Ngày 29-10, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tổ chức sơ kết hoạt động 9 tháng đầu năm 2021 nhóm hội viên công ty tài chính. Ông Lê Trung Kiên - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng (NH), cơ quan thanh tra, giám sát NH của NH Nhà nước - đánh giá các công ty tài chính tiêu dùng đang chịu tác động mạnh do dịch Covid-19, khi thu nhập của khách hàng ở phân khúc vay tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề, không thể cho vay mới và nợ xấu gia tăng…
Thu phí, thu nợ gặp khó
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA, nhìn nhận một trong những nỗ lực của các công ty tài chính thời gian qua là mở rộng mạng lưới dịch vụ về vùng sâu, vùng xa; mở rộng hệ thống khách hàng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, góp phần hạn chế tín dụng đen. Dù vậy, dưới tác động của đại dịch Covid-19, tổng dư nợ tín dụng trong 9 tháng đầu năm nay chỉ đạt khoảng 129.000 tỉ đồng, gần như không tăng trưởng so với cuối năm ngoái.
"Nhiều khách hàng là F1, F0 hoặc trong khu vực giãn cách không thể kết nối được với các công ty để làm thủ tục, hồ sơ vay vốn hoặc giải ngân, đa phần các điểm giới thiệu dịch vụ đều phải duy trì số lượng tối thiểu cán bộ - nhân viên hoặc tạm thời đóng cửa… khiến việc thu phí dịch vụ, thu nợ, xử lý nợ xấu cũng gặp khó. Điều này dẫn đến việc giải ngân và thu nợ của công ty tài chính gặp khó, phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu tăng cao và hạn chế tăng trưởng tín dụng, thậm chí tăng trưởng âm" - ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch, nhiều công ty tài chính như Fe Credit, Lotte Finance, Mirae Asset, SHB Finance, MB SHINSEI, HD Saison… đã triển khai việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất khoản vay cũ hoặc khoản vay mới cho khách hàng.
Điều đáng lo là tỉ lệ nợ xấu bình quân của nhóm công ty tài chính đang ở mức 9%-10% tổng nợ, tăng nhiều so với khoảng 6% vào cuối năm ngoái và dự kiến sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm.
Bà Trần Thanh Nữ Tường Vy, Phó Tổng Giám đốc Công ty SHB Finance, cho biết khách hàng của công ty tài chính chủ yếu là phân khúc thu nhập thấp, khó tiếp cận vốn từ NH thương mại. Trong 9 tháng qua, dịch bệnh khiến tỉ lệ thất nghiệp cao và Chính phủ đã triển khai nhiều gói an sinh xã hội cho người dân. Khách hàng của công ty tài chính cũng nằm trong nhóm khó khăn này.
"Dù được cơ cấu nợ theo quy định, giảm trích lập dự phòng, giảm nợ xấu nhưng thực chất khoản nợ của khách hàng vẫn còn và công ty không thu được nợ sẽ chịu thiệt hại. Trong khi nợ cũ chưa thu hồi được vì dịch nhưng lại không thể cho vay mới do "đụng trần" tín dụng sẽ rất khó khăn cho công ty tài chính. Như năm nay, công ty được tăng trưởng tín dụng khoảng 12% và đến giờ đã "đụng trần", nếu không được nới hạn mức sẽ không thể cho vay tiếp những tháng cuối năm" - bà Tường Vy kiến nghị.
Cho vay kích cầu tiêu dùng cũng góp phần hồi phục nền kinh tế Ảnh: Tấn Thạnh
Gỡ rào cản chính sách
Tại hội nghị, nhiều kiến nghị gỡ rào cản chính sách đang làm khó hoạt động của công ty tài chính trong phân khúc cho vay tiêu dùng đã được đưa ra.
Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính HD Saison, cho rằng từ 3-4 năm trước, chủ trương của NH Nhà nước và Bộ Công an là đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính để hạn chế tín dụng đen. Nhưng chưa thấy giải pháp hỗ trợ công ty tài chính có nguồn vốn thấp để giảm mạnh lãi suất cho vay. Hiện các công ty tài chính chủ yếu huy động vốn từ các nguồn thương mại với lãi suất đầu vào cao, trong khi chi phí mạng lưới rất lớn vì tới tận thôn, xã vùng sâu, vùng xa…
Gần đây, do ảnh hưởng dịch nên tỉ lệ nợ xấu của nhóm các công ty tài chính ở mức cao cũng tác động đến khả năng bị hạn chế tăng trưởng tín dụng. Do đó, các công ty tài chính kiến nghị NH Nhà nước xem xét lại chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động NH Lê Trung Kiên nhìn nhận lãi suất cho vay của công ty tài chính sẽ không thể thấp như NH thương mại vì chi phí hoạt động quá cao, các khoản cho vay không có tài sản thế chấp nên tỉ lệ nợ xấu và tỉ lệ trích lập dự phòng lớn… Do đó, cần góc nhìn mang tính đặc thù của phân khúc này và có chính sách phù hợp về tăng trưởng tín dụng, lãi suất.
"Kiến nghị nới rộng hạn mức cho vay tiêu dùng của công ty tài chính là hợp lý, bởi kinh nghiệm từ Thái Lan cho thấy họ khôi phục được sau khủng hoảng là duy trì lực cầu thông qua tín dụng. Vì người dân vẫn tiêu dùng, kích cầu thông qua tài chính tiêu dùng, hàng hóa bán được… là một trong những giải pháp góp phần hồi phục nền kinh tế" - ông Lê Trung Kiên nói.
Trước những vướng mắc của các công ty tài chính, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết VNBA sẽ tổng hợp ý kiến và kiến nghị để gỡ vướng. Theo đó, đề xuất NH Nhà nước xem xét áp dụng cơ chế tăng trưởng linh động, không áp trần tăng trưởng tín dụng (hoặc nới lỏng hạn mức tín dụng) đối với công ty tài chính sau khi đã kiểm soát được dịch nhằm hỗ trợ cung ứng vốn cho người dân.
Xem xét chỉnh sửa, bổ sung quy định tại Thông tư 43 về cho vay tiêu dùng như điều chỉnh các quy định, chỉ tiêu an toàn cho phù hợp hơn với đặc thù hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng, đặc biệt trong giai đoạn đang bị ảnh hưởng từ dịch. Đề xuất tỉ lệ nợ xấu định hướng riêng cho nhóm công ty tài chính, theo trung bình các công ty tài chính tiêu dùng, phù hợp đặc thù ngành.
Ngoài ra, nhu cầu vay tiền mặt của người dân vẫn cao nên các công ty tài chính kiến nghị điều chỉnh lộ trình giảm tỉ lệ cho vay giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt để người dân hạn chế tìm đến tín dụng đen.
Lãi suất cho vay tiêu dùng vẫn cao
Đại diện Vụ Chính sách tiền tệ, NH Nhà nước nhận định hiện lãi suất cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính vẫn còn khá cao, thống kê cho thấy từ khoảng 30%-45%/năm và không giảm từ cuối năm ngoái đến nay. Trong quá trình xét hạn mức tăng trưởng tín dụng, NH Nhà nước có tính đến yếu tố giảm lãi suất cho vay với khách hàng. Ghi nhận việc các công ty tài chính kiến nghị NH Nhà nước có cơ chế hỗ trợ vốn cho khối tài chính tiêu dùng để có thể giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Bình luận (0)