"Nộp hồ sơ xong phải chờ sở phản hồi, tài xế giao hàng được cấp nhận diện mới yên tâm đi giao. Trong thời gian chờ danh sách được duyệt cấp nhận diện, siêu thị vẫn cố gắng triển khai giao hàng nhưng quả thật gặp nhiều khó khăn" - đại diện Lotte Mart Việt Nam nói.
Từ ngày 26-7, nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ đã phản ánh việc tìm kiếm shipper gặp nhiều khó khăn do nhiều người tắt ứng dụng hoặc hạn chế nhận đơn hàng vì di chuyển gặp trở ngại, không qua được các chốt kiểm soát trong TP. Bất đắc dĩ, hệ thống siêu thị Aeon đã quyết định tạm ngừng hoạt động kênh bán hàng online. "Siêu thị đang trả nợ các đơn hàng đặt trước ngày 23-7. Chúng tôi phải tăng cường xe tải của đối tác để giao hàng và tổ chức theo tuyến đường, khu vực để tránh những rắc rối phát sinh trong quá trình vận chuyển, giao hàng cho khách" - đại diện Aeon Việt Nam thông tin.
Cũng vì gặp khó khăn trong khâu giao hàng mà hệ thống MM Mega Market rút ngắn thời gian tiếp nhận đơn hàng online, chỉ nhận đơn hàng đến 15 giờ mỗi ngày; siêu thị Emart thì thông báo sẽ đóng hệ thống luân phiên và chỉ giao hàng trong nội bộ quận Gò Vấp.
Leg: Người dân TP xếp hàng mua thực phẩm tại 1 cửa hàng Bách Hoá Xanh Ảnh: Phương An
Không chỉ các nhà bán lẻ gặp vướng trong khâu giao hàng mà các DN sản xuất - cung ứng mặt hàng thực phẩm thiết yếu cũng "rối". Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết nhiều nhân viên của công ty chở trứng gà/vịt đi giao cho siêu thị, cửa hàng đã không qua được chốt kiểm soát, phải quay về.
"Đặc biệt là các chốt kiểm soát ở khu vực quận 7, dù tài xế có thẻ công ty, có hóa đơn mua hàng của siêu thị, cửa hàng nhưng vẫn buộc quay về trong khi siêu thị, cửa hàng điện thoại hối liên tục" - ông Thiện phản ánh. Cũng theo ông Thiện, kênh bán hàng online của công ty đang bị ách tắc do vướng quy định shipper không được ra khỏi phạm vi quận, huyện.
"Vĩnh Thành Đạt hợp tác với Lazada bán trứng gia cầm, doanh thu trên kênh này tăng đến 500%-600%. Hôm qua, Lazada thông báo tạm ngưng 1 ngày, hôm nay tiếp tục ngưng vì chưa tìm ra được giải pháp phù hợp" - ông Thiện nói.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, nhiều DN cho biết đang rất sốt ruột chờ TP có hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc phát sinh. Đã xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ tại một số điểm bán do hàng nhập về trễ hoặc không nhập, không bổ sung được. Xe vận chuyển thực phẩm thiết yếu được di chuyển 24/24 giờ nên tạm thời DN bán lẻ bố trí nhân viên kho ở lại siêu thị để 4-5 giờ sáng tiếp nhận hàng hóa.
Tuy nhiên, với những cửa hàng nhỏ, không có điều kiện cho nhân viên ở lại nhận hàng dẫn đến hàng nhập về trễ hơn thông lệ, phải vừa mở cửa bán hàng vừa nhận hàng, sắp xếp lên quầy kệ. Thậm chí, một số cửa hàng còn gặp trục trặc trong khâu tiếp nhận hàng do không qua được chốt kiểm soát.
Bình luận (0)