Tại chợ phiên giới thiệu những nông sản tiêu biểu của TP HCM mới đây, khách tham quan không khỏi ngạc nhiên khi được giới thiệu một số sản phẩm của các nông trại hữu cơ (chuẩn quốc tế hoặc Việt Nam) ngay ở TP HCM.
Tận dụng lợi thế thị trường
Trang trại của Công ty TNHH Nông nghiệp Nhất Thống (Everyday Organic) nằm trên đường Nguyễn Hữu Thọ (huyện Nhà Bè), giáp khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã được tổ chức Control Union cấp chứng nhận hữu cơ theo chuẩn châu Âu (EU), Mỹ (USDA) và Nhật Bản (JAS). Tổng diện tích dự án hơn 11 ha, trong đó 2 ha trong nhà màng và 1 ha ngoài trời đã canh tác rau củ quả ổn định. Từ vị trí này về quận 1 chỉ khoảng 10 km.
Đưa phóng viên đi tham quan khu vực sản xuất, anh Phan Phú Sỹ, kỹ sư của nông trại, giới thiệu hồ sinh thái có sức chứa hơn 28.000 m3 là nguồn nước tưới cho toàn trại. Đây vốn là hồ tự nhiên trong dự án, được phủ bạc toàn bộ bề mặt để trữ nước mưa và kiểm soát theo quy định sản xuất hữu cơ. Bên trong khu nhà màng, đất được chia lô, phân luống và trồng rau xen canh, luân canh để hạn chế sâu bệnh. Trên mỗi luống rau cắm nhiều tấm bẫy dính côn trùng. Sỹ giải thích dù trồng trong nhà màng nhưng sâu bệnh vẫn tấn công nên phải dùng nhiều biện pháp phòng ngừa, xử lý. "Dù theo dõi vườn thường xuyên nhưng có khi buộc phải hủy cả luống vì sâu bọ phá hoại. Canh tác hữu cơ không dễ dàng là vậy" - anh Sỹ phân trần.
Nông trại hữu cơ Nhất Thống đạt chuẩn canh tác hữu cơ của Mỹ, EU và Nhật Bản
Không chỉ trồng những loại rau phổ thông như muống, cải xanh, dền, nông trại này còn có nhiều chủng loại rau "xịn" như xà lách romaine, cải đuôi phụng, cải cầu vồng có giá bán lẻ tại cửa hàng lên đến 180.000 đồng/kg; các loại dưa leo Nhật, đậu bắp đỏ, cà chua bi có giá 120.000 đồng/kg.
Nông trại Happy Vegi diện tích 5.000 m2 của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Hương Đất có chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam cũng nằm ở vị trí đắc địa: trong khuôn viên sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình). Thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Viên, Giám đốc bộ phận sản xuất Happy Vegi, chia sẻ sau 7 năm sản, xuất nông trại đã có lãi, đất đai màu mỡ hơn, chi phí đầu vào giảm nhưng năng suất cao hơn. "Lợi thế của chúng tôi là ngay trung tâm nên dễ làm thị trường. Người tiêu dùng có thể trực tiếp đến nông trại xem quy trình sản xuất, sẵn sàng trả giá cao để mua sản phẩm vì biết chúng tôi sản xuất hữu cơ thật, chi phí cao ra sao" - bà Viên nói.
Theo khảo sát, rau Happy Vegi tuy chỉ có chứng nhận hữu cơ chuẩn Việt Nam nhưng giá bán còn cao hơn nhiều so với một số nông trại có chứng nhận quốc tế. Các loại rau ăn lá (rau muống, dền, mùng tơi…) có giá 80.000 đồng/kg; rau ăn quả như bầu, bí, mướp, dưa leo bán 60.000 đồng/kg.
Kết hợp du lịch, giáo dục
TS Nguyễn Bá Hùng, người tiên phong phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và được chủ trang trại Nhất Thống mời tư vấn kỹ thuật ngay những ngày đầu thành lập, cho rằng làm nông nghiệp hữu cơ ở TP HCM khó hơn nhiều so với các tỉnh vì phải lên phương án xử lý nhiều nguy cơ hóa học. "Làm hữu cơ để có sản phẩm cho gia đình dùng hoặc trao đổi trong cộng đồng nhỏ thì dễ nhưng nếu chọn đất TP HCM để sản xuất hữu cơ, bán sản phẩm sẽ không có hiệu quả kinh tế vì chi phí đầu tư ban đầu rất lớn. Do đó, nông trại hữu cơ tại TP HCM thường kết hợp sản xuất với du lịch, giáo dục để tận dụng lợi thế vị trí trung tâm của mình" - TS Hùng đánh giá.
Sau sản phẩm hữu cơ về trồng trọt, nông trại Nhất Thống đang phát triển sản phẩm chăn nuôi (trứng, thịt) và xây dựng thêm nhiều hạng mục để có thể đón khách đến tham quan, trải nghiệm nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới.
Nông trại Happy Vegi thì đã đón khách trong thời gian qua với phí tham quan 50.000 đồng/người. Ngoài ra, khách còn có thể sử dụng thêm một số dịch vụ để trải nghiệm các công đoạn sản xuất, thu hoạch, chế biến sản phẩm hữu cơ. Theo chị Quỳnh Viên, nguồn thu từ các dịch vụ này chỉ đủ trang trải chi phí vận hành. Nông trại mở cửa đón khách nhằm giới thiệu mô hình nông nghiệp hữu cơ cho cộng đồng, giúp mọi người phân biệt các loại rau (an toàn, hữu cơ, thủy canh…)
Ông Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, đánh giá TP HCM khó sản xuất hữu cơ do tốc độ đô thị hóa cao. Vì vậy, những mô hình sản xuất hữu cơ trên địa bàn rất đáng được ghi nhận, ủng hộ.
Bình luận (0)