Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, khẳng định các doanh nghiệp (DN) phân phối bán lẻ không bị điều chỉnh bởi quy định tại văn bản số 2337 của UBND TP HCM về những DN phải tạm dừng hoạt động từ 0 giờ ngày 15-7.
Cụ thể, theo ông Phương, các hệ thống phân phối bán lẻ hiện hữu sẽ tiếp tục mở cửa hoạt động bình thường, tăng nguồn cung hàng hoá lên gấp nhiều lần so với thời điểm chưa bùng phát dịch và không có chuyện đóng cửa siêu thị, nông sản thực phẩm không được vận chuyển vào TP HCM như một số thông tin đồn thổi.
"TP HCM chỉ còn hơn 50 chợ truyền thống hoạt động nên việc cung cấp thực phẩm tươi sống phục vụ tiêu dùng hằng ngày cho người dân đổ dồn lên hệ thống phân phối hiện đại gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Nhiều siêu thị, cửa hàng cũng phải tạm đóng cửa do liên quan ca nhiễm Covid-19 nên việc cung ứng hàng hoá cho người dân gặp nhiều khó khăn" - ông Phương nêu thực trạng.
Rất đông khách hàng có mặt tại siêu thị từ sáng sớm ngày 14-7
Trước tình hình này, Sở Công Thương đang tích cực vận động các nguồn lực xã hội phối hợp mở thêm kênh cung cấp hàng hoá cho người dân, đặc biệt là người dân tại các khu vực đang bị phong toả, cách ly, không thể đi ra ngoài mua sắm.
Tổng Công ty bưu chính Việt Nam (VN Post) đã đăng ký 200 điểm bán hàng lưu động, Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettep Post) đăng ký 34 điểm; một số công ty logistic, DN bán lẻ cũng đã triển khai đưa hàng đến bán lưu động tại nhiều địa bàn ở các quận, huyện, TP Thủ Đức. Bên cạnh đó là vận động các cửa hàng tiện lợi như Circle K, B'mart, Family Mart... đưa hàng tươi sống vào kinh doanh để bổ sung thêm địa chỉ mua sắm thực phẩm cho người dân.
Đặc biệt, chiều 13-7, Sở Công Thương đã triển khai cho 22 quận, huyện và TP Thủ Đức tận dụng cơ sở vật chất của chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động bố trí mặt bằng bảo đảm quy định về phòng chống dịch, chọn 2-10 tiểu thương có kinh nghiệm mở bán rau củ quả trở lại. Hàng hoá sẽ bán theo quy cách nhất định, tiểu thương sẽ đóng gói sẵn để việc mua bán diễn ra nhanh chóng...
"Trong giai đoạn khó khăn chung vì dịch bệnh, các nhu cầu cá nhân gặp nhiều bất tiện nhưng rất cần người tiêu dùng thông cảm, chia sẻ" - ông Phương bày tỏ.
Theo ông Phương, thực tế thời gian qua các hệ thống phân phối bị thiếu hụt đến 20% - 25% nhân sự do nhiều người lao động là F0, F1, F2… nhưng vẫn nỗ lực đáp ứng nhiệm vụ cung cấp hàng tiêu dùng cho người dân TP và không tránh khỏi những thời điểm quá tải, không đáp ứng được nhu cầu.
Do xuất hiện nhiều tin đồn tiêu cực liên quan đến dịch Covid-19, từ sáng sớm 14-7, nhiều người dân TP HCM đã tập trung tại các siêu thị, cửa hàng để chờ mua thực phẩm, hàng thiết yếu.
Chị Hồng Thái, ngụ quận 5, cho biết tranh thủ đến cửa hàng giới thiệu sản phẩm Vissan gần nhà từ lúc 5g30 để mua thêm thịt heo nhưng tới nơi gặp rất nhiều người đang xếp hàng sẵn ở đó, chị đành quay về.
Cũng trong đầu giờ sáng 14-7, hàng trăm người tiêu dùng tập trung tại các cổng các siêu thị lớn ở TP HCM, gây quá tải. Một số thời điểm, siêu thị phải đóng cửa tạm thời để giải tán bớt đám đông. Một số siêu thị phải nhờ công an phường, cảnh sát giao thông và bảo vệ dân phố tăng cường hỗ trợ, điều tiết tình hình. Tại nhiều cửa hàng tiện lợi thuộc hệ thống Bách Hoá Xanh, Vinmart, Co.op Food, Satra Foods... dòng người xếp hàng chờ mua sắm nối dài.
Lưc lượng chức năng phải hỗ trợ siêu thị điều tiết lượng người vào mua sắm
Đến 12 giờ trưa, lượng người đổ dồn về các điểm mua sắm tiếp tục tăng.
Siêu thị MM Mega Market phải dán thông báo hạn chế khách hàng vào mua sắm, cứ 30 phút sẽ phục vụ 1 lượt khách hàng mới
Dự báo khả năng người dân tiếp tục đổ xô mua thực phẩm trong ngày 14-7, từ chiều 13-7, các hệ thống bán lẻ lớn như Saigon Co.op, Aeon, MM Mega Market, LOTTE mart, Big C, Go!, Emart, Satra, Bách Hoá Xanh... đã triển khai kế hoạch chuẩn bị lượng hàng tăng 15%-20% trong ngày 14-7. Hàng hoá từ các tỉnh vận chuyển về TP và từ kho trung tâm chuyển đến các điểm bán trên địa bàn vẫn bảo đảm thông suốt, phương tiện vận chuyển hàng hoá được ưu tiên luồng xanh để qua các chốt kiểm soát dịch.
Bình luận (0)