Ngày 2-6, tại diễn đàn "Việt Nam - Indonesia: Hợp tác kinh doanh về ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô, xe máy", ông Cao Bảo Anh, Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương, cho rằng triển vọng hợp tác giữa doanh nghiệp (DN) Indonesia và Việt Nam trong lĩnh vực linh kiện và phụ kiện là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh các nước ASEAN sẽ trở thành một nền kinh tế chung.
Indonesia mở rộng thị trường tại Việt Nam
Diễn đàn ghi nhận ý kiến của đại diện Công ty Sản xuất phụ tùng xe máy Mạnh Quang (Hà Nội) về việc Indonesia đang mở rộng thị trường để phân phối phụ tùng sang Việt Nam và ngược lại. Theo nhận định của DN này, 2 thị trường có cùng đặc điểm đông dân để khai thác song tỉ lệ nội địa hóa không cùng mức độ. "Indonesia có những DN nhà nước dẫn đầu có quy mô lớn trong khi Việt Nam không có. Khi có người cầm trịch cuộc chơi thì sẽ dẫn dắt được các DN nhỏ. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ có liên doanh và DN quy mô nhỏ nên không dẫn dắt được. Như vậy, không làm chủ được cuộc chơi" - đại diện DN này nêu khó khăn.
Liên quan đến câu chuyện nội địa hóa sản xuất thiết bị, phụ tùng ô tô và xe máy, đại diện Công ty Astra Toto Parts (đơn vị lớn cung ứng phụ kiện cho các DN ô tô Indonesia) nhìn nhận ngành ô tô Indonesia trước đây không được nhà nước hỗ trợ phát triển phụ trợ. Chính phủ Indonesia cũng không có chính sách nội địa hóa ô tô. "Việc nội địa hóa là đòi hỏi từ thực tế của các DN ô tô trong nước và cuộc chiến về giá. Điều này bắt buộc chúng tôi phải đẩy mạnh nội địa hóa bởi nếu không sẽ không thể cạnh tranh được" - đại diện của Astra Toto Parts nêu bài học từ Indonesia.
Doanh nghiệp trong nước phải đẩy mạnh nội địa hóa để cạnh tranh với ô tô nhập khẩu Ảnh: Tấn Thạnh
Giới chuyên gia cho rằng không chỉ Indonesia mở rộng thị trường cung cấp linh kiện và phụ kiện tại Việt Nam mà có thể nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng sẽ nhắm tới mục tiêu này nếu như các hãng xe đặt cơ sở sản xuất một số dòng xe nhất định tại nước ta. Khi thuế suất nhập khẩu ô tô về 0%, Việt Nam sẽ được mua xe giá rẻ song sẽ vấp phải khó khăn khi tỉ lệ nhập khẩu lớn mà không thể tăng tỉ lệ nội địa hóa.
"Tình trạng của Việt Nam liệu có do ngành công nghiệp phụ trợ quá kém, không đáp ứng yêu cầu? Chúng tôi khi sản xuất ban đầu đã nhập khẩu đến 70% linh kiện từ Thái Lan nhưng 1-2 năm sau, tỉ lệ nội địa hóa lên đến 70% nhờ học hỏi họ. Đây là điều Việt Nam có thể đạt được trong 5 năm tới vì chúng tôi muốn tiến đến chuyển giao công nghệ chứ không chỉ cung cấp sản phẩm" - một chuyên gia đến từ Indonesia phân tích.
Học Thái Lan về nội địa hóa
Đề cập đến ngành công nghiệp ô tô "đáng nể" của Thái Lan, ông Widjanarko Koko, Giám đốc phụ trách thương mại của Toyota Indonesia, đánh giá Thái Lan có hơn 2.000 nhà cung ứng linh kiện và phụ kiện cho ô tô. Trong khi đó, Việt Nam hiện chỉ có khoảng 700-800 nhà cung ứng. Do vậy, mô hình của Thái Lan là bài học chung để xây dựng thành công ngành công nghiệp ô tô.
Ông Koko nhận xét DN sản xuất, lắp ráp ô tô và nhà cung cấp linh kiện, phụ kiện ô tô Việt Nam giống như Indonesia cách đây 10 năm trước. Lúc đó, Indonesia loại bỏ thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, áp thuế 0%. Thời điểm đó, lượng ô tô nhập khẩu khá lớn, lượng tiêu thụ xe nhập nguyên chiếc tăng 5%-10%. Do đó, các hãng ô tô Indonesia phải tìm mọi cách liên kết với Toyota tại Thái Lan, Việt Nam để chọn mua linh kiện và phụ kiện từ các nhà cung ứng nhằm giảm tối đa chi phí, cạnh tranh với xe nhập khẩu. "Ngành công nghiệp ô tô của Indonesia thành công như hôm nay là nhờ học hỏi nhiều từ Thái Lan. Có lẽ để thành công, Việt Nam cũng nên học Thái Lan trong xây dựng các kênh cung ứng linh kiện và làm tốt hơn vấn đề này" - ông Koko đề nghị.
Theo ông Koko, khi thuế nhập ô tô nguyên chiếc chưa về 0%, Toyota Indonesia nhập rất nhiều linh kiện từ Nhật nhưng khi bỏ thuế, chỉ những bộ phận quan trọng mới được nhập từ Nhật, còn các linh kiện đơn giản đều được nội địa hóa hoặc nhập từ các nước ASEAN. Đó là nền tảng giúp Toyota xây dựng được mạng lưới logistics rộng lớn trong khu vực này. Đây là điểm thuận lợi cho thị trường chung ASEAN khi thuế quan hoàn toàn được các quốc gia gỡ bỏ theo đúng lộ trình.
Nhà nước không làm thay
Ông Cao Bảo Anh cho rằng Việt Nam cũng khuyến khích DN có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ nhưng DN trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, DN Việt Nam cần nhìn nhận đúng năng lực của mình. "Cơ quan quản lý chỉ tạo dựng cơ chế, chính sách và thị trường chứ không thể làm thay kết nối nguồn lực và mối quan hệ với nhà cung ứng. DN Việt Nam trước đây được hỗ trợ nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, phát triển nguồn lực và vốn nhưng theo cam kết thì nay không phải lúc nào cũng được hỗ trợ" - ông Bảo Anh nhấn mạnh.
Bình luận (0)