Phát biểu tại lễ khai mạc phiên chợ sâm Ngọc Linh mới đây, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đánh giá hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm giả, nhái sâm Ngọc Linh. Đây là điều đáng lo ngại cho việc phát triển cây sâm Ngọc Linh, làm giảm giá trị thương hiệu loại dược liệu này.
Tràn lan hàng giả
Thị trường sâm Ngọc Linh hiện nay như một ma trận, người tiêu dùng "tay mơ" chẳng biết đâu mà lần vì không rõ đâu là sâm thật, đâu là giả. Trong khi đó, thủ đoạn của các đối tượng buôn bán sâm Ngọc Linh giả ngày càng tinh vi. Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam xuất hiện nhiều đối tượng xấu đưa củ tam thất từ phía Bắc vào "thủ phủ" sâm Ngọc Linh để móc nối với người dân địa phương đem trồng rồi đưa đi tiêu thụ. Tháng 4 vừa qua, báo chí loan tin một người dân ở Nam Trà My sở hữu củ sâm Ngọc Linh bán tự nhiên được bán với giá hơn 400 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó người ta phát hiện hình ảnh củ "sâm Ngọc Linh" đó y chang củ tam thất ở phía Bắc mà một tài khoản đã đưa lên mạng xã hội trước đó.
Cơ quan chức năng địa phương chỉ có thể kiểm tra chất lượng sâm Ngọc Linh bằng kinh nghiệm
Trong khi vấn nạn sâm giả đang làm mất niềm tin đối với người tiêu dùng thì tại các địa phương có nhiều sâm Ngọc Linh là Quảng Nam và Kon Tum vẫn chưa có thiết bị kiểm nghiệm để phân biệt thật - giả. Ngay tại phiên chợ sâm vừa diễn ra, dù chính quyền huyện Nam Trà My cam đoan 100% là sâm thật nhưng việc kiểm định cũng chỉ được thực hiện bằng kinh nghiệm. Tại buổi họp báo trước khi diễn ra phiên chợ, một phóng viên đã đưa chai rượu được dán nhãn sâm Ngọc Linh đến nhờ các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam xác định là thật hay giả. Lúc đó lãnh đạo Chi cục QLTT tỉnh Quảng Nam không thể khẳng định thật hay giả mà chỉ cho biết trước đây, đơn vị này kiểm tra thực tế tại địa chỉ ghi trên nhãn chai rượu thì mới biết cơ sở này đã ngừng hoạt động từ tháng 3 năm nay.
Mới đây, Đội QLTT số 1 Chi cục QLTT tỉnh Quảng Nam phát hiện 20 bình rượu chứa sản phẩm "lá sâm Ngọc Linh" ở cửa hàng Nấm lim xanh Tiên Phước của ông Nguyễn Xuân Lực (thôn 3, xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Cửa hàng này bị xử phạt 12,5 triệu đồng, đồng thời bị nhắc nhở phải thực hiện đầy đủ các thủ tục trước khi lưu hành sản phẩm trên thị trường.
Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Quảng Nam, nhìn nhận công tác quản lý việc lưu thông, mua bán sâm Ngọc Linh trên thị trường hết sức phức tạp bởi giá trị từ loài cây đặc hữu này rất cao, trong khi việc kiểm tra chất lượng lại không đơn giản. Hiện nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất trên cả nước gắn logo, nhãn hiệu "sâm Ngọc Linh" lên sản phẩm mà chưa được sự công nhận, kiểm soát, kiểm định về chất lượng của cơ quan chức năng, gây ảnh hưởng tới thương hiệu, uy tín của sâm Ngọc Linh.
Quản lý phải mang tầm quốc gia
Ông Lê Minh Thảo, Trưởng Phòng Quản lý chuyên ngành Sở KH-CN tỉnh Quảng Nam, cho rằng để sâm giả không còn đất sống, việc tự kiểm soát và kiểm soát lẫn nhau của các hộ, DN trồng sâm là rất quan trọng. Sâm trồng và xuất bán phải minh bạch, nguồn gốc rõ ràng. Sở KH-CN tỉnh Quảng Nam đang tính đến phương án gắn tem có chip điện tử cho sản phẩm sâm bán ra thị trường. Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, nhận định việc tổ chức phiên chợ sâm Ngọc Linh hằng tháng với sự giám sát chặt của chính quyền địa phương sẽ tạo cho người tiêu dùng một địa chỉ mua sâm tin cậy. Từ đây, có thể hạn chế tình trạng sâm giả trên thị trường.
Ông Bửu đề xuất để xử lý triệt để tình trạng sâm giả, huyện Nam Trà My hay tỉnh Quảng Nam không thể làm được mà cần sự vào cuộc của cả xã hội, đặc biệt là các cơ quan chức năng trung ương.
Ngoài vấn nạn sâm giả, ước mơ đưa sâm Việt vươn ra thế giới đang gặp nhiều rào cản khác. Điển hình như nguồn giống khan hiếm, không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường dẫn đến giá giống đắt đỏ. Việc di thực sâm Ngọc Linh xuống những địa bàn thấp hơn dù đã có nhiều nghiên cứu nhưng chưa mang lại hiệu quả. Việc nghiên cứu để cho ra những sản phẩm về sâm còn hạn chế, chính sách giúp người dân và DN trồng sâm chưa phù hợp...
Theo ông Bửu, bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh là dự án lớn của Chính phủ, vì vậy Chính phủ phải làm sao để kích thích toàn bộ hệ thống quản lý vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ mới có thể thành công. Ông nêu dẫn chứng, ở quận Hamyang, tỉnh Gyeongsang - Hàn Quốc, khi người dân đăng ký trồng sâm sẽ được nhà nước cấp 100 kg hạt giống. Đến khi trồng xong, nhà nước đến kiểm tra đúng giống đã cung cấp thì người trồng được hỗ trợ thêm chi phí. Cách làm này vừa bảo đảm chất lượng giống vừa kích thích người dân tham gia trồng sâm. "Chúng ta phải học những cách làm hiệu quả, việc này không phải quận Hamyang làm được mà cần có sự hỗ trợ của chính phủ Hàn Quốc. Chúng tôi đã trình nhiều lần nhưng hiện vẫn chưa có đề án nào về cây giống sâm Ngọc Linh được duyệt, trong khi đây là vấn đề cấp thiết. Nếu đất nước mình trồng sâm nhiều thì sẽ giữ được rừng, giảm lũ lụt, lợi cả đôi đường" - ông Bửu phân tích.
Ông Lê Trí Thanh cho biết ngày 18-9, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về tăng cường quản lý chất lượng sâm Ngọc Linh trên địa bàn, trong đó phân công rõ nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị liên quan. Tuy nhiên, theo ông, sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia, được giao cho Bộ KH-CN quản lý nên bây giờ việc quản lý cũng phải mang tầm quốc gia. Việc đưa KH-CN vào quản lý thế nào cho tốt là trách nhiệm của các cơ quan trung ương chứ không riêng địa phương. Vừa qua, tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ KH-CN chủ trì, phối hợp với các bộ làm việc với 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum về công tác phát triển giống sâm Ngọc Linh, quản lý chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng, phòng chống sâm giả, quản lý an toàn vùng trồng sâm...
Trộm sâm liên tục xảy ra
Cùng với vấn nạn sâm Ngọc Linh giả, nạn trộm sâm Ngọc Linh liên tục diễn ra trong thời gian qua cũng là điều khiến người trồng sâm lo ngại. Mới đây, ngày 27-9, TAND huyện Nam Trà My đưa ra xét xử 4 bị cáo trộm sâm Ngọc Linh và tuyên phạt Phan Quốc Duân 42 tháng tù; Nguyễn Bá Nguyệt, Lê Đình Ý Đạt, Phan Quốc Duyên mỗi người 36 tháng tù. Trong đó, Duân là cán bộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh.
Trước đó, ngày 25-2, bốn đối tượng này bàn với nhau lên "dọn sạch" 8,4 kg sâm Ngọc Linh của ông Hồ Văn Dương (thôn 2, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My).
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-10
Bình luận (0)