Trao đổi với báo giới sau lễ khai trương 3 đường bay đến Hải Phòng ngày 10-5, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của hãng hàng không Bamboo Airways, cho biết: "Hiện nay chúng tôi đã có những chuyến bay charter flight (bay thuê bao trọn gói cho các hãng lữ hành - PV) đầu tiên đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Tới đây hãng sẽ hướng tới các chuyến bay quốc tế đường dài sang Đức, Cộng hoà Czech, Anh. Nếu không có gì thay đổi, chậm nhất đến quý I/2020 chúng tôi sẽ bay thẳng đến Mỹ".
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của hãng hàng không Bamboo Airways, trao đổi với báo chí ngày 10-5
Về công tác chuẩn bị nhân lực, vật lực, ông Quyết cho biết hiện nay hãng có 10 máy bay với tần suất phục vụ 50 chuyến bay/ngày. Theo kế hoạch, cuối năm nay đội tàu bay của Bamboo Airways sẽ tăng lên 40 chiếc và đến năm 2021 số lượng sẽ tăng lên 100 chiếc.
Đội tàu bay của hãng sẽ có khoảng 10 chiếc Boeing 787 Dreamliner. Đây là đội tàu bay thân rộng hiện đại có thể phục vụ đường bay thẳng đến các nước châu Âu và Mỹ.
Ông Quyết khẳng định Bamboo Airways sẽ là một hãng hàng không 5 sao được các tổ chức hàng không quốc tế công nhận. Hãng đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng các điều kiện từ cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực cho đến đội máy bay hiện đại. Tất cả máy bay của hãng đều có các ghế hạng thương gia (Business Class) và sắp tới bay quốc tế sẽ có ghế hạng nhất (First Class, cao cấp nhất trên chuyến bay).
Thị trường hàng không đến Mỹ rất lớn, rất tiềm năng, song cũng nhiều thách thức. Các hãng hàng không Việt Nam đều đã có nghiên cứu việc khai thác thị trường này. Vietnam Airlines đã mở văn phòng ở Mỹ từ năm 2001. Cả Vietjet Air và Bamboo Airways đều coi bay thẳng sang Mỹ là một phần trong chiến lược phát triển của mình.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho rằng việc mở đường bay thẳng Việt-Mỹ (non-stop) gặp khó khăn, vấn đề không phải là rào cản kỹ thuật mà là rào cản kinh tế. Việc đầu tư đội máy bay tầm xa phù hợp bay tới Mỹ rất tốn kém, thị trường hàng không Mỹ cạnh tranh khốc liệt, cần lưu ý hệ thống tư pháp hết sức phức tạp của Mỹ. Thời gian đầu nếu khai thác các đường bay thẳng tới Mỹ thì sẽ chịu lỗ nhưng dự đoán về lâu dài thì đường bay này sẽ hiệu quả.
Cũng có một số hãng từng bay thẳng Việt Nam - Mỹ song hiện đã dừng. United Airlines đã bay đến TP HCM từ 2007, sau 5 năm đã chấm dứt đường bay. Delta Airlines cũng đã bay tới TP HCM và cũng phải đóng đường bay rất nhanh sau đó.
Theo một tính toán của Vietnam Airlines, khi mở đường bay thẳng đến Mỹ hãng cần khoảng 5-10 năm mới có thể hòa vốn đường bay này. Trong 5 năm đầu khai thác, đường bay này có thể sẽ lỗ tới khoảng 30 triệu USD/năm.
Về phần Bamboo Airways, từ trước khi hãng này được cấp phép, tháng 6-2018, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC (công ty mẹ của Bamboo Airways), đã bày tỏ mục tiêu bay thẳng đến Mỹ, thậm chí "đã bay phải có lãi luôn".
Cũng trong ngày 10-5, thông tin với báo chí bên lề Đại hội đồng cổ đông Vietnam Airlines, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết nếu nhanh cũng phải 1-2 năm nữa hãng mới chuẩn bị đủ các điều kiện mở đường bay thẳng đến Mỹ.
Để từng bước chuẩn bị cho đường bay thẳng Việt - Mỹ, từ năm 2008, Vietnam Airlines đã đặt mua máy bay Boeing 787 Dreamliner, lập tổ xúc tiến mở đường bay. Mặc dù Cục Hàng không Việt Nam đã được Cục Hàng không Liên bang Mỹ cấp chứng chỉ an toàn hàng không CAT-1, nhưng Vietnam Airlines vẫn phải chuẩn bị những về vấn đề thương mại, thị trường, pháp chế để hoàn thành các điều kiện đến Mỹ.
Ông Dương Trí Thành nêu một ví dụ như chuyện trên website của Vietnam Airlines phải có mục đặt chỗ cho người khiếm thị, khiếm thính để họ có thể thao tác trên đó, không có đã không thể vào Mỹ rồi. Ngoài ra còn phải chuẩn bị về công tác an ninh, chống khủng bố... "Các thủ tục pháp lý vô cùng phức tạp và chúng tôi cần khoảng 2 năm chuẩn bị"- ông Thành cho biết.
Tổng giám đốc Vietnam Airlines hy vọng đời máy bay mới như: B777max, A350-1000, với thông tin từ nhà sản xuất là tiết kiệm nhiên liệu, sẽ đáp ứng được đòi hỏi về mặt kỹ thuật khi bay thẳng Mỹ...
Bình luận (0)