Tại công văn này, Tổng cục Hải quan cho biết đã nhận được báo cáo, kiến nghị của cục hải quan các tỉnh, thành và hãng tàu về việc tái xuất phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu đang tồn đọng tại cảng biển. Theo đó, một số hãng tàu kiến nghị được chuyển phế liệu sang vỏ container khác hoặc tái xuất qua cửa khẩu đường bộ, đường thủy nội địa. Căn cứ điều 6 Luật Hải quan và các nghị định liên quan cũng như các văn bản hướng dẫn có liên quan, Tổng cục Hải quan trả lời chỉ cho phép tái xuất đối với các lô hàng phế liệu tồn đọng sau khi có kết quả giám định xác định phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu, việc tái xuất phải thực hiện ngay tại cửa khẩu nhập, không được tái xuất qua cửa khẩu đường bộ và đường thủy nội địa.
Các lô hàng phế liệu không đủ điều kiện phải thực hiện thủ tục tái xuất theo từng vận tải đơn khi nhập khẩu, không được chia nhỏ lô hàng, không chia nhỏ lượng container cũng như không tái xuất theo từng container cho từng lần vận chuyển.
Ngoài ra, cục hải quan địa phương phải đề nghị hãng tàu ký biên bản cam kết tái xuất toàn bộ các lô hàng phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu đang tồn đọng tại cảng biển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam nhằm tránh ảnh hưởng hoặc gây ô nhiễm môi trường. Container phế liệu tồn đọng tại cảng biển phải được lưu giữ nguyên trạng, không được chuyển hướng hàng hóa sang vỏ container khác. Đặc biệt, các hãng tàu phải tái xuất toàn bộ lô hàng phế liệu tồn đọng về nước xuất khẩu ban đầu.
Về thời hạn tái xuất, Tổng cục Hải quan chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành xem xét chấp nhận gia hạn thời hạn tái xuất phế liệu thêm 30 ngày kể từ ngày hết hạn tái xuất lần thứ nhất và chỉ được gia hạn một lần. Sau khi hết hạn tái xuất, cục hải quan các tỉnh, thành phải báo cáo danh sách hãng tàu không thực hiện tái xuất về Tổng cục Hải quan để có biện pháp xử lý.
Tiếp nhận thông tin trên, đại diện một hãng tàu cho biết họ rất vui vì Tổng cục Hải quan đã có phản hồi và hướng dẫn chi tiết về việc tái xuất phế liệu. Tuy nhiên, khi đọc kỹ thông tin và quy định lại thấy rất khó thực hiện. Bởi nếu không được tái xuất qua cửa khẩu đường bộ và đường thủy nội địa thì sẽ có một số cảng không thể đáp ứng nhu cầu tái xuất. Ví dụ, cảng container quốc tế Việt Nam (VICT) ở quận 7 hay các cảng cạn (ICD) không có tàu xuất đi.
Một kiện hàng phế liệu không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu đang tồn đọng tại cảng
Bên cạnh đó, quy định chỉ cho phép gia hạn 30 ngày kể từ ngày hết hạn tái xuất lần thứ nhất cũng rất khó để các hãng tàu thực hiện. Bởi nếu tính từ ngày 19-9 (ngày xin gia hạn tái xuất lần đầu) thì chỉ còn 6 ngày nữa để hãng tàu thực hiện tái xuất.
Ngoài ra, các container hàng tồn phế liệu kém chất lượng đã được giám sát kỹ qua kẹp niêm phong (seal) định vị để cơ quan chức năng theo dõi hành trình chuyển cảng của container tái xuất đó nên rất khó chuyển đi nơi khác. Còn việc yêu cầu không cho sang container cũng gây khó cho hãng tàu, vì sang container là việc "chẳng đặng đừng" do container để lâu ngày dễ mục sàn, hỏng vỏ gây mất an toàn hàng hải. Trên thực tế, phế liệu tồn đọng chỉ không đáp ứng quy chuẩn về phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất chứ không phải hàng phế thải nên không gây ô nhiễm, bởi nếu ô nhiễm thì các cảng đã không cho sang container.
Đặc biệt, quy định phải tái xuất phế liệu về nước xuất khẩu ban đầu gần như không thể thực hiện vì nhiều lý do. Vì vậy, đại diện các hãng tàu mong muốn Tổng cục Hải quan nên cho phép các hãng tàu tái xuất bằng cách chuyển cảng. Nếu hãng tàu nào có nguyện vọng sang container thì phải cam kết bảo đảm vệ sinh môi trường (việc này có thể để hãng tàu thỏa thuận với các cảng).
Bình luận (0)