Liên tục nhiều ngày qua, hàng loạt chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bị đóng cửa; cùng với đó một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm thuộc hệ thống Co.op Food, Bách Hóa Xanh, Vinmart+, các siêu thị Co.opmart, Big C, Vinmart và cả đại siêu thị như Aeon, MM Mega Market cũng ngừng hoạt động vì có liên quan đến ca nhiễm Covid-19 khiến người tiêu dùng lo lắng.
Không nên thiếu an toàn là đóng!
Chị Trần Thị Mai, ngụ chung cư Bình Khánh (TP Thủ Đức), cho biết những địa điểm mua sắm lớn xung quanh đóng cửa hàng loạt khiến các cửa hàng nhỏ đông đúc bất thường. "Điện thoại đặt hàng hay mua online thì siêu thị giao rất chậm, có khi nhận đơn hàng từ sáng nhưng đến trưa báo lại là hết hàng. Tôi chỉ dám đi cửa hàng vào giờ giữa trưa cho vắng nhằm hạn chế tiếp xúc đông người nhưng giờ đó nhiều loại rau củ, thịt cá đã hết, rất khó mua. Lỡ cửa hàng cũng đóng cửa luôn không biết sẽ mua đồ ăn thức uống ở đâu" - chị Mai lo lắng.
TP Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị bán lẻ tăng cường phòng chống dịch nhằm bảo đảm nơi mua sắm hàng hóa cho người dân .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tại TP Hồ Chí Minh, kênh phân phối bán lẻ truyền thống vẫn giữ vai trò chủ đạo, chiếm đến 60%-70% trong tổng lượng hàng hóa, nông sản, thực phẩm người dân sử dụng hằng ngày. Việc quá nhiều chợ đóng cửa khiến người tiêu dùng thiếu nơi mua sắm, đẩy giá bán hầu hết mặt hàng tươi sống, đặc biệt là rau củ quả, tăng vọt.
Tính chung trên toàn TP, trong vòng chưa đến 20 ngày qua đã có đến 93 trong tổng số 234 chợ truyền thống phải tạm ngưng hoạt động, trong đó chỉ một số ít chợ đóng cửa vì có ca F0. Còn lại, đa số bị giăng dây chỉ vì có ca F1 hoặc chưa đáp ứng các điều kiện hoạt động trong tình hình vừa duy trì kinh doanh vừa bảo đảm phòng chống dịch.
Việc hàng loạt chợ truyền thống ngừng hoạt động đã gây tác động tiêu cực đến giá cả hàng hóa; sức mua mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả đã giảm đáng kể so với thời điểm chưa bùng dịch. Các chợ đầu mối trên địa bàn trước đây tiếp nhận trên dưới 9.000 tấn rau củ quả, thủy hải sản, gia súc, gia cầm mỗi ngày thì nay chỉ còn trên dưới 6.000 tấn, giảm đến 1/3.
Trước thực trạng đó, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã phải triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa hoạt động mua bán trở lại bình thường, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho tiểu thương và duy trì việc cung ứng lương thực - thực phẩm thiết yếu cho số đông người dân TP, cũng như không để xảy ra tình trạng găm hàng, trục lợi, tăng giá bán hàng hóa gây ảnh hưởng đến đời sống người lao động.
Cụ thể, Sở Công Thương đã yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát các chợ đang tạm ngưng hoạt động. Với những chợ có ca F0 cần nhanh chóng thực hiện theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của TP (HCDC); với các chợ có ca F1, F2 hoặc không đủ điều kiện phòng dịch thì nhanh chóng khắc phục, tăng cường các biện pháp phòng dịch để mở cửa trở lại trong thời gian sớm nhất.
"Sáng 1-7, quận Tân Phú xin đóng cửa thêm chợ Phú Trung vì không bảo đảm điều kiện phòng dịch nhưng cơ quan chức năng không đồng ý. Tinh thần là các quận, huyện, TP Thủ Đức phải tăng cường kiểm soát, triển khai các biện pháp phòng dịch chứ không phải vì tâm lý lo ngại có ca F0 mà đóng cửa, gây bất tiện cho sinh hoạt, đời sống của người dân" - đại diện Sở Công Thương TP nhấn mạnh.
Linh hoạt bán hàng theo đăng ký, bán hàng lưu động
Trong thời gian chờ các chợ mở cửa hoạt động trở lại, các doanh nghiệp bán lẻ chủ lực của TP Hồ Chí Minh, doanh nghiệp bình ổn thị trường cũng chủ động tăng cường các chuyến xe bán hàng lưu động, bán hàng theo đăng ký nhằm bù đắp một phần nguồn cung hàng hóa cho người dân TP, đặc biệt là người dân tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, các khu vực có chợ, siêu thị, cửa hàng đang bị phong tỏa lẫn các KCX-KCN.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Trịnh Quang Khải, Trưởng Ban Pháp chế - Công ty CP Thương mại Bách Hóa Xanh, cho biết tùy yêu cầu của các quận - huyện, Bách Hóa Xanh sẵn sàng tổ chức khoảng 9 điểm bán hàng lưu động mỗi ngày. "Trước mắt, từ ngày 2-7, công ty sẽ triển khai bán lưu động các loại rau củ, thịt heo cùng những mặt hàng thiết yếu khác; một số mặt hàng sẽ có giá hỗ trợ thấp hơn tại cửa hàng. Ban tổ chức sẽ bày hàng hóa theo hàng dọc, người dân đi theo hàng dọc này và tuân thủ khoảng cách an toàn để mua những mặt hàng cần thiết, đến cuối hàng sẽ được tính tiền rồi rời đi" - ông Khải tính toán.
Không có đủ nhân sự để thực hiện bán hàng lưu động như Bách Hóa Xanh nhưng Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) cho biết sẽ phối hợp với các địa phương để tăng cường hàng hóa nông sản, thực phẩm với giá bình ổn cho người dân. Cụ thể, Saigon Co.op sẽ cung cấp hàng hóa còn các quận, huyện, TP Thủ Đức sẽ tổ chức lực lượng bán hàng trực tiếp tại các điểm bán hàng lưu động hoặc cung cấp hàng theo danh sách đã đặt trước.
Tương tự, SATRA cũng sẽ nhận đặt hàng số lượng lớn từ các quận, huyện, phường, xã trước 3 giờ mỗi ngày và tổ chức giao vào sáng hôm sau. "Khi TP Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai Chỉ thị 10, SATRA đã tổ chức bán hàng lưu động tại một số phường, xã tại Hóc Môn, Gò Vấp, Bình Tân nhưng trong điều kiện hiện tại, chúng tôi chỉ có thể nhận giao hàng theo yêu cầu cho một số ấp bị phong tỏa tại huyện Hóc Môn, Củ Chi, vừa hiệu quả vừa đỡ tốn nhân lực các bên" - bà Phạm Thị Vân, Trưởng Ban Bán lẻ SATRA, thông tin.
Theo bà Vân, việc bán hàng lưu động chỉ thật sự hiệu quả khi có sự hợp tác tốt của địa phương, nếu chính quyền không thông tin cho người dân biết thời gian, địa điểm bán hàng lưu động thì khi doanh nghiệp mang hàng đến, người dân sẽ không biết để mua. "SATRA từng gặp trường hợp như vậy và phải chở cả xe hàng quay về" - bà Vân nói.
Tái mở cửa loạt cửa hàng thực phẩm
Chiều 1-7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một số doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ tái mở cửa hàng loạt cửa hàng, siêu thị đang bị phong tỏa trong vài ngày tới. Cụ thể, trong ngày 2-7, siêu thị MM Mega Market An Phú sẽ mở cửa trở lại. Bách Hóa Xanh cũng đã được cơ quan y tế các quận, huyện đồng ý cho mở lại 11 cửa hàng trong ngày 2-7.
Tương tự, một số cửa hàng Satra Food cũng sẽ phục vụ khách hàng trở lại theo hướng dẫn của HCDC. Tuy nhiên, các cửa hàng, siêu thị trung tâm thương mại chỉ có thể trở lại hoạt động ngay sau khi đã hoàn thành công tác vệ sinh khử khuẩn và bảo đảm nhân viên làm việc tại đó không có người đang trong thời gian cách ly.
Bình luận (0)