Phóng viên: Nhiều đại biểu Quốc hội vừa thẳng thắn nhìn nhận Việt Nam không có doanh nghiệp (DN) nền tảng. Quan điểm ông thế nào?
- Ông Vũ Tiến Lộc:
Trước hết, phải nói thẳng rằng cộng đồng DN Việt Nam đang bất ổn về quy mô, với tỉ lệ 96%-97% DN là nhỏ và siêu nhỏ, chỉ khoảng chưa đầy 2% là DN lớn và gần 2% DN vừa. Việc chưa có DN lớn, đẳng cấp là điều dễ hiểu vì chúng ta chuyển sang kinh tế thị trường chưa bao lâu và cộng đồng DN tư nhân cũng mới hình thành, rất non trẻ so với thế giới.
Điều đáng lo ngại là Việt Nam chưa có đội ngũ tương đối DN cỡ vừa. Trong khi đó, DN cỡ vừa và lớn mới đủ sức trở thành các trung tâm kết nối kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới. Ngôn ngữ phổ biến của giai đoạn hội nhập là ngôn ngữ “chuỗi” và “chuỗi” chỉ có thể hình thành khi có vai trò chủ đạo của nhóm DN cỡ vừa trở lên. Các DN nhỏ li ti không thể kết nối với các “chuỗi” giá trị thế giới.
Việt Nam đã có một số DN cỡ vừa, có sức cạnh tranh tương đối tốt, với sự “chắp cánh” của hàng loạt chính sách tích cực để đội ngũ này nhân rộng. Chính nhóm DN này sẽ là mối liên kết giữa DN vừa và nhỏ , có thể trở thành DN lớn trong tương lai xa chứ không thể ngày một ngày hai. Vì thế, chính sách phải tập trung nhằm vào nhóm DN này thay vì viển vông nghĩ đến việc tạo ra một nhóm DN lớn ngay.
Sức cạnh tranh của DN phụ thuộc vào quy mô nhưng cũng phụ thuộc vào khả năng công nghệ, quản trị, năng lực tài chính. Dù là DN vừa và nhỏ thì cũng phải hướng tới chuẩn mực quản trị quốc tế. Chơi với quốc tế là chơi theo “chuỗi”, theo chuẩn mực toàn cầu. Lớn, vừa hay nhỏ thì DN đều phải tuân thủ luật chơi này. DN quy mô lớn cỡ nào mà không đạt chuẩn mực quốc tế thì cũng tự loại mình ra khỏi cuộc chơi, trong khi DN nhỏ và vừa đạt chuẩn mực quốc tế thì vẫn có thể tham gia.
Nhiều ý kiến cho rằng để các DN nâng tầm thì có những việc về thể chế, chính sách, nhà nước có thể làm ngay, như: chuyển Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Cơ quan Quản lý cạnh tranh quốc gia thành định chế độc lập nhằm tạo thị trường vốn và sân chơi công bằng?
- Cùng với quy mô DN mất cân đối thì yếu tố trên cũng là vấn đề của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Đó là mất cân đối cơ cấu tài chính của số đông DN, phần lớn vốn dựa vào hệ thống ngân hàng với nguồn vay ngắn hạn lại đầu tư cho dài hạn dẫn đến rủi ro rất lớn. Cho nên, để an toàn, DN phải dựa trên nguồn vốn tự có là tốt nhất song điều này là gần như không thể trên diện rộng khi DN khởi nghiệp. Vì thế, cách tốt nhất là dựa vào nguồn vốn đầu tư từ thị trường chứng khoán, đây chính là kênh dẫn vốn vào DN. Nếu không có thay đổi để thị trường chứng khoán phát huy thì rất khó có sự phát triển bền vững của cộng đồng DN Việt Nam.
Việt Nam có số lượng DN tăng nhanh trong thời gian qua nhưng chất lượng không tương xứng. Vì vậy, cần có chương trình quốc gia về khởi nghiệp. Chương trình này sẽ định hướng, hỗ trợ DN trên nền tảng quản trị, công nghệ hiện đại và sự sáng tạo. Từ nền tảng này, DN có bước phát triển nhanh chóng, hòa nhập sớm vào sân chơi “chuỗi”, sân chơi toàn cầu, trở thành DN vừa và lớn.
Với việc ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) và tới đây là “sân chơi” TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) đầy hứa hẹn, DN Việt Nam cần có sự chuẩn bị như thế nào?
- Điều sống còn của DN là phải tiếp cận đầy đủ thông tin về hội nhập, về các FTA đã ký kết. Trên cơ sở đó, phân tích được ảnh hưởng của lộ trình mở cửa, giảm thuế đối với ngành, lĩnh vực và DN mình. Cùng với đó, phải xây dựng được chương trình hành động để các DN vượt lên thách thức và nắm bắt cơ hội mới. Nhưng chương trình hành động không thể riêng lẻ cho từng DN mà phải đặt trong chuỗi liên kết, thế liên kết với các DN khác. DN vừa và nhỏ chỉ có thể ra khơi, thắng lợi nếu đặt trong một chuỗi giá trị, mối liên kết lớn.
Đối với từng ngành hàng, từng dòng thuế đã có lộ trình cắt giảm thì các DN phải cạnh tranh với các mặt hàng nhập khẩu ngay thị trường trong nước, tiến tới xuất khẩu ra thị trường ngoài nước cam kết. Cơ hội rất lớn, thị trường vô tận nhưng để tận dụng được thì không đơn giản.
Thứ nhất, DN phải định vị được thị trường, hướng ngay vào những thị trường các nước tham gia FTA và đặc biệt là TPP vì những thị trường này có mức thuế quan thuận lợi (hầu hết về 0). Thứ hai, phải khẩn trương tìm đối tác kinh doanh trong các thị trường này. Thứ ba, tổ chức lại sản xuất kinh doanh để đáp ứng yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, như phải sử dụng nguyên liệu nội khối thay vì dùng nguyên liệu từ Trung Quốc… Bảo đảm vượt qua hàng loạt rào cản kỹ thuật của thị trường FTA, từ môi trường đến chất lượng, trách nhiệm xã hội…
Để làm được thì ngoài nỗ lực của DN, nhà nước cần có chương trình xúc tiến cụ thể, các cơ quan của Chính phủ cần phối hợp với VCCI, các hiệp hội ngành nghề khẩn trương phổ biến thông tin về thị trường FTA.
Quốc hội tập trung công tác lập pháp
Hôm nay, 26-10, kỳ họp thứ 10 QH khóa XIII bước sang tuần làm việc thứ 2 với nội dung chủ yếu là công tác lập pháp.
Theo đó, trong tuần, QH sẽ nghe và thảo luận hàng loạt dự thảo luật, như: dự thảo Bộ Luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); Luật Sửa đổi, Bổ sung một số điều của các luật về thuế… QH cũng nghe và thảo luận về báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; báo cáo về công tác thi hành án của Chính phủ; báo cáo công tác của Viện trưởng VKSND Tối cao; báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao...
Bình luận (0)