Bà Thắm cho biết từ khi còn là sinh viên, bà đã đam mê nghiên cứu về dược liệu. Sau khi ra trường và làm cho một công ty về dược, bà cũng được ưu ái cho nghiên cứu sâu về dược liệu.
Dược sĩ khởi nghiệp
Đến năm 2017, bà Thắm thành lập Công ty TNHH MTV Hygie & Panacee nhưng mới trong giai đoạn "ủ mưu" làm dược trà.
Các sản phẩm trà hoà tan do công ty của bà Thắm sản xuất được nhiều đơn vị ở TP Cần Thơ mua làm quà biếu, tặng
Đến năm 2019, nhận thấy cơ hội và việc "ủ mưu" đã thành, bà Thắm nghỉ việc, bắt đầu khởi nghiệp làm trà hoà tan từ các loại nông sản.
Nói về nguyên nhân chọn nông sản làm trà hoà tan, bà Thắm cho biết: "Người khác làm trà chỉ uống thôi, còn tôi là làm dược trà, tức sử dụng cách làm của dược liệu để chế biến ra loại thức uống tốt cho sức khoẻ".
Xuất thân là một dược sĩ nên bà Thắm nhận thấy giá trị dược liệu từ các loại nông sản của ĐBSCL rất lớn nhưng chưa được khai thác tối đa. Đa phần nông sản chỉ dùng dưới dạng thực phẩm.
"Đơn cử, trong y học cổ truyền, gừng có vị cay, tính ấm, có tác dụng giải độc, giảm chống mặt, hoa mắt; rau diếp cá trị trĩ, táo bón, trị những bệnh về giãn tĩnh mạch rất tốt… Tuy nhiên, không ai cũng biết ăn và uống các loại này như thế nào để có tác dụng" - bà dẫn chứng.
Trà hoà tan được ứng dụng công nghệ chiết xuất từ ngành dược
Bên cạnh đó, việc chọn làm trà hoà tan chứ không phải là trà túi lọc cũng là điểm mới trong sản phẩm khởi nghiệp của bà Thắm.
Bà Thắm cho rằng làm trà túi lọc rất đơn giản, chỉ cần phơi khô, sấy, đóng gói là xong. Còn trà hoà tan phải ứng dụng công nghệ chiết xuất của ngành dược, loại tạp, bỏ bả đi rồi pha chế thành dạng bột tiện dụng. Khi bột này cho vào nước hoà tan uống liền, không cần thời gian chờ hãm trà, không cần bỏ bã nên mang đi đâu cũng dùng được.
"Ở mỗi loại như gừng, tía tô, diếp cá, đinh lăng… sẽ có cách chiết xuất khác nhau. Trà hoà tan là dạng cô đặc lại các hoạt chất có trong nông sản, đồng thời tôi cũng điều vị lại để cho dễ uống"- bà Thắm tiết lộ.
Nâng tầm giá trị cho nông sản
Năm 2020, bà Thắm cho ra thị trường một số loại trà hoà tan nhưng khách hàng còn ái ngại. Sau đó, bà Thắm trực tiếp đi nhiều nơi và giới thiệu sản phẩm nên được một số người quen mua hàng rồi truyền miệng.
Trà hoà tan là dạng cô đặc lại các hoạt chất có trong nông sản nên sẽ tăng hiệu quả cho người dùng hơn
Bà Thắm nhớ lại: "Năm 2021, tôi bắt đầu đưa dự án "Sản xuất dược trà, khai thác giá trị dược liệu từ nông sản" dự các cuộc thi khởi nghiệp ở các tỉnh và của ĐBSCL. Mục đích đưa sản phẩm đi thi là để chuyên gia thẩm định dự án của mình, phát hiện những cái còn thiếu để mình bổ sung cũng như gợi ý phương pháp và mô hình kinh doanh hiệu quả. Nào ngờ, dự án đoạt giải cao".
Để có nguồn nguyên liệu ổn định, bà Thắm liên kết với các HTX sản xuất rau sạch tại TP Cần Thơ. Đối với các loại nông sản là rau ăn lá, từ 15-20 kg lá khi chiết xuất mới cho ra 1 kg trà hoà tan, riêng các loại củ thì chỉ cần 3-5 kg.
Mẫu mã có thiết kế bắt mắt
Trung bình mỗi tháng, công ty của bà Thắm xuất bán khoảng 700 kg trà hoà tan các loại với giá 225.000-240.000 đồng/hộp (250 gram). Có thể nói, các sản phẩm dược trà của bà Thắm góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân- tiêu thụ 1 hộp trà 250 gram tương đương với việc tiêu thụ gần 3 kg nguyên liệu tươi; tăng hạn dùng của nông sản lên nhiều lần...
Tính đến nay, công ty của bà Thắm có 12 sản phẩm trà hoà tan chiết xuất từ nông sản, như: tía tô; bí đao; gừng; diếp cá; chanh; sả… Các sản phẩm này được đóng hộp và có thiết kế rất bắt mắt nên ngoài việc mua dùng, khách hàng có thể mang biếu tặng. Trong 12 sản phẩm thì có 5 sản phẩm đạt OCOP 4 sao.
Có 5 sản phẩm trà hoà tan đạt chứng nhận OCOP 4 sao và sẽ nâng lên 5 sao để xuất khẩu
"Công ty đã ổn định quy trình sản xuất nên bây giờ nếu có đơn đặt hàng lớn, chúng tôi có thể đáp ứng. Ngoài ra, khi có vốn tôi, sẽ đầu tư vùng nguyên liệu riêng theo hướng hữu cơ để có sự đồng nhất cũng như sẽ nâng các sản phẩm OCOP từ 4 san lên 5 sao để xuất khẩu"- bà Thắm nói về hướng đi sắp tới.
Chưa tiếp cận được nguồn vốn
Dự án "Sản xuất dược trà – khai thác giá trị dược liệu từ nông sản" của bà Đoàn Thị Hồng Thắm đã đoạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Đồng Tháp năm 2021, đoạt giải nhì cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo ĐBSCL năm 2021 tổ chức vào tháng 1-2022, được Sở Công Thương TP Cần Thơ tặng giấy khen sản phẩm sáng tạo tiêu biểu của thành phố.
"Mặc dù đoạt nhiều giải thưởng nhưng tôi chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ cho khởi nghiệp, có liên hệ nhưng chưa được. Nếu có vốn thì tội sẽ mở rộng sản xuất và đầu tư để xuất khẩu"- bà Thắm thông tin.
Bình luận (0)