Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa những cam kết đã có trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và có vai trò bảo đảm thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh không bị gián đoạn sau khi tiến trình Brexit kết thúc.
Thị trường nhập khẩu tiềm năng
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, UKVFTA tạo ra cơ hội lớn thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như: thủy hải sản, gạo, dệt may, gỗ, rau quả, da giày. Bên cạnh đó, nước Anh còn cam kết bổ sung về lượng TRQ (hạn ngạch thuế quan) đối với hơn 10 mặt hàng khác như trứng, tỏi, ngô ngọt, tinh bột sắn, surimi... Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi Anh là một trong những thị trường nhập khẩu tiềm năng các mặt hàng Việt Nam được hưởng ưu đãi về hạn ngạch thuế quan, ví dụ gạo, tinh bột sắn, thủy sản.
Xuất khẩu các sản phẩm tinh chế từ dừa sang Anh quốc .Ảnh: NGỌC ÁNH
Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch Covid-19, nhu cầu nông sản, thực phẩm, sản phẩm điện tử (máy tính, thiết bị internet), đồ vệ sinh, đồ bảo hộ cá nhân, thiết bị y tế (máy thở, máy lọc máu), dụng cụ xét nghiệm, đồ bảo hộ bệnh viện (găng tay nitrate, khẩu trang, quần áo cho nhân viên y tế và bệnh nhân) của thị trường Anh có xu hướng gia tăng. Do đó, kết hợp với những cơ hội từ UKVFTA, xuất khẩu hàng hóa sang Anh sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.
Ngoài ra, những cam kết về dịch vụ - đầu tư, mua sắm chính phủ cũng như những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực cụ thể cũng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp (DN), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của Anh tiếp cận được thuận lợi hơn thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam. Đồng thời, giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ Anh như: dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và năng lượng sạch.
Tất nhiên, UKVFTA cũng chứa đựng nhiều thách thức. Trong đó, sức ép cạnh tranh từ cam kết mở cửa thị trường, đặc biệt là trong những ngành Anh có thế mạnh như dịch vụ tài chính, dược phẩm, các mặt hàng hóa chất... là rất lớn. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía Anh là rất cao, đòi hỏi Việt Nam cải thiện tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản và chất lượng sản phẩm để chinh phục thị trường khó tính này.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, giá trị thuế nhập khẩu mà hàng hóa Việt Nam tiết kiệm được khi vào Anh ước đạt 3.500 tỉ đồng/năm. Trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh, UKVFTA có thể giúp ổn định thị trường để các DN phục hồi và phát triển.
Doanh nghiệp thêm cơ hội
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group, Anh là thị trường chính đối với rau quả tại châu Âu với nhu cầu nhập khẩu đa dạng các mặt hàng như: rau thơm, cà pháo, trái cây các loại... Đặc điểm của thị trường Anh nói riêng và EU nói chung là tất cả rau quả từ Việt Nam đều có thể xuất khẩu nếu có đơn hàng và đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật nước nhập khẩu mà không phải trải qua đàm phán mở cửa từng sản phẩm như nhiều nước khác nên tiềm năng thị trường rất lớn.
Do đó, khi Việt Nam ký được FTA với Anh giúp rau quả Việt Nam duy trì được lợi thế về thuế quan so với các đối thủ như Thái Lan, Indonesia. Tuy nhiên, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của Anh, đặc biệt là ngưỡng tối đa thuốc bảo vệ thực vật, rất ngặt nghèo nên khi xuất khẩu phải kiểm soát kỹ để tránh rủi ro. "Anh không yêu cầu Việt Nam phải kiểm tra lô hàng tại Việt Nam trước khi xuất khẩu nhưng tỉ lệ kiểm tra ở cửa khẩu nhập lên đến 80% nên lô hàng không đạt sẽ bị chặn lại" - ông Tùng giải thích.
Tuy vậy, theo ông Tùng, lợi thế về thuế quan của rau quả Việt Nam sẽ không duy trì được lâu khi các đối thủ của Việt Nam cũng đang đàm phán với EU và Anh để có những hiệp định tương tự. Do đó, chỉ những DN có nền tảng về vùng nguyên liệu, quản lý chất lượng mới có thể tranh thủ được cơ hội, chiếm lĩnh thị trường ngay trong giai đoạn đầu UKVFTA có hiệu lực. Còn nếu bây giờ DN mới bắt đầu xây dựng vùng nguyên liệu theo chuẩn EU, Anh thì vài năm nữa cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn.
"Tuy nhiên, cái khó trước mắt là tình trạng thiếu container xuất khẩu và giá cước tăng cao cho hàng hóa xuất khẩu bằng đường hàng không lẫn đường biển nên có trường hợp DN phải từ chối đơn hàng vì lo ngại không thể giao đúng hẹn. Hơn nữa, giá cước tăng cao cũng kéo theo giá bán sản phẩm cuối cùng đến người tiêu dùng cũng tăng khiến sức mua giảm sút " - ông Tùng bày tỏ lo lắng.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đánh giá UKVFTA là bước tiếp nối kịp thời, không làm gián đoạn các ưu đãi mà Việt Nam đang được hưởng trong giai đoạn chuyển tiếp (Anh thực thi EVFTA đến hết năm 2020). Anh đang là thị trường tiềm năng của thủy sản Việt Nam. Năm 2020, trong khi xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang các nước thành viên EU giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19 thì riêng thị trường Anh vẫn tăng cao. Tính đến hết quý III/2020, xuất khẩu thủy sản sang Anh đạt gần 258 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, tôm và cá tra là 2 mặt hàng chủ đạo, tăng lần lượt 19% và 27%; cua ghẹ và cá biển (trừ cá ngừ) cùng tăng lần lượt 55% và 101%.
"Sự tăng trưởng của thị trường Anh không phải là sự "đột biến" mà là một quá trình đầu tư lâu dài. Ở thị trường Anh, các nhà nhập khẩu đã xây dựng được hệ thống phân phối với nhiều nhãn hàng riêng được người tiêu dùng đón nhận. Việc phát triển được kênh bán lẻ giúp DN gia tăng được sản lượng xuất khẩu để bù đắp cho kênh dịch vụ ăn uống, nhà hàng - khách sạn phải đóng cửa hoặc mở cửa hạn chế do dịch Covid-19" - ông Trương Đình Hòe nói.
Cơ hội cho dịch vụ tài chính
Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, nhận định Việt Nam và Anh có mối quan hệ ngoại giao và kinh tế lâu đời, liên tục phát triển trong nhiều năm qua. Anh hiện đứng thứ 16 trong số các quốc gia có đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký gần 4 tỉ USD tính đến tháng 9-2020. Lũy kế, quốc gia này đã đầu tư 402 dự án vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 3,6 tỉ USD. Trong khi đó, thương mại của Anh với ASEAN và Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Đặc biệt, thương mại hàng hóa tăng tới 9%/năm trong giai đoạn 2014-2019.
Nhìn vào sự năng động của mối quan hệ giữa 2 nước Việt - Anh và đặc biệt trong bối cảnh kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài đến từ Anh - quốc gia đang được ghi nhận là nhà đầu tư lớn thứ 5 trên toàn cầu và đang theo đuổi chiến lược "Nước Anh toàn cầu". "UKVFTA được ký kết là một bước đi quan trọng đối với Anh, đồng thời cũng là một động lực lớn cho các hoạt động xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và thu hút các DN Anh tham gia vào những nỗ lực nâng cao chuỗi giá trị của Việt Nam. UKVFTA cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho DN Anh trong lĩnh vực dịch vụ như tài chính, bảo hiểm, giáo dục, tư vấn, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, dược phẩm và các ngành khác" - ông Tim Evans nhận định.
Đặc biệt, UKVFTA sẽ góp phần vào sự phát triển hơn mảng dịch vụ tài chính thông qua thúc đẩy chương trình chuyển đổi kỹ thuật số. Việc mở cửa thị trường mới và mở rộng giao dịch xuyên biên giới được kỳ vọng sẽ làm tăng nguồn vốn và thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Các tổ chức tài chính cần đi đầu quá trình phát triển những công nghệ và phương pháp mới để thích ứng với nền kinh tế mở. "Hiệp định về tổng thể sẽ tạo môi trường thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư và kỳ vọng ngành dịch vụ tài chính Việt Nam sẽ bắt tay thực hiện cải cách nhiều hơn nữa để tận dụng cơ hội, tạo điều kiện cho tăng trưởng và phát triển liên tục" - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nói.
Bình luận (0)