Sáng nay 12-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Đáng chú ý, tại phiên họp, trình bày báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết hai nội dung được nhiều ý kiến đại biểu QH góp ý là cấm bán rượu, bia trên internet đối với rượu, bia trên 15 độ và chấm dứt sản xuất rượu, bia nấu thủ công.
Tuy nhiên quy định "cứng" này đã không nhận được sự đồng tình của nhiều thành viên UBTVQH.
Cấm quảng cáo vào giờ vàng, trên internet là bất khả thi
Góp ý dự luật, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đồng ý việc cần tăng cường biện pháp phòng chống tác hại rượu, bia song các biện pháp hạn chế cần có bước đi, lộ trình cụ thể và phải hợp lý. Trong đó có quy định trong dự luật về “hành vi cấm bán rượu, bia trên 15 độ trên internet” cần phải cân nhắc.
“Nếu quy định chỉ cấm bán bia trên 15 độ trên mạng internet thì có vẻ ưu ái cho mặt hàng bia và khắt khe với rượu vì bia chủ yếu dưới 15 độ. Còn bán hàng trên mạng cũng chỉ là phương thức kinh doanh như mọi phương thức khác, thậm chí phương thức này còn không dùng tiền mặt, phải dùng tài khoản thì còn dễ dàng kiểm soát hơn việc dùng tiền mặt dễ dàng mua ở bất cứ đâu. Thời đại công nghệ thông tin ai lại cấm bán hàng trên internet" - ông Hiển nói.
Đi vào nội dung quảng cáo rượu, bia, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu quy định trong dự án luật là cấm quảng cáo rượu, bia vào giờ vàng trên phát thanh, truyền hình như 18 giờ hằng ngày trở đi là không khả thi vì thời điểm này thường diễn ra các trận bóng đá.
"Nhiều hãng rượu, bia tài trợ cho các đội bóng quốc tế lớn mà quy định cấm thì làm sao người hâm mộ xem được trận cầu lớn của Barcelona, Manchester United...?"- ông Định dẫn ví dụ.
Rượu truyền thống ngon hơn rượu công nghiệp sao lại cấm?
Một nội dung quan trọng mà dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đề xuất quy định cấm là cấm sản xuất rượu thủ công.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nói thẳng: "Nhiều loại rượu thủ công với bí quyết gia truyền có chất lượng rất ngon. Hay gà đồi, gà chạy bộ... ngon lắm, ai cũng thích. Vả lại rượu thủ công còn là bí quyết công nghệ của người dân, dòng họ từ nhiều đời, nhiều năm nay sao lại cấm? Có cấm là cấm sản phẩm làm bậy, có chất độc gây mất an toàn cho người sử dụng".
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình
Tán đồng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng luật nên cấm sử dụng chất độc, chất cấm để sản xuất rượu, bia chứ không thể cấm rượu, bia truyền thống được.
Đặc biệt nếu luật quy định cứng cấm rượu truyền thống mà chỉ để rượu công nghiệp thì lại nảy sinh phức tạp như vấn đề nước mắm truyền thống, nước mắm công nghiệp như vừa qua.
"Rượu truyền thống thường ngon hơn rượu công nghiệp. Như rượu thủ công ở Làng Vân, Bàu Đá, Gò Đen, Gò Công... rất ngon sao lại cấm"- ông Bình bày tỏ.
Cũng theo ông Bình, dự luật không thể bắt buộc các cơ sở nấu rượu làng nghề phải có cán bộ chuyên ngành, phải tốt nghiệp cao đẳng, đại học... Còn để đảm bảo chất lượng của rượu thủ công thì quy định đặt ra buộc cơ sở sản xuất đăng ký chất lượng...
"Như vậy là đẩy khó cho người dân và không khả thi. Dự luật nên tham khảo kinh nghiệm của một số nước. Thậm chí nhiều nước còn cho phép trong địa bàn cụ thể được quảng bá đặc sản của địa phương, trong đó có rượu để thu hút khách du lịch" - ông Bình đề nghị.
Thể hiện sự thận trọng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Trưởng Ban Dân nguyện (UBTVQH) Nguyễn Thanh Hải đồng tình việc hạn chế tiếp cận rượu, bia với mọi đối tượng, đặc biệt là người dưới 18 tuổi.
Bà Hải dẫn hàng loạt vụ dâm ô, xâm hại trẻ em, hiếp dâm, tai nạn giao thông... thời gian qua có nguyên nhân do lạm dụng rượu, bia.
Bà Hải dẫn lại thông tin báo chí nêu tại hội thảo về tác hại rượu, bia được Bộ Y tế tổ chức năm 2018 nêu rõ Tổ chức Y tế thế giới thống kê Việt Nam mỗi năm thu 50.000 tỉ đồng từ kinh doanh rượu, bia. Nhưng chỉ chi cho tai nạn có liên quan đến rượu, bia là 65.000 tỉ đồng, trong đó chưa kể bạo lực, chấn thương tâm lý… do người sử dụng rượu, bia gây ra với người khác.
“Một con số giật mình nữa là chi phí mua rượu, bia mỗi năm của người Việt là 4 tỉ USD, tương đương gần 100.000 tỉ đồng. Trong khi giá trị xuất khẩu gạo mỗi năm chỉ thu về 2,41 tỉ USD. Với con số chênh lệch khổng lồ này đã cho thấy thực trạng lạm dụng rượu, bia ở Việt Nam rất đáng báo động và đã đến lúc phải mạnh tay hơn nữa trong việc hạn chế sử dụng rượu, bia” - bà Hải nhấn mạnh.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dự luật muốn đi vào cuộc sống phải đưa ra quy định khả thi và phải không vênh với các luật khác như Luật Quảng cáo, Luật Thương mại...
"Như việc cấm quảng cáo, tài trợ rượu, bia thì các đội bóng đang được các doanh nghiệp sản xuất bia tài trợ, nuôi đội bóng có được không?'- Chủ tịch QH đặt vấn đề.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân
Còn để giảm tác hại rượu, bia, Chủ tịch QH đề nghị phải có giải pháp tổng hợp như tăng cường tuyên truyền để điều chỉnh thói quen, văn hóa tiêu dùng, tập quán của người dân Việt Nam... trong sử dụng rượu, bia chứ không phải thu hẹp sản xuất.
"Uống rượu đảm bảo chất lượng, ngâm với thảo mộc tốt như sâm Ngọc Linh - Bảo vật quốc gia, mỗi ngày 1 chén thì tốt quá chứ sao. Còn uống rượu, bia mà cứ ép nhau, rót đầy cốc ra bắt uống hết thì chỉ có hại cho sức khỏe"- Chủ tịch QH chia sẻ.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nhấn mạnh dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ tác động rất lớn đến sức khỏe của cộng đồng, đến hành vi tiêu dùng của một bộ phận xã hội, đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất bia, rượu...
Vì vậy, dự luật sẽ tiếp tục được QH thảo luận trong kỳ họp thứ 7 tới đây (tháng 5-2019). Nếu dự luật đạt được mục tiêu, khả thi thì QH sẽ xem xét thông qua, còn chưa đạt thì tiếp tục cho ý kiến lùi lại kỳ họp sau.
Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm trong dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia:
1. Sử dụng men, cồn thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và các nguyên liệu không bảo đảm chất lượng; cồn, men, nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm để sản xuất, pha chế rượu, bia.
2. Quảng cáo rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên dưới mọi hình thức.
3. Khuyến mại, tài trợ hoặc sử dụng rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên để khuyến mại, tài trợ dưới mọi hình thức.
4. Bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên mạng internet.
5. Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.
6. Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; nhập lậu rượu, bia.
7. Bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi, phụ nữ mang thai, người đã có biểu hiện say rượu, bia.
8. Cho người chưa đủ 18 tuổi sử dụng rượu, bia; ép buộc phụ nữ mang thai và người khác sử dụng rượu, bia.
9. Người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
10. Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng rượu, bia.
11. Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khoẻ.
12. Cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và người lao động trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp uống rượu, bia ngay trước và trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa ca làm việc, trừ trường hợp thực hiện nghi lễ đối ngoại theo quy định của pháp luật.
Bình luận (0)