Đại diện Saigon Co.op cho hay, chủ trương của hệ thống bán lẻ này là đặt lợi ích của cộng đồng lên hàng đầu, đúng với bản chất nhân văn hợp tác xã đã được duy trì hơn 30 năm qua.
Dù lượng khách mua sắm ở kênh trực tiếp lẫn trực tuyến (offline lẫn online) hệ thống Saigon Co.op khá đông nhưng kết quả kinh doanh cho thấy hệ thống này đang có lợi nhuận âm.
Nguyên nhân là trong bối cảnh dịch bệnh, người dân chủ yếu mua thực phẩm tươi sống (hơn 75%) trong khi đây là ngành hàng có tỉ lệ lợi nhuận thấp nhất trong tất cả các ngành hàng, chưa kể nhóm này siêu thị đang bù lỗ chi phí tìm gom nguồn hàng, vận tải, kiểm dịch, hao hụt... Bên cạnh đó, có những thời điểm siêu thị bù lỗ để giữ giá các mặt hàng bình ổn thị trường.
Hàng hóa tại siêu thị Co.opmart, Co.opXtra đang rất phong phú
Cùng với yếu tố hàng hóa, hàng loạt chi phí phát sinh từ hoạt động xét nghiệm Covid-19 cho nhân viên, tài xế, chế độ chính sách cho người lao động mùa dịch, phí shipper giao hàng tăng cao và hàng loạt siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food phải đóng cửa khi xuất hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 khiến doanh thu không ổn định, các nguồn thu sụt giảm nghiêm trọng.
"Mới đây, Saigon Co.op triển khai chương trình giảm giá hơn 2.000 sản phẩm nhu yếu. Cụ thể, từ nay đến hết ngày 25-8, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile trên toàn quốc sẽ áp dụng chương trình giảm giá cho hơn 2.000 sản phẩm chăm sóc sức khỏe gồm thủy hải sản, rau củ, các loại trái cây, các loại sữa, sản phẩm vệ sinh cá nhân, diệt khuẩn, hóa phẩm và đồ dùng với tỉ lệ giảm giá từ 15% đến gần 50%" - đại diện Saigon Co.op nói thêm về giải pháp chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.
Tuy còn nhiều khó khăn nhưng trong tháng cao điểm giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 tiếp theo, Saigon Co.op sẽ tiếp tục giữ và giảm giá hàng hóa, chuẩn bị tốt các nguồn hàng hóa thiết yếu để phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của người dân.
Saigon Co.op sẽ tăng cường phối hợp với các đoàn thể địa phương để đưa hàng hóa đến các hộ dân, khu cách ly, bệnh viện dã chiến.
Bình luận (0)