Diễn đàn kinh tế Việt Nam chuyên đề Vốn - Tài chính Việt Nam mới đây tại Hà Nội đã bàn đến việc tạo khung pháp lý cho các sàn huy động vốn tư nhân nhằm giải quyết nhu cầu vốn của nền kinh tế, hạn chế tín dụng đen.
Nở rộ
Dù chưa có quy định pháp luật để điều chỉnh nhưng thị trường tài chính thứ cấp, bao gồm tín dụng đen và nhiều hình thức tín dụng khác không được kê khai, đã hoạt động khá sôi nổi.
Sàn kết nối tài chính tima.vn được giới thiệu là nơi kết nối người muốn vay tiền đến hàng ngàn người cho vay và các đơn vị cung cấp tài chính với tổng số tiền đã giải ngân thời điểm hiện tại lên đến hơn 40.000 tỉ đồng. Trong đó, ngoài huy động tiền từ các nhà đầu tư cá nhân, có nhiều khoản vay lớn được Tima liên kết từ các ngân hàng và công ty tài chính. Hình thức thực hiện là người có nhu cầu vay vốn có thể khai báo trực tuyến nhu cầu gọi vốn. Hệ thống phần mềm sẽ tự tính toán, chấm điểm, gợi ý các ngân hàng có liên kết để đưa ra gói tín dụng nào phù hợp nhất.
Trong khi đó, với Sàn gọi vốn (sangoivon.vn), trao đổi theo số điện thoại đường dây nóng, nhân viên của sàn này cam kết gọi được vốn 100% cho các dự án khả thi với số vốn từ 200 triệu đồng trở lên. Người có nhu cầu vốn cần gửi hồ sơ chi tiết dự án cần đầu tư đến sàn để sàn liên kết tới nhà đầu tư vốn.
Rất nhiều sàn gọi vốn đang hoạt động trên mạng trong khi chưa có quy định pháp lý rõ ràng cho loại hình này (Ảnh chụp màn hình)
Một công ty khác về tài chính là Megalend cũng công bố lễ ra mắt giải pháp kết nối tài chính cung cấp dịch vụ kết nối cho người có nhu cầu đi vay vào ngày 5-9 sắp tới. Cụ thể, tiền của bên cho vay sẽ được một ngân hàng độc lập giữ và chuyển khoản cho bên vay vốn. Mức phí dự kiến Megalend thu cho mỗi hợp đồng là 1%-5%.
Ông Nguyễn Kim Hùng, Giám đốc Công ty CP Tái cấu trúc doanh nghiệp (DN) Việt (Verco), cho rằng do việc giải ngân trực tiếp vốn ngân hàng vào cá nhân, tổ chức không thực hiện được; nhiều thời điểm dù ngân hàng dư vốn nhưng cung và cầu không gặp được nhau nên thị trường tài chính thứ cấp xuất hiện, làm dịch vụ nối giữa cung và cầu với nhau là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. "Chúng ta còn dư địa lớn để giải quyết nhu cầu tài chính của DN thông qua nền tảng số. Cách này cũng nhằm tối ưu hóa nguồn tài chính trong dân và tối ưu hóa tài sản của các tổ chức cung ứng tín dụng hoặc tiền của các ngân hàng đang dư thừa ở thời điểm nào đó. Tuy nhiên, cần xây dựng hành lang pháp lý để cho thị trường tài chính phi chính thức hoạt động một cách minh bạch. Giờ không có khung pháp lý nên buộc người ta không công khai" - ông Hùng nêu thực tế.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng chỉ rõ nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ khó tiếp cận vốn ngân hàng. Từ đó, nảy sinh nhu cầu về tài chính toàn diện, trong đó có vay ngang hàng. "Chưa có quy định pháp luật nào về những loại hình cho vay ngang hàng trong khi nhu cầu đã lớn nên pháp luật phải có quy định cụ thể để bảo vệ cả bên vay lẫn cho vay" - chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.
Đề phòng biến tướng
Ủng hộ việc làm phong phú thêm các hình thức huy động vốn cho DN và cá nhân, song các chuyên gia cảnh báo khả năng khó quản lý và dễ biến tướng thành vay lãi cao, tín dụng đen.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, các sàn gọi vốn hiện nay có thể huy động vốn theo hai hình thức. Một là huy động trực tiếp vốn của người dân, nhà đầu tư để cung cấp vốn cho bên vay. Hai là làm cầu nối giữa bên cho vay và bên vay và thu phí hoa hồng theo thỏa thuận của hợp đồng. "Với hình thức huy động vốn để cho vay lại thì tôi phản đối bởi vi phạm pháp luật vì chỉ có ngân hàng mới được đứng ra huy động vốn. Còn hình thức sàn làm cầu nối nhu cầu vốn thì có thể hoạt động nhưng phải có quy định pháp lý rõ ràng" - ông Hiếu nêu.
Gợi ý cụ thể về pháp lý cho mô hình cho vay ngang hàng, ông Hiếu cho rằng phải có quy định cụ thể về lãi suất, thời hạn, trách nhiệm của mỗi bên. Đặc biệt, cũng phải có quy định về trách nhiệm của đơn vị làm nhiệm vụ kết nối ở giữa, không thể huy động vốn rồi "đem con bỏ chợ". Vị chuyên gia cũng góp ý mức phí do đơn vị kết nối tài chính thu trên mỗi đơn hàng chỉ nên ở mức 1%-3% tổng khoản vay.
Một luật sư kinh tế cho rằng không nên nhân rộng mô hình cho vay ngang hàng bởi tính chất rủi ro của nó. Khi xảy ra mâu thuẫn giữa bên vay và cho vay, các đơn vị "mai mối" kết nối tài chính có thể chối bỏ trách nhiệm. Khi đó, mọi tranh chấp chỉ được đưa ra tòa án dân sự, khó giải quyết được thỏa đáng về vấn đề bảo vệ quyền lợi các bên. Chưa kể, các giao dịch điện tử cũng khó kiểm soát, dễ dẫn tới thiếu bằng chứng trước tòa.
"Nguy hiểm nhất là khi tranh chấp xảy ra, cả người đi vay và người cho vay đều không nhận được sự bảo vệ của pháp luật, còn đơn vị ở giữa thì ăn hoa hồng và không có ràng buộc gì" - luật sư này nhấn mạnh.
Trong khi đó, giới DN đầu tư và cung cấp giải pháp vốn lại tỏ ra hào hứng và mong muốn có khung pháp lý để hoạt động. Ông Nguyễn Kim Hùng cho rằng khi có hành lang pháp lý cho công cụ tài chính thứ cấp, nhu cầu vốn trong cộng đồng DN sẽ được giải quyết, từ đó hạn chế tín dụng đen. Thậm chí, nhà nước cũng có lợi khi thu được thuế trên phần lợi nhuận thu được của các công ty kết nối, cung cấp giải pháp về vốn cho DN.
"Công ty tài chính hiện tại có thể cho vay tín chấp tiêu dùng với lãi suất đến 30%/năm vẫn được coi là hợp lệ. Trong khi đó, mô hình huy động vốn như trên lại chưa có khung pháp lý nào. Tôi kiến nghị cho phép mô hình này được hoạt động thử nghiệm một cách chính thức trên nền tảng số với mức lãi suất cho phép. Trong thời gian chưa có khung pháp lý chuẩn mực thì nên cho tư nhân được phép tự do, công khai, chủ động giao dịch, chủ động kê khai để đóng thuế" - ông Hùng nói.
Sàn không có trách nhiệm khi xảy ra nợ xấu
Giám đốc một sàn gọi vốn quy mô lớn từng cho hay sàn chỉ có vai trò kết nối và có trách nhiệm đánh giá kỹ lưỡng về khả năng trả nợ của người vay trước khi quyết định cho họ vay hay không. Còn lại sàn kết nối không có trách nhiệm khi xảy ra nợ xấu.
Bình luận (0)