Chiều 20-4, tại Hà Nội, Liên minh Đất đai (Landa) và Liên minh Truyền thông và Quyền của nhóm dễ bị tổn thương (RiM) tổ chức tọa đàm “Chính sách, pháp luật về đất đai”.
Chính sách quản lý đất đai hiện nay còn nhiều bất cập, chưa theo kịp tốc độ phát triển đô thị Ảnh: tấn Thạnh
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), đánh giá trong hệ thống pháp luật về đất đai hiện nay có 3 lỗ hổng lớn. Thứ nhất, chúng ta vận hành chế độ công hữu đất đai trong cơ chế thị trường là cực kỳ khó. Bởi lẽ, sở hữu đất đai là công hữu nhưng lại phải công nhận vận hành quyền sử dụng đất trên thị trường nên chúng ta phải thay thế bằng quyền sử dụng đất.
Lỗ hổng thứ hai nằm ở cơ chế nhà nước thu hồi đất và thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư. Năm 1993, chúng ta dùng cơ chế nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết để sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Đây là một tiêu chí thu hồi đất “rất đẹp” nhưng vận dụng trong thực tế lại “lởm khởm” khi đã thu hồi với tất cả trường hợp, các dự án được phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đến năm 2003, lỗ hổng này đã được cố gắng khắc phục. Đặc biệt, đã xác định rõ tiêu chí nào vì lợi ích quốc gia, trong đó không có chuyện dùng đất quốc phòng để kinh doanh mà chỉ được sử dụng trong mục đích bảo vệ đất nước. Song, đến luật đất đai mới nhất vào năm 2013 lại vẫn tồn tại thực tế là những dự án do nhà nước thu hồi đất thì khiếu kiện nhiều, còn những dự án do nhà đầu tư tự thương thảo thì thường chỉ đạt được thỏa thuận khoảng 70%-80%, phần còn lại người dân phát giá “trên trời” nên nhà đầu tư không chịu.
Lỗ hổng thứ ba, Việt Nam là một trong những nước có quyết định hành chính về đất đai “đẻ” ra tiền, diện tích càng lớn tiền càng nhiều. Đây là nguồn cơn cho nguy cơ tham nhũng và là cơ chế không tốt.
“Sự thực mà nói, cái đích của việc quản lý đất đai là tạo hiệu quả cao về sử dụng đất nhưng Luật Đất đai 2013 tăng cường sự chặt chẽ trong quản lý của nhà nước là không đúng. Nếu quản chặt đến mức người dân không cựa được thì sẽ không làm được gì cả” - ông Võ bày tỏ.
Cũng tại tọa đàm, TS Hoàng Xuân Lương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc và miền núi, cho biết hiện nay, chính sách đất đai cho các vùng dân tộc thiểu số khá bất cập, nhất là việc đồng bào dân tộc thiểu số đang ngày càng bị thu hẹp không gian sinh tồn. “Gốc tích của vấn đề này là Luật Đất đai 2013 chưa giải quyết được mối quan hệ lợi ích của người dân trong thuật ngữ sở hữu toàn dân. Nói sở hữu toàn dân nhưng trong giải quyết vấn đề cụ thể thì dân không có lợi ích. Khi giải quyết các vấn đề đất đai, nặng về giải quyết trách nhiệm của doanh nghiệp, địa phương trong dự án lớn mà chưa quan tâm hàng đầu việc giải quyết cho người dân chuyển đổi sang một đời sống khác như thế nào” - ông Lương nêu.
Nên để địa phương quyết khung giá đất
Cùng ngày, tại TP HCM, đoàn công tác của Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN-MT đã làm việc với Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) về một số kiến nghị việc sửa đổi, chỉnh sửa Luật Đất đai 2013.
Tại buổi làm việc, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết trước khi triển khai một dự án, doanh nghiệp phải đối mặt hàng loạt khó khăn về thủ tục. Cụ thể, mất từ 2-3 năm ở cửa Sở TN-MT và Sở Tài chính để giải quyết hồ sơ xác định và thẩm định giá đất. Cũng theo ông Châu, khung giá đất và bảng giá đất ở TP HCM không phù hợp với tình hình thị trường hiện nay. Cụ thể, nơi được cho là khu “đất vàng” ở tuyến các đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi (quận 1)… có giá thẩm định chỉ đạt 194,4 triệu đồng/m2. Trong khi đó, năm 2009, có một nhà đầu tư vì nhu cầu kinh doanh đã mua căn nhà cũ nát tại giao lộ Đồng Khởi - Nguyễn Huệ với số tiền 80 cây vàng/m2 (hơn 3,6 tỉ đồng/m2). Điều này cho thấy bảng giá đất quy định của TP HCM quá thấp so với thị trường.
Nêu ra những vướng mắc trên, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị Chính phủ không ban hành khung giá đất mà giao toàn quyền cho cấp tỉnh chịu trách nhiệm và quyết định ban hành bảng giá đất cho địa phương.
L.Phong
Bình luận (0)