Điểm mới của Báo cáo PCI 2016 là lần đầu tiên dành một chương đánh giá về cảm nhận của doanh nghiệp (DN) đối với vấn đề môi trường. Kết quả điều tra cho thấy 45% DN trong nước, 50% DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều tin rằng bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng và sẵn sàng trả một mức chi phí hợp lý cho các hoạt động cụ thể cũng như áp dụng thêm các quy định pháp luật để tránh ô nhiễm.
66% DN phải chi ngoài luồng
Một thông tin đáng chú ý của Báo cáo PCI 2016 là chi phí không chính thức trong các năm 2014-2016 chưa có dấu hiệu cải thiện, thậm chí diễn biến tiêu cực hơn giai đoạn 2008-2013. Cụ thể, 66% DN cho biết phải “móc hầu bao” cho các khoản chi không chính thức - cao hơn 15% so với giai đoạn 2008-2013. Nhiều DN cho biết các khoản chi này chiếm tới 10% tổng doanh thu, trong khi 5 năm trước chỉ là 6%-8%. Trong số 6 quan ngại của DN về môi trường kinh doanh thì PCI được nêu ở vị trí thứ 2.
Khảo sát riêng khối DN FDI cho thấy 45% DN đã đưa quà và các chi phí không chính thức trong đợt thanh tra, kiểm tra năm 2016. Đáng lưu ý, trong trường hợp đưa quà hay hối lộ, chỉ 8% DN cho biết bị cán bộ thanh tra, kiểm tra đòi hỏi, trong khi có tới 44% DN chủ động.
DN cho biết đây là “luật bất thành văn”, mục đích lót tay nhằm tạo mối quan hệ hoặc tránh bị phạt lỗi, coi đó như một “hợp đồng bảo hiểm” để tránh nhũng nhiễu và được việc trong tương lai. GS Edmund Malesky, Đại học Duke (Mỹ) - Trưởng Nhóm nghiên cứu PCI, nhận định đây chính là điểm quan trọng cần lưu ý trong xóa bỏ tham nhũng. Nếu để chi phí không chính thức trở thành một phần văn hóa kinh doanh thì sẽ rất khó xóa bỏ.
Tham nhũng thường đi cùng kém minh bạch. Các DN cho biết họ tiếp cận được thông tin, tài liệu quan trọng về hoạt động sản xuất - kinh doanh chủ yếu nhờ mối quan hệ cá nhân với công chức nhà nước. Năm 2016, 66% DN phải sử dụng các mối quan hệ để tiếp cận thông tin, trong khi tỉ lệ này ở năm thấp nhất (2008) chỉ 50%
Nhiều địa phương nỗ lực cải cách
Mặc dù mức độ cải thiện về PCI còn có những hạn chế nhưng ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng gần đây, nhiều địa phương đã có đột phá trong cải cách rất cụ thể, như mở mô hình cà phê doanh nhân, thiết lập trung tâm hành chính chung, chính quyền thân thiện, bác sĩ DN, tổ công tác PCI...
“Chúng tôi rất tâm đắc với mô hình của Singapore, chính quyền thường xuyên đến với DN không phải để hạch sách tìm khuyết điểm mà để hỏi có cần trợ giúp gì không. Nay đã tìm thấy điều này ở Cần Thơ, Đồng Tháp hay Tuyên Quang qua mô hình cà phê doanh nhân” - ông Lộc nhấn mạnh.
Đại diện tỉnh Đồng Tháp cho biết từ năm 2015, lãnh đạo địa phương có sáng kiến mở quán cà phê ở gần UBND tỉnh để hằng tuần đón tiếp các DN đến làm việc, nêu kiến nghị... Có những việc trước đây theo thủ tục hành chính kéo dài hằng tháng, hằng tuần thì ở quán cà phê doanh nhân chỉ cần 15 phút. Từ hiệu quả này, Đồng Tháp đã yêu cầu lãnh đạo phải làm việc với DN mỗi ngày từ 6 giờ 30 phút đến 7 giờ 30 phút. Nội dung làm việc được gửi email cho các sở, ngành liên quan từ chiều hôm trước để chuẩn bị phương án giải quyết. Trong buổi cà phê, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ cho ý kiến, văn phòng làm đầu mối triển khai cho các sở, ngành liên quan.
Mô hình cà phê doanh nhân tại Tuyên Quang cũng rất thành công. Theo ông Trần Ngọc Thực, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, ban đầu tỉnh cũng ngại dư luận dị nghị “lãnh đạo gì mà sáng nào cũng ngồi cà phê”, sau trở thành không gian làm việc hết sức sáng tạo, hiệu quả. Bản thân lãnh đạo tỉnh cũng có nhiều cơ hội tiếp xúc với DN để có thêm kiến thức từ kinh tế thị trường.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết VCCI sẽ vận động các Hiệp hội DN xây dựng chuỗi cà phê doanh nhân thành nơi tăng cường đối thoại, hợp tác giữa chính quyền và DN; là nơi đưa ra các sáng kiến cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. “Chúng tôi hy vọng cà phê doanh nhân sẽ đi vào từ điển kinh tế thế giới với một cơ chế như cơ chế lobby của Mỹ” - ông Lộc bày tỏ.
Đà Nẵng giữ “ngôi vương” PCI năm thứ 4 liên tiếp
Dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2016 là Đà Nẵng với số điểm 70, đánh dấu lần thứ 7 dẫn đầu cả nước kể từ khi chỉ số PCI được công bố và liên tục giữ “ngôi vương” trong 4 năm.
Vị trí thứ 2 và 3 thuộc về Quảng Ninh (65,60 điểm) và Đồng Tháp (64,96 điểm). TP HCM năm nay xếp ở vị trí thứ 8 (61,72 điểm), tụt 2 bậc so với năm 2015 và vẫn ở trong nhóm Tốt của bảng xếp hạng.
Hà Nội xếp ở vị trí thứ 14 (60,74 điểm), cải thiện được 10 bậc so với thứ hạng năm ngoái và lần đầu tiên lọt vào nhóm Tốt trong 12 năm công bố PCI.
Đứng cuối bảng xếp hạng PCI năm nay là tỉnh Cao Bằng với 52,99 điểm, thuộc nhóm Thấp. Năm ngoái, địa phương này đứng ở vị trí thứ 58, thuộc nhóm Tương đối thấp.
Bình luận (0)