại của anh Dứt đang canh tác các giống cây trồng như: cà chua, cà chua cherry, dưa leo baby, khổ qua, đậu que, bí đỏ hồ lô, bí đao, bầu, mướp... Anh Dứt cho rằng lắp đặt hệ thống nhà lưới như thế này không những giúp ngăn ngừa các loại côn trùng gây hại mà còn giảm tối đa tác động của khí hậu. "Nhiều năm nay, khí hậu biến đổi khôn lường, nếu cứ trông mong vào thời tiết nhất định sẽ thất bại. Trồng trong nhà lưới ít sâu hại nên cũng giảm được chi phí, công chăm sóc và phân bón" - anh Dứt lý giải.
Hiện nay, công ty của anh đã liên kết để cung cấp rau sạch vào các cửa hàng, đại lý kinh doanh rau sạch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Với sản lượng hơn 300 tấn/năm, mỗi năm, trang trại mang lại doanh thu hơn 3 tỉ đồng và thu nhập ổn định cho lao động tại địa phương.
Bình luận (0)