TP HCM đặt mục tiêu trong năm 2017 sẽ có 20.000 doanh nghiệp (DN) thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ nguồn hộ kinh doanh cá thể. Nhiều giải pháp hỗ trợ đã được UBND TP triển khai, các quận - huyện tích cực hưởng ứng thực hiện nhưng đến nay, công tác vận động các hộ kinh doanh cá thể "lên đời" vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Còn nhiều băn khoăn
Chị Ngọc Quyên, chủ cửa hàng tiện lợi Kmart (phường Phước Long B, quận 9), có ý định chuyển đổi lên DN vì muốn mở rộng thêm hoạt động kinh doanh. Không ít lần khách hàng đặt hàng với số lượng lớn, yêu cầu xuất hóa đơn đỏ nhưng vì không phải công ty nên chị không thể đáp ứng khiến việc buôn bán bị ảnh hưởng. Do đó, trong thời gian tới, nếu có thêm vốn liếng, chị sẽ mở vài cửa hàng và nâng quy mô hoạt động lên thành DN. Có điều, băn khoăn lớn nhất của chị là chính sách thuế và thủ tục khai báo thuế. Hiện tại, cửa hàng tiện lợi do vợ chồng chị kinh doanh đang đóng mức thuế khoán 2 lần/năm với khoảng 2 triệu đồng. Nay nếu lên DN, phải thuê kế toán làm báo cáo thuế, mức thuế thu nhập DN dành cho DN siêu nhỏ cũng khá cao.
"Mức thuế phải đóng cao hơn sẽ làm đội giá bán của sản phẩm trong cửa hàng, như vậy sợ không cạnh tranh được với các hộ kinh doanh khác, các cửa hàng tiện lợi khác. Nếu chuyển đổi lên DN, tôi không biết có được hỗ trợ nào từ phía nhà nước không?" - chị Quyên băn khoăn.
Chủ một hộ kinh doanh trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế và xây dựng (ngụ quận Phú Nhuận) cho biết có tìm hiểu thủ tục chuyển đổi lên DN nhưng thấy sẽ phát sinh chi phí nhiều hơn, làm giảm lợi nhuận. Theo ông, các chủ hộ kinh doanh thường quan tâm tới chi phí phải bỏ ra để lên DN nhiều hơn phần họ nhận được. Chẳng hạn, phải tốn thêm chi phí thuê nhân sự làm kế toán, báo cáo tài chính hoặc ngay cả thuê đại lý thuế cũng là thêm chi phí. "Chưa kể thủ tục kế toán quá rườm rà, phức tạp. Theo tôi, cơ quan quản lý phải làm sao để hộ kinh doanh thấy lợi ích khi chuyển đổi nhiều hơn là gánh nặng chi phí" - chủ hộ kinh doanh này thẳng thắn.
Từ thực tiễn vận động hộ cá thể lên DN thời gian qua, các quận - huyện cho rằng nguyên nhân chính khiến các hộ kinh doanh cá thể không muốn phát triển lên DN là do thủ tục rườm rà, phức tạp; khi lên DN cần có bộ máy quản lý chuyên nghiệp hơn (giám đốc, kế toán, thủ quỹ...). Thậm chí, còn phải chấp hành việc thanh tra, kiểm tra; chứng từ hóa đơn phải lưu trữ... Ngoài ra, lo ngại hoạt động theo mô hình DN sẽ phải đóng thuế cao hơn cũng khiến các hộ cá thể đủ điều kiện nhưng vẫn chưa muốn chuyển đổi thành DN.
Thủ tục rườm rà, phức tạp, tăng chi phí hoạt động... là những rào cản khiến các hộ cá thể ngại chuyển đổi lên doanh nghiệp. Ảnh: Tấn Thạnh
Cũng không ít trường hợp hộ cá thể từ chối lên DN vì sợ mất thương hiệu hoặc hoạt động trong lĩnh vực hạn chế kinh doanh, không xin được giấy phép thành lập DN mới. Mới đây, hệ thống quán ăn H.T đã nói "không" với việc lên DN vì thương hiệu H.T đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp cho một cơ sở khác, nếu hệ thống H.T này muốn thành lập DN thì phải lấy tên khác, đồng nghĩa với việc đổi bảng hiệu và từ bỏ thương hiệu đã nổi tiếng nhiều năm.
Phó chủ tịch UBND một quận trung tâm TP từng cho biết một số hộ kinh doanh ngành hàng ăn uống, sản xuất thực phẩm chế biến, bán trái cây… sử dụng trên 10 lao động, có doanh thu cao không muốn chuyển đổi lên DN vì đang hoạt động theo hình thức kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát, truyền thống gia đình, không có khuynh hướng mở rộng quy mô để tránh các thủ tục rườm rà, phức tạp. Thậm chí, có hộ còn quyết liệt tuyên bố thà… giải thể chứ không lên DN!
Trầy trật vận động hộ cá thể "đổi đời"
Theo Quyết định số 1482 của UBND TP, từ nay đến năm 2020, mỗi quận - huyện sẽ vận động khoảng 10% số hộ kinh doanh cá thể lên DN. Trong đó, quận 1 phải "gánh" chỉ tiêu vận động 2.324 hộ kinh doanh lên DN, quận Bình Tân 1.754 hộ, quận 7 là 1.531 hộ, quận Bình Thạnh 1.462 hộ… Từ những ngày đầu triển khai kế hoạch hỗ trợ hộ cá thể chuyển đổi thành DN (nằm trong kế hoạch phát triển 60.000 DN ở TP HCM trong năm 2017 và 500.000 DN trong năm 2020), lãnh đạo TP đã khẳng định quan điểm tạo môi trường thuận lợi cho tất cả các hình kinh doanh, không làm khó, ép buộc hộ cá thể lên DN để đủ số lượng mà tập trung vào chất lượng, hiệu quả và bền vững.
Nhiều cuộc làm việc giữa lãnh đạo UBND TP với các quận - huyện, sở - ngành để phổ biến, cập nhật tình hình vận động hộ cá thể lên DN đã diễn ra nhằm kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các hộ cá thể cũng như chính quyền địa phương. Không những vậy, TP còn tạo điều kiện tối đa cho hộ cá thể chuyển đổi lên DN: các quận - huyện tổ chức tổ công tác vận động hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi thành DN, hỗ trợ thủ tục hành chính và toàn bộ lệ phí cho các hộ kinh doanh đăng ký thành lập DN cũng như các giấy phép kinh doanh có điều kiện lần đầu; hỗ trợ các vấn đề về thuế cho DN thành lập mới và DN chuyển đổi từ hộ cá thể…
Mặc dù vậy, đã gần hết tháng 5, số hộ cá thể tại các quận - huyện chịu chuyển đổi chưa đến 1/10 chỉ tiêu đề ra. Những quận - huyện vận động tốt nhất, số hộ cá thể chuyển đổi lên DN cũng chỉ tròm trèm 100, một số quận - huyện chỉ mới chuyển đổi được chưa tới 20.
Nhiều lợi ích
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng có nhiều lợi ích khi "chính thức hóa" hoạt động kinh doanh. Hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN sẽ giúp nâng cao chất lượng lao động về điều kiện, thu nhập, an toàn, tính ổn định; có sự chính xác, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các loại hình kinh doanh và góp phần giải quyết tình trạng kinh tế tiền mặt, lành mạnh hóa hoạt động kinh tế.
Đồng thời, việc chuyển đổi lên DN cũng giúp nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, vốn, tín dụng… Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 39 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng. Trong đó, trên cơ sở quy định của Bộ Luật Dân sự 2015, chủ thể vay vốn chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân, những tổ chức không có đủ tư cách pháp nhân sẽ không thể vay vốn như hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, DN tư nhân… Lúc này, cá nhân sẽ được vay vốn cho nhu cầu sử dụng vốn của hộ kinh doanh, DN tư nhân do chính cá nhân là chủ hộ kinh doanh hoặc chủ DN tư nhân.
Bình luận (0)