Ngày 27-11, tại TP HCM, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức kỷ niệm 10 năm (2007-2017) ngày Phòng chống hàng giả, hàng nhái (29-11).
Theo ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch VATAP, ngành kinh doanh hàng giả đang bùng nổ trên toàn cầu. Nguy hiểm hơn, hàng giả đang chuyển dịch từ các sản phẩm thời trang sang những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như dược phẩm, thực phẩm. Ông Bảo dẫn số liệu từ Phòng Thương mại quốc tế (ICC) cho thấy năm 2015, giá trị hàng giả toàn cầu ước lên đến 1.700 tỉ USD, chiếm 2% GDP toàn cầu. Dự báo năm 2017, trị giá hàng giả, hàng nhái toàn cầu có thể chiếm 5%-7% doanh số toàn cầu.
Lực lượng QLTT kiểm tra hàng thời trang giả nhãn hiệu tại quận 1, TP HCM
Ông Bảo cho rằng tại Việt Nam, hầu hết ngành hàng đều bị làm giả, hàng nhái từ cao cấp đến bình dân. Tuy nhiên, công tác chống hàng giả, hàng nhái ở nước ta còn khó khăn và cần đấu tranh bền bỉ. Nguyên nhân là đất nước trải qua thời kỳ khó khăn, nhận thức của cộng đồng về bản quyền, chủ sở hữu, bảo vệ sở hữu trí tuệ còn yếu, đôi lúc còn nhiều quan điểm khác nhau.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh, cho biết gặp rất nhiều khó khăn trong bảo vệ thương hiệu. Vừa qua, thị trường xuất hiện nhãn hiệu tương tự, gây nhầm lẫn với nhựa Bình Minh nhưng khi doanh nghiệp (DN) gửi văn bản phản đối lên cơ quan cấp văn bằng bảo hộ lại bị từ chối. Năm 2015-2016 có 2 vụ sản xuất ống PVC-U giả nhựa Bình Minh bị bắt quả tang nhưng cách xử lý không triệt để gây khó cho DN. Một vụ khi đưa ra xét xử thì DN không được mời tham dự với tư cách người bị hại hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan. Sau khi công ty kháng án thì mới nhận được giấy triệu tập xử lại. Trong thời gian công ty kháng cáo, có đối tượng đã hết thời gian thi hành án và được trả tự do. Một vụ khác trị giá tang vật hàng giả lên đến 2,5 tỉ đồng nhưng lại bị đình chỉ điều tra. Ông Hải kiến nghị cần xét xử nghiêm khắc hành vi làm hàng giả để tăng tính răn đe, công khai lên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo ông Lê Thế Bảo, để công tác chống hàng giả, hàng nhái có hiệu quả, cần phân định rõ đầu mối trách nhiệm của các cơ quan thực thi nhằm bảo đảm trách nhiệm trong chủ trì, phối hợp phát hiện xử lý vi phạm. Các cơ quan thực thi cần thường xuyên kiểm soát nội bộ, khắc phục tiêu cực, tạo niềm tin cho DN.
Thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ là một trong những vấn đề được các DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam rất quan tâm. Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật (JETRO) tại TP HCM, cho biết thời gian qua, các DN nước này đã phối hợp với cơ quan chức năng Việt Nam xử lý nhiều vụ làm giả, làm nhái phụ tùng xe máy các nhãn hiệu của Nhật. Theo ông, việc chống hàng giả không chỉ bảo vệ DN Nhật mà quan trọng hơn là bảo vệ người tiêu dùng, giúp họ có niềm tin khi mua sắm.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia (Ban Chỉ đạo 389), yêu cầu DN nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng, bảo vệ thương hiệu. Thời gian qua, có những vụ việc cho thấy không chỉ DN nhỏ mà DN lớn cũng gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào hàng hóa Việt Nam. DN cần ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh. Đối với Chính phủ, trong chỉ đạo điều hành thì công tác đấu tranh chống hàng giả là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả bộ ngành, chính quyền địa phương các cấp. Chính phủ đang tập trung xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động phục vụ người dân và DN. Chính phủ kiên quyết hành động thiết thực, nói đi đôi với làm, không chấp nhận bất kỳ hành vi nào tiếp tay, bảo kê cho vi phạm.
Bình luận (0)