xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nông dân miền Tây bắt tay làm "người tử tế"

Bài và ảnh: NHA MÂN

(NLĐO) - Sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng đang đặt ra cho xã hội bài toán khó, mà lời giải chưa có hồi kết. Hằng ngày, hằng giờ chúng ta ăn những sản phẩm nông nghiệp mà phải lo lắng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đang “bào mòn” sức khỏe con người. Loạt bài viết này, sẽ giúp người tiêu dùng cảm thấy an tâm hơn khi nông dân miền Tây đã bắt tay làm "người tử tế".

Nông dân miền Tây bắt tay vào sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm để tạo ra nhiều nông sản sạch, chất lượng, an toàn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Sản xuất sạch sẽ giúp nông dân tăng năng suất cây trồng trên cùng một mảnh ruộng, thu nhập ngày càng được cải thiện mà không làm hủy hoại môi trường tự nhiên và ảnh hưởng đến cộng đồng.

Vì sức khỏe cộng đồng

Trước đây, nhiều nông dân sản xuất truyền thống lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) một cách vô tội vạ. Giờ đây, khi bắt tay vào sản xuất tập thể được các nhà khoa học hướng dẫn canh tác theo quy trình VietGAP, chỉ sử dụng phân hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc cấm để trừ bệnh trên cây trồng, và ghi chép nhật ký sản xuất.

Nông dân miền Tây bắt tay làm người tử tế - Ảnh 1.

Nông dân trong Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xã Mỹ Tân trồng rau không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Tôi bất ngờ thâm nhập vào Tổ hợp tác (THT) sản xuất rau an toàn xã Mỹ Tân (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) mà không báo trước để tận mắt chứng kiến nông dân trồng rau hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV. Đứng giữa ruộng rau xanh mướt, tôi không ngửi được mùi thuốc trừ sâu, quan sát xung quanh ruộng rau không thấy vứt bỏ vỏ chai thuốc BVTV. Tôi tỏ ra ngạc nhiên thì nông dân Bùi Ngọc Giàu, Tổ trưởng THT sản xuất rau an toàn xã Mỹ Tân, xởi lởi: "Chúng tôi trồng rau sạch, nếu có sâu tấn công thì bào chế từ các loại củ gừng, tỏi, ớt, ủ chung, sau đó lấy nước phun xịt để xua đuổi sâu, côn trùng gây hại".

THT sản xuất rau an toàn xã Mỹ Tân thành lập với 7 thành viên tham gia với tổng diện tích 1,1ha. Lúc trước, các thành viên trồng rau theo kiểu truyền thống lạm dụng khá nhiều phân bón hóa học, thuốc BVTV không có trách nhiệm với người tiêu dùng. Từ đó, các nông dân "rỉ tai" nhau cùng tham gia vào THT sản xuất rau an toàn. Nhờ tham gia sản xuất tập thể, nông dân có lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với canh tác truyền thống, giúp họ giàu lên.

Ông Giàu nhớ lại: "Thời gian trước, các thành viên mạnh ai nấy sản xuất không theo quy trình, chạy theo lợi nhuận trước mắt mà thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Chính vì sản xuất không có tâm, nên nông sản mang ra chợ bán bị người tiêu dùng tẩy chay dẫn đến rớt giá, ế ẩm. Thấy vậy, chúng tôi suy nghĩ cần phải liên kết lại với nhau, sản xuất nhiều theo quy trình an toàn dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng".

Nông dân miền Tây bắt tay làm người tử tế - Ảnh 2.

Nông dân sản xuất nông nghiệp an toàn góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng

Dẫn tôi tham quan ruộng rau có diện tích hơn 1.000 m2 sản xuất không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, ông Giàu phấn khởi khỏe: "THT sản xuất rau sạch tham gia Dự án sản xuất rau hữu cơ theo mô hình của tổ chức Seed to Table do Chính phủ Nhật Bản tài trợ kinh phí thực hiện chương trình phát triển sản xuất các sản phẩm hữu cơ hướng đến thay đổi tập quán sản xuất của nông dân. Chương trình này, góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, nâng cao chất lượng nông sản sạch. Sản xuất nông nghiệp sạch có 3 điều cần bảo vệ: sức khỏe bản thân, cộng động, môi trường. Nhờ vậy, vườn rau sạch của tôi thường xuyên có nhiều đoàn sinh viên đến thực tập cách trồng rau sạch".

Gia đình bà Hồ Thị Tuyết là thành viên của THT sản xuất rau an toàn xã Mỹ Tân, chia sẻ: "Trước đây, gia đình trồng rau sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, tốn nhiều chi phí sản xuất mà lợi nhuận không cao và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Mấy năm qua, tôi chuyển hẳn sang trồng rau an toàn để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đồng thời bán được giá cao hơn. Bình quân, 1 công rau an toàn thu lợi nhuận gấp nhiều lần so với trồng lúa. Tôi xem truyền hình cảnh báo bệnh ung thư quá nhiều do một phần ăn các loại nông sản có dư lượng thuốc trừ sâu nên quyết tâm sản xuất có trách nhiệm với người tiêu dùng".

Tôi tiếp tục thâm nhập vào Hợp tác xã (HTX) sản xuất tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) có 83 thành viên tham gia sản xuất với tổng diện tích 160 ha để chứng kiến cách trồng rau an toàn. Cách tổ chức của HTX là giúp nông dân từng bước tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật canh tác hiện đại. Cụ thể, HTX được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp về thực hiện Dự án nhà màng theo công nghệ của Israel.

Nông dân miền Tây bắt tay làm người tử tế - Ảnh 3.

Người dân quan tâm đến việc mua hàng hóa tại các quầy hàng nông sản an toàn

Ngoài ra, HTX chủ động liên kết thị trường với các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch để tiêu thụ nông sản cho xã viên. Tôi nghĩ, nguồn nông sản muốn tham gia vào "sân chơi" lớn thì các xã viên phải thay đổi tư duy sản xuất sạch, an toàn để cung ứng ra thị trường khó tính.

Ông Dương Minh Sang, Giám đốc HTX Sản xuất tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận, khẳng định: "Nông dân tham gia HTX thì trồng theo hướng hữu cơ, không sử dụng bất kì các loại thuốc hóa học. Ngoài ra, với kỹ thuật phun tưới tự động, nhiệt độ và độ ẩm trong môi trường nhà màng được kiểm soát chặt chẽ, giúp cho rau phát triển tốt".

Theo tìm hiểu của tôi, nguồn nông sản của HTX được phân phối đến các tỉnh – thành ở ĐBSCL, TP HCM, Campuchia. Theo tính toán của nông dân, tỷ lệ sản xuất rau an toàn năng suất đạt không cao, nhưng bù lại bán được giá cao, lợi nhuận thu về cao hơn so với sản xuất truyền thống. Điều này, làm cho thói quen của người tiêu dùng từng bước "tẩy chay" các loại nông sản có dư lượng thuốc trừ sâu đang từng ngày "bào mòn" sức khỏe con người. "Cái lợi của việc sản xuất theo quy trình VietGAP thì giá bán nông sản sẽ cao hơn khoảng 2.000-4.000 đồng/kg, từ đó lợi nhuận tăng lên so với sản xuất truyền thống. Điều quan trọng là HTX tuyên truyền, định hướng cho nông dân sản xuất có tâm hơn" - ông Sang chia sẻ.

Nông sản sạch "lên ngôi"

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Thuận A (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) vận động hội viên phụ nữ tham gia thành lập Tổ liên kết trồng rau an toàn. Những ngày đầu mới thành lập chỉ vỏn vẹn 25 người tham gia, đến nay tăng lên hơn 100 người tham gia với tổng diện tích 71 ha. Tham gia vào tổ sản xuất nông sản an toàn, các chị được hướng dẫn kĩ thuật sản xuất, trao đổi kinh nghiệm trồng rau sạch, thông tin giá cả thị trường.

Nông dân miền Tây bắt tay làm người tử tế - Ảnh 4.

Hàng nông sản sạch, an toàn của nông dân được siêu thị thu mua phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng

Tôi nhìn những luống rau bạt ngàn, xanh mướt của các chị hằng ngày tảo tần chăm sóc để cung ứng sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng là cả một kì công lớn lao, thay đổi tư duy sản xuất có trách nhiệm với cộng đồng. Nông dân Lê Thị Diệu đang lom khom nhổ cỏ trên những luống rau quay sang khoe với tôi: "Tôi tham gia vào Tổ liên kết trồng rau an toàn khỏe lắm! Bởi vì, tôi được hướng dẫn kỹ thuật, cho vay vốn với lãi suất thấp. Các mặt hàng nông sản trồng ra không phải lo mang đi tiêu thụ hoặc sợ bị thương lái ép giá do sản xuất an toàn bán giá cao nhưng lại đắt như tôm tươi. Ở đây, nhiều chị có điều kiện vươn lên thoát nghèo nhanh chóng, có người thì xây dựng nhà mới, có người thì thuê đất ruộng tăng thêm diện tích trồng rau an toàn".

Theo tìm hiểu của tôi, mỗi chị được xét cho vay vốn từ 5-40 triệu đồng (tùy theo hoàn cảnh gia đình) với lãi suất thấp để làm chi phí sản xuất hoặc thuê đất ruộng trồng rau theo hướng hữu cơ. Nhìn các loại rau, củ, quả sản xuất an toàn đang được các chị cho vào túi nilong để chuyển đi cung ứng cho thị trường các tỉnh thành ở ĐBSCL, TP HCM và Campuchia, tôi nghĩ sản phẩm nông nghiệp an toàn này là cả một quá trình miệt mài dám mạnh dạn đi đầu trong việc thay đổi tư duy sản xuất sạch của các chị. Điều này, đã góp phần làm thay đổi nhận thức của những nông dân khác trong việc sản xuất sạch, an toàn vì sức khỏe cộng đồng.

Bà Phan Thị Diễm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Thuận A, phấn khởi cho biết: "Các chị được tuyên truyền, định hướng sản xuất ra các loại nông sản an toàn bằng cái tâm của mình vì sức khỏe người tiêu dùng. Lúc trước, có chị không có đất thì được vay vốn để thuê đất ruộng trồng rau an toàn, giúp các chị có điều kiện ăn nên làm ra, vươn lên thoát nghèo bền vững".

Các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn được sản xuất theo hướng hữu cơ, chứng nhận VietGAP ngày càng rộng đường tiêu thụ tại các quầy hàng nông sản sạch, hệ thống siêu thị. Sáng sớm, tôi có mặt tại Quầy hàng nông sản sạch tại chợ Cao Lãnh (TP Cao Lãnh) để tìm hiểu hoạt động mua bán. Bà Đoàn Thị Kim Thoa - chủ quầy hàng - cho biết những ngày đầu mới thành lập, việc buôn bán gặp vô vàn khó khăn do người tiêu dùng chưa mặn mà với nông sản sạch, an toàn. "Vài tháng sau, quầy hàng nông sản an toàn bán rất chạy do khách hàng tin tưởng, quan tâm đến hàng hóa an toàn để bảo vệ sức khỏe. Chính sự tin tưởng của người tiêu dùng đã giúp nông dân có thêm động lực để sản xuất ra nhiều sản phẩm an toàn phục vụ cộng đồng" - bà Thoa cho biết.

Ngày nay, người tiêu dùng đã tin tưởng khi mua các loại nông sản sạch, an toàn để tự bảo vệ sức khỏe của mình. Ông Phan Thanh Hiệp, ngụ TP Cao Lãnh, chia sẻ: "Tôi chỉ đến quầy hàng nông sản sạch hoặc siêu thị để mua rau, củ, quả về chế biến bữa ăn cho gia đình. Bởi vì, hàng hóa được kiểm định, kiểm duyệt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tuy giá bán cao hơn các loại nông sản trồng truyền thống nhưng ăn rất an tâm do quy trình sản xuất được kiểm ra rất nghiêm ngặt".

Nông dân giỏi phải biết "làm ăn tử tế"

Tính đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có khoảng 100 hội quán. Tại đây, nông dân có dịp gặp gỡ để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi công việc làm ăn, cùng nhau áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất để nâng cao năng suất, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản sạch. Đây là những mô hình đã và đang mang lại nhiều hiệu quả, được các lãnh đạo của Trung ương và lãnh đạo nhiều tỉnh, thành đến tham quan và nhận xét đây là những sáng kiến rất mới, bởi người nông dân họ tự nguyện, tự quản, tự xây dựng kế hoạch phát triển ngành nghề của họ, cuộc sống của họ.

Ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp – cho rằng trong cái không gian cộng đồng dung dị, linh hoạt, nhẹ nhàng mang tên "Hội quán" là những vòng tròn kích hoạt sự năng động của người dân, tạo ra những mối quan hệ nối kết những nhóm xã hội để "không để ai đứng bên lề hay bị bỏ lại phía sau trên con đường phát triển". Từ những mái nhà Hội quán đó, câu chuyện "nông dân tử tế", "nông dân chuyên nghiệp", "nông dân thông minh" ra đời. "Từ trước đến giờ, đánh giá nông dân giỏi thường dựa trên các tiêu chí về năng suất, thu nhập. Bây giờ, nông dân giỏi phải là "nông dân tử tế", biết "sống tử tế", "làm ăn tử tế". Bây giờ, nông dân tiên tiến phải là nông dân chuyên nghiệp, biết tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn thay vì chỉ bán thô. Bây giờ nông dân tiêu biểu phải là nông dân thông minh, biết tạo ra cộng đồng, dựa vào cộng đồng, chia sẻ cho cộng đồng, biết sử dụng công nghệ thông tin để làm giàu trí tuệ, nâng cao chất lượng sống", ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

CÔNG TUẤN

Kỳ tới: Thay đổi tư duy làm ăn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo