Cụ thể, tối 21-7 nhiều chủ thẻ của VPBank nhận được email từ hệ thống của VPBank gửi, yêu cầu điền các thông tin cá nhân như tên, mật khẩu, địa chỉ liên lạc… Nhiều người sau khi nhận mail đã nghi ngờ và đăng lên mạng xã hội cảnh báo mail của VPBank có nhiều điểm hết sức bất thường, như câu cú trong thư lủng củng, từ ngữ không rõ ràng, đặc biệt người nhận thư bị hỏi rất nhiều thông tin cá nhân bao gồm số thẻ và số bảo mật trên thẻ (CCV/CVV). Bởi những thông tin này chủ thẻ đã khai với NH từ trước thì không có cớ gì NH gửi email hỏi lại.
Ngay sau đó, đại diện VPBank cho biết NH đã nắm được thông tin, tiến hành kiểm tra, rà soát và có khả năng có kẻ gian lợi dụng, giả mạo email của NH rồi gửi hàng loạt thư yêu cầu khách hàng khai báo thông tin với mục đích đánh cắp tài khoản cá nhân.
Sau đó, VPBank đã gửi thư cảnh báo tới khách hàng, đồng thời khẳng định hệ thống của NH vẫn hoạt động ổn định. "Để bảo đảm an toàn, VPBank khuyến cáo khách hàng không cung cấp thông tin đăng nhập, thông tin tài khoản, mã OTP cho bất kỳ trang web, yêu cầu nào…" – VPBank nêu rõ trong thư cảnh báo.
Đối tượng gửi email giả VPBank yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tài khoản. Ảnh chụp màn hình
Ngoài ra, VPBank cũng cảnh báo khách hàng về tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng. Cụ thể, VPBank cho biết gần đây NH có nhận được đề nghị hỗ trợ từ một số khách hàng bị lừa chuyển tiền cho đối tượng xấu. Có trường hợp khách hàng đến rút toàn bộ sổ tiết kiệm để nộp tiền vào một tài khoản lạ và đã được nhân viên giao dịch kịp thời cảnh báo khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo.
Cũng có trường hợp khách hàng được bạn bè liên hệ qua Facebook đề nghị vay tiền "nóng" và đã ngay lập tức chuyển tiền tới tài khoản tại VPBank do đối tượng cung cấp mà không kiểm tra lại thông tin. Sau khi phát hiện ra tài khoản Facebook của bạn mình bị đánh cắp, khách hàng đã liên hệ đề nghị NH hỗ trợ. Nhưng do khách hàng thông báo quá muộn, tiền đã được chuyển ra khỏi ngân hàng nhiều giờ trước đó nên NH không thể hỗ trợ gì hơn ngoài việc sẵn sàng cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra để tìm ra thủ phạm.
Trước đó, cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo hiện tượng lừa đảo trên mạng xã hội như Twitter, MySpace, đặc biệt là Facebook - mạng xã hội có sức lan tỏa lớn nhất hiện nay nhưng một số người dùng do chủ quan nên vẫn bị lừa.
Có rất nhiều phương thức lừa đảo, phổ biến nhất là tấn công và chiếm quyền điều khiển tài khoản Facebook của một người, sau đó giả dạng người này để liên lạc với bạn bè và gia đình họ, đề nghị trợ giúp khẩn cấp như mua thẻ điện thoại, thậm chí chuyển tiền tới một tài khoản nào đó.
Vì thế, VPBank khuyến cáo khách hàng không gửi các thông tin cá nhân như tên tài khoản, mật khẩu, số thẻ tín dụng, số tài khoản ngân hàng… qua email, Skype, Facebook Messenger, tin nhắn hay các dịch vụ chat; trường hợp có người nhờ nạp thẻ điện thoại, chuyển tiền… thông qua mạng xã hội, các công cụ chat, nhắn tin miễn phí, cần xác minh lại một cách cẩn thận bằng điện thoại hoặc gặp mặt trực tiếp; áp dụng các hình thức bảo vệ tài khoản Facebook của mình như kích hoạt bảo mật 2 lớp, tạo cảnh báo đăng nhập Facebook, thoát tài khoản Facebook từ xa, thiếp lập mật khẩu đủ mạnh, cảnh báo bạn bè và người thân ngay khi tài khoản bị hack. Đặc biệt, nếu khách hàng đã lỡ thực hiện chuyển tiền thì liên hệ ngay lập tức tới số hotline của ngân hàng tiền để tìm biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Bình luận (0)