Ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước vận hội mới khi chính sách cởi mở của Đảng và nhà nước đã được thể chế hóa, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, không chỉ cần có giải pháp đồng bộ từ phía cơ quan quản lý nhà nước mà còn cần sự sáng tạo tìm hướng đi mới của các doanh nghiệp (DN) tham gia thị trường.
Cuộc chơi của những thương hiệu lớn
Đầu tháng 10-2018, Vietnam Airlines và Vingroup đã ký thỏa thuận hợp tác phối hợp xây dựng sản phẩm hàng không và du lịch chung. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới trên thị trường hàng không - du lịch - dịch vụ Việt Nam bởi đây là lần đầu tiên, 2 đơn vị lớn có sự hợp tác để hướng tới phát triển các sản phẩm dịch vụ theo xu hướng chuyên biệt hóa, hướng đến nhu cầu của khách hàng trung và cao cấp.
Nhìn về lịch sử phát triển của ngành hàng không dân dụng, Vietnam Airlines không phải là DN đầu tiên đi theo hướng này. Tiên phong "dò đường" là Hãng Hàng không AirMekong với chiến lược mở các đường bay ngắn và đường bay đến điểm du lịch Phú Quốc - thị trường trọng điểm mà Tập đoàn BIM (sở hữu AirMekong) có kế hoạch đầu tư hàng loạt hệ thống bất động sản nghỉ dưỡng. Song, thị trường khi đó chưa thuận lợi cùng với chiến lược kinh doanh thiếu hiệu quả đã không thể đem đến thành công cho AirMekong.
Giữa năm 2017, Tập đoàn FLC tuyên bố thành lập DN hàng không Bamboo Airways với vốn điều lệ 700 tỉ đồng. Bamboo Airways có chiến lược mở các đường bay nội địa và quốc tế, hướng vào lợi thế "chưa hãng nào có được" là kết nối hành khách tới những khu nghỉ dưỡng của tập đoàn nằm ở các điểm du lịch biển. FLC hiện có 6 khu nghỉ dưỡng đã đi vào hoạt động, quy mô khoảng 1.000 - 3.000 phòng. Như vậy, du khách đến Việt Nam dự các giải đấu golf lớn kết hợp với du lịch khám phá, nghỉ dưỡng sẽ không phải trung chuyển qua những thành phố lớn. Ngoài ra, du khách còn được hưởng giá vé tốt do sử dụng chuỗi sản phẩm, dịch vụ của FLC. Thế nhưng, dù đã qua thời điểm dự định cất cánh (ngày 10-10), kế hoạch này vẫn "nằm trên giấy" vì Bamboo Airways chưa thể hoạt động.
Trong khi đó, Vingroup và Vietnam Airlines đã chính thức khởi động kế hoạch hợp tác để mở rộng phát triển sản phẩm du lịch quy mô lớn, chất lượng cao như du lịch golf; du lịch vui chơi giải trí, công viên chuyên đề; định vị điểm đến nghỉ dưỡng biển có sức hấp dẫn... Tháng 3-2018, Vingroup đã hoàn thành việc tái cấu trúc thương hiệu Vinpearl và quy hoạch lại hệ sinh thái các sản phẩm dịch vụ trên toàn hệ thống theo xu hướng chuyên biệt hóa của các tập đoàn du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới, với 3 dòng thương hiệu chính: Vinpearl Luxury, Vinpearl Resort & Hotel, Vinpearl Discovery. Vinpearl đã hiện diện ở 9 thành phố biển trong cả nước với tổng quy mô toàn hệ thống lên đến 31 khách sạn - khu nghỉ dưỡng gồm 13.000 phòng và biệt thự.
Vietnam Airlines cũng được định vị như hãng hàng không nội địa duy nhất có dịch vụ chất lượng 4 sao tại Việt Nam, có mạng bay kết hợp quốc tế - nội địa phục vụ đa dạng nhu cầu của hành khách, giữ thị phần tại các nhóm khách hàng có yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ. Hãng đang khai thác 90 đường bay tới 20 điểm nội địa và 29 điểm đến quốc tế với tổng cộng hơn 400 chuyến bay mỗi ngày.
Vietnam Airlines và Vingroup bắt tay làm du lịch
Nhiều lợi ích
Với tiềm lực mạnh cũng như sự sẵn sàng của Vietnam Airlines và Vingroup, dự kiến ngay trong năm nay, khách hàng sẽ được trải nghiệm các sản phẩm du lịch 4 - 5 sao quốc tế trọn gói nằm trong chuỗi cung ứng kết nối thương hiệu Việt. Các sản phẩm "2 trong 1" sẽ giúp khách hàng mua 1 gói sản phẩm với 2 dịch vụ hàng không - du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp và tiện nghi nhưng tiết kiệm chi phí và thời gian.
Có thể nhận thấy cái bắt tay của Vietnam Airlines và Vingroup không chỉ mở ra lĩnh vực kinh doanh triển vọng cho mỗi bên mà còn hỗ trợ trực tiếp mục tiêu mở rộng sản phẩm dịch vụ kết hợp hàng không và du lịch nhằm đem lại lợi ích cao nhất cho khách hàng. Qua đó, phát triển các thương hiệu sản phẩm, thương hiệu DN và thương hiệu điểm đến nổi bật để từng bước tạo dựng hình ảnh, thương hiệu cho du lịch Việt Nam. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về định hướng phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Việt Nam vào nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á đến năm 2030.
Việc một tập đoàn bất động sản, du lịch thành lập hãng hàng không mới để đưa khách trong và ngoài nước đến các điểm du lịch nghỉ dưỡng của mình hay chọn cách bắt tay với một hãng hàng không đã có vị thế trên thị trường đều có thể là chìa khóa dẫn đến thành công.
Bình luận (0)