Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU dự kiến sẽ kết thúc đàm phán vào cuối năm nay. Việc chuẩn bị để đất nước sẵn sàng đón nhận các cơ hội cũng như vượt qua những thách thức từ các hiệp định thương mại tự do được đặt ra ở thời điểm này cấp bách hơn bao giờ hết.
Các hiệp định thương mại tự do không chỉ mở ra các cơ hội phát triển mà còn là cơ hội để Việt Nam giảm bớt và thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc để bảo đảm sự phát triển bền vững và cân bằng của nền kinh tế Việt Nam. Thực tế hiện nay, về nguồn cung ứng “đầu vào” cho sản xuất trong ngành dệt may một số nguyên phụ liệu, chúng ta đã phải nhập 50%-60% từ thị trường Trung Quốc và có tới 90% hợp đồng EPC trong các dự án nhiệt điệt do nhà thầu Trung Quốc thi công. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung ứng tín dụng, vật tư nguyên liệu hàng hóa từ Trung Quốc rất dồi dào và tương đối rẻ so với các đối thủ cạnh tranh. Với các cam kết loại bỏ hoặc ít nhất là giảm thấp thuế quan và những rào cản kỹ thuật trong các hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có điều kiện nhập khẩu từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Nga, Ukraine và nhiều nền kinh tế khác máy móc, thiết bị, dịch vụ, nguyên liệu đầu vào và cả hàng tiêu dùng với giá cả hợp lý hơn, nhờ đó phần nào có thể cạnh tranh được với nguồn cung ứng giá rẻ từ Trung Quốc…
Về đầu ra của nền kinh tế, theo số liệu chính thức, Trung Quốc chiếm khoảng 10% xuất khẩu của Việt Nam. Tuy không phải là thị trường lớn nhất nhưng đây lại là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam và Trung Quốc cũng đang tiêu thụ một lượng gạo không nhỏ cùng nhiều nông sản khác của Việt Nam. Do đó, thị trường này có ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của một bộ phận đáng kể nông dân và những người sản xuất nông nghiệp ở nước ta. Vẫn biết rằng giá xuất khẩu sang Trung Quốc là rẻ mạt, có mặt hàng chỉ bằng 1/10 giá bán ở thị trường các nước phương Tây và luôn có những rủi ro rình rập nhưng chúng ta vẫn tiếp tục xuất khẩu sang thị trường này vì hàng rào thuế quan nhập khẩu ở các thị trường Âu - Mỹ còn cao. Chúng ta chưa có được một nền công nghiệp chế biến phát triển và chưa biết cách nào để vượt qua khoảng cách xa xôi, bảo quản dài ngày trên các chặng đường vận chuyển, cũng chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm hết sức ngặt nghèo của những khách hàng giàu có và khó tính trên thế giới. Vì vậy, phải đầu tư đủ mức cho các chuỗi giá trị nông sản, các cụm nông nghiệp và thông qua các hiệp định thương mại tự do để tiếp tục đa dạng hóa đầu ra cho các sản phẩm, đặc biệt là nông sản của Việt Nam tại các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng của thế giới. Đây là yêu cầu sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam mà cho đến nay, chúng ta còn làm chưa tốt. Rất cần tìm những lối ra cho nền kinh tế để tránh tình trạng lệ thuộc, bỏ tất cả vào chung một rổ như hiện nay...
(*) Trích phát biểu tại phiên thảo luận ở Quốc hội ngày 2-6, tựa do tòa soạn đặt lại.
Bình luận (0)