Cùng với việc gửi văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về đề cương xây dựng luật sửa đổi 5 luật thuế, Bộ Tài chính vừa có ý kiến chính thức phân tích một số tác động của đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với kinh tế - xã hội.
Chỉ tốn thêm 70.000 đồng/tháng?
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Công Thương, cho biết theo Luật thuế GTGT thì các mặt hàng lương thực, thực phẩm trực tiếp sản xuất và bán ra, giáo dục, y tế... đều không chịu thuế này. Hàng hóa, dịch vụ khác như thuốc chữa bệnh, phòng bệnh; hàng hóa, dịch vụ là đầu vào của sản xuất nông nghiệp; lương thực, thực phẩm qua khâu thương mại thuộc diện chỉ chịu thuế GTGT ở mức ưu đãi 5%.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mức thu nhập của người dân Việt Nam được chia thành 5 nhóm. Trong đó, nhóm thu nhập thấp nhất dành tới 59,6% thu nhập để chi trả lương thực, thực phẩm, y tế và giáo dục. Nhóm thu nhập cao nhất chỉ dành 39,6% chi tiêu cho những mặt hàng này.
Tăng thuế GTGT, đời sống của người dân càng thêm khó khăn Ảnh: TẤN THẠNH
Phân tích cụ thể về tác động của đề xuất điều chỉnh thuế suất GTGT lần này, ông Phạm Đình Thi lấy ví dụ: Hộ gia đình có thu nhập 7 triệu đồng/tháng thì chi khoảng 3,5 triệu đồng/tháng cho mặt hàng không phải chịu thuế GTGT (không bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế GTGT) như lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục. Với khoản chi còn lại cho hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% và 10% là 3,5 triệu đồng, như vậy, việc tăng thuế GTGT từ 10% lên 12% khiến gia đình này chỉ trả thêm mỗi tháng cao nhất là 70.000 đồng.
Theo ông Thi, chi phí tăng thêm như vậy không ảnh hưởng nhiều đến những hộ gia đình thu nhập thấp. Hơn nữa, tại Việt Nam, 20% hộ nghèo chỉ tiêu dùng 9% mặt hàng chịu thuế GTGT. Trong đó, nhóm có thu nhập cao nhất dành 40% chi tiêu cho những mặt hàng sẽ tăng thuế.
Cùng với việc đề xuất tăng thuế GTGT, Bộ Tài chính cho rằng cần có những giải pháp hỗ trợ về an sinh, xã hội để giảm thiểu tác động lên nhóm thu nhập thấp này.
"Nói lấy được"
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng lập luận của Bộ Tài chính chưa chính xác, "nói lấy được" để bảo vệ cho quan điểm muốn tăng thuế GTGT.
Chuyên gia này phân tích: Quá trình hình thành giá bắt đầu từ giá cơ bản cộng thuế gián thu (GTGT) thành giá của người sản xuất. Giá thành người sản xuất cộng thêm phí lưu thông mới ra giá của người mua, tức là giá của người sử dụng cuối cùng. Do đó, tăng thuế GTGT sẽ khiến giá nhà sản xuất tăng và đương nhiên giá của người sử dụng cuối cùng sẽ tăng lên, CPI cũng tăng, làm giảm sức cầu. Hàng hóa phải qua quá trình lưu thông với các chi phí về thương mại, vận tải. Đây mới là khâu chi phí cao và thuế tăng ở các khâu này sẽ ảnh hưởng đến giá bán cho người tiêu dùng.
Phân tích kỹ hơn về chi tiêu của người dân, chuyên gia Bùi Trinh cho biết theo Bảng cân đối liên ngành mới nhất của Tổng cục Thống kê, thu nhập từ sản xuất của toàn nền kinh tế chỉ bằng 94% tiêu dùng cuối cùng. Trong thu nhập từ sản xuất, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế… đã chiếm tới 34% và số này là phần người ta không được cầm để tiêu thật. Rõ ràng là người dân làm ra không đủ để chi tiêu.
Để có thể tiêu dùng và một phần dành dụm, người dân cần một lượng thu nhập từ ngoài sản xuất, từ sở hữu và chuyển nhượng ở các khu vực thể chế khác bù đắp cho khoảng thiếu hụt đó. Cơ hội có được thu nhập từ ngoài sản xuất của hầu hết người lao động là không nhiều; chênh lệch thu nhập bình quân đầu người/tháng của nhóm thu nhập cao so với nhóm thu nhập thấp năm 2010 là gấp 9,2 lần, năm 2012 là 9,4 lần và 2014 là 9,7 lần. Tăng thuế đánh vào người dân nữa sẽ khiến cuộc sống của họ càng khó khăn.
Cùng quan điểm, chuyên gia thuế Nguyễn Thị Thìn cho biết trong lộ trình cải cách thuế trước đây, Bộ Tài chính đã thống nhất quan điểm đưa thuế suất thuế GTGT về một mức chung là 10% để không ảnh hưởng lớn tới kinh tế - xã hội. Nay, Bộ Tài chính đề xuất tăng từng bước lên 12% và 14% là mức cao và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá cả, sinh hoạt của người dân. Thuế GTGT là yếu tố cấu thành giá, là loại thuế tiêu dùng mà doanh nghiệp (DN) chỉ nộp thay, còn bản chất thì người tiêu dùng phải nộp thuế này. Đặc biệt, việc nâng thuế một số thiết bị y tế, nước sạch từ nhóm chịu thuế 5% lên nhóm chịu thuế 10% là ảnh hưởng tới tất cả các hộ gia đình. Trong đó, người nghèo chịu tác động mạnh hơn so với người giàu có.
Theo chuyên gia Nguyễn Thị Thìn, Nhật Bản là quốc gia mà Việt Nam học tập kinh nghiệm cải cách thuế. Thế nhưng, thuế GTGT của Nhật chỉ 7%, thấp hơn so với mức Việt Nam đang áp dụng.
Lấy ý kiến cộng đồng DN
Nguồn tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết sau khi nhận được văn bản hỏa tốc của Bộ Tài chính về đề cương xây dựng luật sửa đổi 5 luật thuế, VCCI đã đăng dự thảo và lấy ý kiến đóng góp của các DN trên website VIBonline.
Tuy nhiên, đây là dự luật có tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của cộng đồng DN nên VCCI sẽ tổ chức hội thảo tại Hà Nội và TP HCM để lắng nghe ý kiến của DN.
Bình luận (0)