Ghi nhận của các hệ thống siêu thị tại TP HCM, người tiêu dùng vẫn trong xu hướng thắt chặt chi tiêu nên lượng mua sắm ít đi, giá trị giỏ hàng giảm so với trước. Điểm tích cực là tần suất mua sắm và lượng khách hàng đến siêu thị mua sắm tăng khoảng 30% so với những tháng trước.
Đã bán được hàng
Tại nhiều doanh nghiệp (DN), sản xuất - kinh doanh đã có cải thiện so với trước nhưng khó khăn vẫn còn. Ông Lưu Lập Đức, Giám đốc Công ty TNHH Agri Đức Tiến (Lâm Đồng) - chuyên cung ứng rau củ, cho hay sức mua vẫn còn giảm đến 30%. Các kênh bán hàng đều giảm nhưng hàng quán giảm ít hơn so với siêu thị và chợ truyền thống. "Nguyên nhân là do người tiêu dùng kiểm soát chi tiêu rất chặt chẽ, ngay cả với người thu nhập không bị giảm cũng ngại mua sắm vì lo ngại khó khăn còn kéo dài" - ông Đức nói. Để ứng phó với tình hình trên, DN đang tiết giảm chi phí tối đa và tìm kiếm thêm đơn hàng xuất khẩu.
Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chế biến Thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods), phản ánh kênh bán hàng truyền thống (chợ lẻ và siêu thị) thời gian qua giảm rất mạnh do đa số người tiêu dùng giảm chi tiêu nhưng may mắn là kênh mua sắm online chưa bị ảnh hưởng nhiều.
"Sông Hương Foods đã bán hàng online hơn 1 năm nên có lượng khách hàng ổn định. Chúng tôi tận dụng những chương trình giảm giá của các sàn thương mại điện tử để có giá bán tốt cho người tiêu dùng, nhờ vậy giữ được doanh thu" - ông Tuấn nêu giải pháp. Sông Hương Foods cũng thích ứng với việc bán hàng online bằng cách sử dụng hũ nhựa, bên cạnh hũ thủy tinh, để tiện cho vận chuyển, tránh bị vỡ.
Chuỗi Farmers Market cũng gặp tình trạng sức mua tại các cửa hàng xuống thấp dù nằm ở những vị trí thuận lợi cho khách hàng mua sắm. Để bảo đảm doanh số, ngoài đẩy mạnh bán hàng qua kênh thương mại điện tử, hệ thống bán lẻ này còn tham gia bán hàng qua phát trực tiếp (livestream) qua TikTok shop, mạng xã hội nhằm tiếp cận khách hàng nhiều hơn. Thậm chí, lãnh đạo hệ thống cũng tham gia livestream bán hàng bên cạnh nhân viên.
Tuy vậy, ông Võ Tấn Thành, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Nam An (chủ quản chuỗi cửa hàng Nam An Market), dự báo sức mua từ nay đến cuối năm sẽ không giảm mà tăng trưởng ở mức 10%-15%. Nguyên nhân là do Chính phủ đã thực hiện các giải pháp tháo gỡ như nới tín dụng, hạ lãi suất, tạo điều kiện cho DN làm ăn để người lao động có việc làm, thu nhập, phục hồi niềm tin mua sắm. Đồng thời, cuối năm, theo văn hóa Việt Nam, có nhiều lễ hội, tiệc tùng nên chắc chắn sẽ chi tiêu, đẩy sức mua lên.
Doanh nghiệp tích cực tiếp thị, quảng bá để đưa hàng ra thị trường nội địa. Ảnh: THANH NHÂN
Áp lực với hàng xuất khẩu
Kết quả khảo sát gần đây nhất của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra nhiều điểm nghẽn gây trở ngại cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. Trong đó, tất cả DN được khảo sát cho biết đang gặp khó khăn do đầu ra hàng hóa sụt giảm ở tất cả các thị trường mà DN có thể bán được hàng.
Trong bối cảnh như vậy, thị trường nội địa trở thành "nơi trú ẩn" an toàn cho DN. Theo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, cơ quan này nhận được đề xuất của các hiệp hội ngành hàng đang gặp khó khăn trong xuất khẩu để hỗ trợ đưa hàng hóa, sản phẩm vào tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, thị trường chứng kiến sự "về lại sân nhà" của rất nhiều DN chuyên xuất khẩu các lĩnh vực đồ gỗ, may mặc, lương thực - thực phẩm. Các DN sản xuất cho biết đã đẩy mạnh cung ứng cho thị trường nội địa để bù đắp phần nào doanh thu xuất khẩu. Bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế biến gỗ Đức Thành, cho biết công ty chú trọng đến thị trường nội địa từ cuối năm 2022. "Trước đây, tỉ trọng xuất khẩu của gỗ Đức Thành thường chiếm khoảng 85%-86%, thậm chí có lúc 88% tổng doanh thu nhưng năm nay, công ty đặt mục tiêu thị trường nội địa sẽ chiếm trên 20% tổng doanh thu" - bà Liễu nói.
Một số hệ thống siêu thị đã nhận được rất nhiều đề nghị chào hàng mới của các nhà cung cấp, nhiều sản phẩm trước đây chỉ để xuất khẩu, nay mới đưa ra thị trường nội địa. "Siêu thị đang phối hợp với các nhà cung cấp đưa thêm sản phẩm mới ra thị trường, tổ chức hoạt động giới thiệu, cho dùng thử sản phẩm và khuyến mãi giảm giá để vừa hỗ trợ DN tiếp cận người tiêu dùng trong nước vừa tạo điều kiện cho khách hàng sử dụng sản phẩm xuất khẩu giá nội địa" - đại diện một hệ thống phân phối lớn tại TP HCM cho hay.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng tăng trưởng hàng hóa tiêu dùng sẽ là trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm. Quan trọng hơn, thị trường tiêu dùng nội địa vẫn còn tiềm năng lớn để tăng trưởng tốt hơn. Để làm được điều này, cần tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nội địa, hình thành chuỗi cung ứng, phân phối và tiêu thụ hàng trong nước.
"Các chính sách kích cầu như giảm thuế GTGT, thay đổi chính sách thị thực… cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng nội địa trong thời gian tới" - TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhận định.
Những tín hiệu khả quan
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng hàng hóa tiêu dùng đã mang đến nhiều tín hiệu tích cực. Trên cả nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm đạt hơn 3 triệu tỉ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Theo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, hiện thị trường trong nước đã tổ chức được những mạng lưới để cung ứng hàng hóa đến 100 triệu người dân Việt Nam.
TP HCM cũng ghi nhận tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khả quan, với hơn 561.000 tỉ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa 6 tháng tăng 9,1%. "Quý I tình hình rất khó khăn, thành phố đã kịp thời ngăn chặn đà suy giảm của các ngành bằng nhiều giải pháp và đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Trong đó, sản xuất và bán lẻ là động lực cho tăng trưởng kinh tế" - ông Nguyễn Thái Hùng, Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính - Tổng hợp, Sở Công Thương TP HCM, cho hay.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)