Theo đại diện các hệ thống phân phối (chợ đầu mối, siêu thị), so với vài năm trước, mặt hàng rau củ quả, hoa tươi của Lâm Đồng đã có nhiều tiến bộ về chất lượng. Vấn đề hiện nay là làm sao để các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất đổi mới tư duy, tìm hướng phát triển bền vững và tăng giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, thay vì sản xuất nhỏ lẻ 500-1.000 m2, phụ thuộc vào thương lái, nhà sản xuất, hộ nông dân cần liên kết lại để mở rộng quy mô sản xuất tập trung, đồng bộ hóa chất lượng và tiết kiệm chi phí sản xuất, vận chuyển từ đó giảm giá thành sản phẩm.
Đối với khâu phân phối, mặc dù 1/3 diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã áp dụng tiêu chuẩn an toàn nhưng công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm kém nên vẫn khó tiêu thụ, trong khi nhu cầu về sản phẩm nông sản sạch tại TP HCM và Hà Nội rất lớn. “Sắp tới, TP HCM quyết tâm đưa rau củ quả VietGAP vào chợ loại 1 nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và thêm đầu ra cho nông sản sạch Lâm Đồng” - bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết.
Trung bình mỗi năm, TP HCM tiêu thụ khoảng 448.000 tấn rau củ quả và gần 1 tỉ cành hoa Đà Lạt. Tại hội nghị, có 49 hợp đồng ghi nhớ hợp tác giữa các DN rau củ quả, hoa tươi Đà Lạt với các siêu thị, chợ đầu mối và thương nhân TP HCM được ký kết.
Bình luận (0)