Theo quy định mới của Chính phủ, bắt đầu từ tháng 4-2016, việc mua sắm công sản được quy về một đầu mối thay vì để các đơn vị có nhu cầu được quyền chủ động như trước đây.
Mỗi năm tốn 200.000 tỉ đồng
Quy định mua sắm tập trung đối với tài sản công đã được Chính phủ cho phép thí điểm từ năm 2008 tại 24 bộ, ngành, địa phương. Cục Công sản (Bộ Tài chính) cho biết trong 5 năm đầu thí điểm, kết quả đạt được rất khả quan. Về kinh phí, số chênh lệch giữa dự toán và số thực tế mua sắm là hơn 467 tỉ đồng. Bên cạnh đó, chất lượng tài sản cũng tốt hơn, giá mua thống nhất, tương đồng về kỹ thuật.
Theo đánh giá của Cục Công sản, nếu mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế mua sắm tập trung, số tiền tiết kiệm được có thể lên đến hơn 30.000 tỉ đồng. Tính toán này dựa trên thực tế hiện nay, chi mua sắm tài sản công hằng năm chiếm khoảng 20% chi ngân sách, tương đương 200.000 tỉ đồng, trong khi phương thức mua sắm tập trung có thể tiết kiệm được tới 15% tổng giá trị mua sắm. Khoản tiết kiệm có được nhờ giá tốt khi mua số lượng lớn, ngoài ra còn giảm được đáng kể chi phí tổ chức đấu thầu và chi phí cho đầu mối thực hiện công tác này.
Cụ thể, theo phương thức hiện nay, mua sắm công được thực hiện bởi hàng chục ngàn đầu mối nhưng theo quy định mới sẽ chỉ có đơn vị mua sắm tập trung quốc gia thuộc Bộ Tài chính (danh mục mua sắm tài sản tập trung quốc gia, trừ thuốc), Bộ Y tế (mua thuốc) và các đơn vị thuộc bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh.
Như vậy sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 170 đầu mối và chuẩn hóa toàn bộ việc mua sắm theo danh mục của các bộ, tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước về các đơn vị mua sắm tập trung, chuyên nghiệp để họ lựa chọn nhà thầu hợp lý nhất về giá và chất lượng. Ví dụ như đơn vị mua sắm tập trung thuốc sẽ nằm ở Bộ Y tế, mua sắm của cơ quan trung ương hay bộ, ngành cũng sẽ nằm ở đơn vị chuyên nghiệp.
Phương thức này phù hợp với thông lệ quốc tế vì công sản là tài sản được mua bằng tiền ngân sách hoặc bằng tiền có nguồn gốc từ vốn nhà nước. Ở nhiều quốc gia, việc mua sắm tài sản cho toàn bộ hệ thống cơ quan nhà nước được giao cho một cơ quan chuyên trách trực thuộc Bộ Tài chính và phân bổ cho các đơn vị có nhu cầu.
Bắt đầu với xe công
Điểm nhấn lớn nhất của phương thức mua sắm tập trung là khắc phục tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức, vượt nhu cầu thực tế và mua sắm xa xỉ không cần thiết. Để thực hiện phương thức mua sắm tập trung, Bộ Y tế sẽ công bố danh mục thuốc. Bộ Tài chính công bố danh mục các tài sản mua sắm tập trung cấp quốc gia, dự kiến sẽ bao gồm 4 nhóm tài sản gồm: ô tô, máy photocopy, máy tính, máy in.
Trong đó, xe công là khối tài sản lớn, chiếm hơn 2% tổng giá trị tài sản nhà nước. Vấn đề lãng phí trong sử dụng xe công đã được dư luận phản ánh rất nhiều, Chính phủ cũng đã điều chỉnh một số quy định theo hướng siết chi phí, tăng hiệu quả sử dụng. Ví dụ, các cơ quan, đơn vị chỉ thay mới xe công nếu đã dùng quá 15 năm hoặc sử dụng hơn 250.000 km (đối với địa bàn miền núi, vùng sâu, xa, hải đảo…).
Việc chuyển đổi phương thức trang bị xe công cũng được thực hiện từ nguyên tắc “không vượt quá số ô tô hiện có” như trước đây sang trang bị theo định mức từ 1 đến 2 xe/đơn vị. Cách làm này ước tính sẽ giảm khoảng 7.000 xe so với hiện tại, số tiền tiết kiệm được khoảng 500 tỉ đồng mỗi năm.
Tính đến ngày 31-12-2015, tổng số xe công hiện có trong cả nước là 37.410 chiếc với tổng nguyên giá hơn 22.255 tỉ đồng, chiếm hơn 2% tổng trị giá tài sản nhà nước. Trong đó, chỉ tính riêng năm 2015, số xe công tăng mới là 918 chiếc có tổng giá trị 875 tỉ đồng.
Bình luận (0)