Trong bối cảnh ngành du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, tỉnh Quảng Nam chủ động đưa ra các định hướng, mục tiêu để phấn đấu. Địa phương này cũng chuẩn bị các kịch bản ngắn và dài hạn để sớm phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn này.
Thu hút khách chi tiêu cao, lưu trú lâu
Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch xanh đến năm 2025. Theo đó, du lịch xanh sẽ là yếu tố chủ lực, đóng góp quan trọng cho sự phát triển du lịch của tỉnh Quảng Nam, góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị về văn hóa, lịch sử, văn hóa cộng đồng, cảnh quan thiên nhiên.
Du khách nước ngoài thích trải nghiệm du lịch đồng quê
Quảng Nam đưa ra định hướng phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh nhằm khai thác các điểm du lịch mới, đa dạng, hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu thị trường khách du lịch. Qua đó, thu hút thị trường khách có mức chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài, có ý thức, hành động văn minh khi tham gia du lịch.
Tỉnh Quảng Nam đưa ra mục tiêu du lịch xanh sẽ góp phần thu hút 12 triệu lượt khách tham quan lưu trú vào năm 2025, thu nhập xã hội từ du lịch đạt 26.000 tỉ đồng, lao động du lịch đạt 23.000 người. Hằng năm, xây dựng ít nhất 1 mô hình kiểu mẫu theo bộ tiêu chí du lịch xanh và đến năm 2025 xây dựng khoảng 10 - 20 mô hình. 100% đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch được đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận với kiến thức về du lịch xanh, bền vững; 50% doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh du lịch được tập huấn, hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí Du lịch xanh Quảng Nam.
Du khách nước ngoài thích thú tham quan làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam) vào năm 2019
Trước tiên, Quảng Nam chọn TP Hội An để xây dựng mô hình du lịch xanh điểm theo bộ tiêu chí du lịch xanh do tỉnh ban hành, làm cơ sở để các địa phương, DN… học tập, nhân rộng.
Xu hướng tất yếu
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Quảng Nam, cho biết ngoài 2 di sản văn hóa thế giới là Khu phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, Quảng Nam còn có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là nghệ thuật Bài chòi đã được UNESCO công nhận.
Cùng với tiềm năng du lịch biển, hệ thống sông ngòi, ẩm thực bản địa đặc sắc, Quảng Nam còn hội tụ nhiều giá trị văn hóa, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử phong phú, tạo nên những nét riêng có về vùng đất và con người xứ Quảng chân tình, mến khách.
Quảng Nam không chỉ sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh mà còn còn hội tụ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam còn được biết đến là địa phương có lợi thế, tiềm năng về du lịch nông nghiệp, nông thôn, miền núi, làng quê, làng nghề với nhiều cảnh quan tự nhiên hoang sơ, hấp dẫn, tính đa dạng sinh học cao và các giá trị văn hóa bản địa độc đáo như: Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, các làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng, Đhờ Rôồng (Đông Giang), làng dệt thổ cẩm Zara (Nam Giang).
Quảng Nam cũng sở hữu rừng cây Di sản Pơmu (Tây Giang), vùng sâm Ngọc Linh (Nam Trà My), làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước), Làng rau Trà Quế, Thanh Đông (Hội An), Làng du lịch sinh thái Đại Bình (Nông Sơn), làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu (Duy Xuyên), du lịch cộng đồng nhà vườn Triêm Tây, làng Du lịch cộng đồng Gò Nổi (Điện Bàn)…
Tất cả đã kiến tạo Quảng Nam trở thành điểm đến trên bản đồ du lịch của miền Trung và Việt Nam, luôn hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Phát triển du lịch xanh sẽ là một xu thế du lịch tất yếu
Từ những lợi thế ấy, những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam đang dần chuyển hướng đến việc phát triển du lịch xanh và xem đây như một giải pháp bảo tồn bền vững những giá trị của lịch sử và thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Đến nay, trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành nhiều sản phẩm, dịch vụ theo mô hình du lịch xanh do các DN, cơ sở kinh doanh du lịch đã và đang tiếp tục đầu tư, bước đầu đạt được những kết quả tốt.
"Mô hình phát triển du lịch xanh sẽ là một xu thế du lịch tất yếu trong tương lai. Với nhận thức cần phải đón đầu xu thế du lịch này, cộng đồng DN du lịch tại Quảng Nam đã có những bước chuyển mình, đầu tư phát triển mô hình du lịch xanh gắn với cộng đồng dân cư và bước đầu đã được cộng đồng du lịch trong nước và quốc tế ghi nhận, trao những giải thưởng uy tín" – ông Hồng đánh giá.
Ngày 15-11, Hội An sẽ mở cửa du lịch trở lại với nhiều chương trình hấp dẫn
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, nhìn nhận du lịch xanh, tái tạo lại tài nguyên là xu hướng chung của thế giới, nhất là sau đại dịch Covid-19, con người ngày càng có xu hướng tìm về với thiên nhiên hơn.
Du khách lặn ngắm san hô Cù Lao Chàm
"Xưa nay ngành du lịch chúng ta chủ yếu là "du lịch khai thác". Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu thế giới cho phép ta điều tiết lại, hướng xây dựng tái tạo tự nhiên là quan trọng nhất. Du lịch xanh là hướng để Quảng Nam làm du lịch nhưng không phá hủy tài nguyên thiên nhiên, làm thế nào để tài nguyên có thể sử dụng trong thời gian lâu nhất" – ông Thanh phân tích.
Sẵn sàng đón khách quốc tế
Ngày 3-11, Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam đã gửi tờ trình đề nghị UBND tỉnh ban hành phương án đón khách du lịch quốc tế đến Quảng Nam. Theo đó, trong giai đoạn 1, tỉnh Quảng Nam lựa chọn các khu, điểm du lịch và cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch phục vụ đón khách quốc tế gồm: Khu Phố cổ Hội An; Khu đền tháp Mỹ Sơn; Khu nghỉ dưỡng phức hợp Hoiana (Casino, Sân golf,); Khu nghỉ dưỡng TUI BLUE Nam Hội An; Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An; VinWonders Nam Hội An (Khu vui chơi); Vinpearl Golf Nam Hội An (Sân golf) và một số đơn vị vận chuyển.
Quảng Nam thí điểm đón khách quốc tế trong tháng 11 này
Để chuẩn bị đón khách du lịch, thời gian qua tỉnh Quảng Nam đã ưu tiên tiêm vắc-xin cho người dân TP Hội An và một số địa phương, khu du lịch. Mục tiêu Quảng Nam đặt ra là tới ngày 15-11, 90% dân số/người làm du lịch được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin. Tính đến ngày 3-11, Quảng Nam đã nhận được hơn 1,32 triệu liều vắc-xin và đã tiêm cho hơn 819.000 người (65,5% số người cần tiêm).
Bình luận (0)