Ngày 20-4 tới, Sacombank sẽ họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm tài chính 2017 để bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2017-2021, trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập. Sự thay đổi này là do ông Kiều Hữu Dũng - Phó chủ tịch HĐQT thường trực Sacombank xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân và HĐQT Ngân hàng đã chấp thuận. Có điểm đáng lưu ý là ông Dũng được bầu làm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021, tức là còn hơn 3 năm nữa mới hết thời gian.
Theo kế hoạch, HĐQT Sacombank sẽ trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm tư cách Thành viên HĐQT Ngân hàng đối với ông Kiều Hữu Dũng tại phiên họp ĐHCĐ thường niên năm tài chính 2017. Ông Dũng hiện sở hữu 300.000 cổ phiếu STB, tương đương tỷ lệ 0,02% vốn tại ngân hàng này.
Eximbank là ngân hàng có vấn đề nhân sự được coi là "khó khăn" nhất
Hiện HĐQT Sacombank có 6 thành viên gồm ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT, ông Kiều Hữu Dũng - Phó chủ tịch thường trực, ông Phạm Văn Phong - Phó chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Miên Tuấn - Thành viên HĐQT, ông Nguyễn Xuân Vũ - Thành viên HĐQT và bà Lê Thị Hoa - Thành viên HĐQT độc lập.
Thời gian vừa qua, các sếp lớn tại ngân hàng này, nhất là ông Dương Công Minh, liên tiếp có các động thái thu gom cổ phiếu STB nhằm nâng tỷ lệ biểu quyết tại Ngân hàng.
Còn tại Eximbank, trong kỳ ĐHCĐ dự kiến diễn ra và ngày 27-4 tới, với 4 ứng viên hiện thời, các cổ đông sẽ phải chọn ra 2 người tham gia HĐQT. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, 4 ứng viên ứng cử vào HĐQT Eximbank kỳ này có những người quen thuộc đã từng chạy đua vào nhà băng này 2 năm trước.
Hiện HĐQT Eximbank có 9 thành viên gồm ông Lê Minh Quốc - Chủ tịch HĐQT, ông Đặng Anh Mai - Phó chủ tịch HĐQT, ông Yasuhiro Saitoh - Phó chủ tịch HĐQT và các thành viên là các ông Nguyễn Quang Thông, Hoàng Tuấn Khải, Ngô Thanh Tùng, Cao Xuân Ninh, Lê Văn Quyết và Yutaka Moriwaki.
Thực tế, vấn đề nhân sự cấp cao ở Eximbank đã nóng từ năm 2015 đến nay. Trước đó, Eximbank trải qua nhiều lần ĐHCĐ thường niên bất thành vì không tìm được sự đồng thuận của cổ đông trong vấn đề lựa chọn người vào HĐQT, bởi người của nhóm cổ đông lớn không được ứng cử vào HĐQT.
Đến thời điểm này, Eximbank chưa công bố kế hoạch kinh doanh 2018 chuẩn bị trình ĐHCĐ trong kỳ họp tháng 4 tới. Năm 2017, Ngân hàng đạt 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tỷ lệ nợ xấu giảm dần. Riêng khoản thoái vốn khỏi Sacombank cuối năm qua và đầu năm nay mang lại cho Eximbank khoản lãi tới 500 tỷ đồng.
Ngày 28-3, LienVietPostBank cũng tổ chức ĐHCĐ thường niên 2018. Điều đáng quan tâm là Ngân hàng sẽ thay đổi HĐQT và Ban kiểm soát cho nhiệm kỳ mới 2018-2023. Trong Nghị quyết HĐQT nêu rõ, sẽ chọn ra 8 thành viên HĐQT và 3 thành viên Ban Kểm soát cho nhiệm kỳ mới. Hiện Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank là ông Nguyễn Đức Hưởng, nhưng ông Hưởng sẽ thôi giữ ghế “nóng” trong kỳ ĐHCĐ lần này.
Nguyên nhân được đưa ra là do sức khỏe. Ông Hưởng từng là Tổng giám đốc LienVietPostBank nhiều năm trước đây và từ tháng 6/2017, tại ĐHCĐ bất thường 2017, ông được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay ông Dương Công Minh - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng. Chức vụ Tổng giám đốc do ông Phạm Doãn Sơn nắm giữ và ông Sơn đồng thời là Phó chủ tịch HĐQT thường trực, còn Trưởng Ban kiểm soát là ông Trần Thanh Tùng.
Kienlongbank năm nay cũng bầu lại HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2018-2022. Thời điểm này, Ngân hàng đã lên kế hoạch lấy ý kiến cổ đông và sẽ tổ chức ĐHCĐ trong tháng 4 tới. Hiện Chủ tịch HĐQT là ông Võ Quốc Thắng, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc là ông Võ Văn Châu và Trưởng Ban Kiểm soát là ông Lê Khắc Gia Bảo. Kienlongbank cũng vừa bổ nhiệm bà Trần Tuấn Anh làm Tổng giám đốc từ vị trí Phó tổng giám đốc.
Tương tự, tại Nam A Bank, HĐQT ngân hàng này đã bầu ông Trần Ngọc Tâm vào vị trí Tổng giám đốc ở tuổi 45, từ chức vụ Phó tổng giám đốc.
Thực tế, nhân sự ngân hàng sẽ không chỉ biến động ở các nhà băng trên, mà còn dự báo sẽ tiếp tục dịch chuyển trong thời gian tới theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi. Luật này có hiệu lực từ 15/1/2018, yêu cầu chủ tịch, thành viên HĐQT, tổng giám đốc của tổ TCTD không được kiêm nhiệm chức vụ tương tự ở doanh nghiệp khác. Quy định này khiến cho hàng loạt các lãnh đạo ngân hàng buộc phải lựa chọn, hoặc là đứng ở ngân hàng, hoặc chuyển qua doanh nghiệp.
Có rất nhiều lãnh đạo ngân hàng đang trong tình thế ấy, nhưng cho đến nay, dù Luật đã có hiệu lực, mới chỉ có vài người chính thức đưa ra sự chọn lựa của họ, như ông Dương Công Minh (Sacombank), ông Đỗ Quang Hiển (SHB), ông Đỗ Minh Phú (TPBank) hay bà Thái Hương của BacABank…, còn lại rất nhiều người như ở Kienlongbank, SeABank, ABBank, HDBank, VietA Bank… vẫn đang kiêm nhiệm.
Bình luận (0)