Ông PHAN ĐỨC HIẾU, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương:
Đừng ép buộc bằng mệnh lệnh hành chính
Muốn chính thức hóa hộ kinh doanh thì nên dùng các đòn bẩy kinh tế hơn là mệnh lệnh hành chính. Điều quan trọng nhất là hộ kinh doanh thấy được lợi ích nhiều hơn chi phí khi thành lập doanh nghiệp (DN), có cơ hội phát triển đầy đủ khả năng của mình và không bị hạn chế. Nhà nước cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh nhằm giảm chi phí và thời gian cho DN. Mục tiêu cải cách phải giúp việc gia nhập và hoạt động dưới hình thức DN phải dễ dàng như hộ kinh doanh. Chính sách kế toán, thuế hiện nay đang triển khai theo hướng quá chặt với DN và quá lỏng với hộ cá thể nên cần sửa đổi để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các hình thức kinh doanh. Do đó, cơ quan quản lý cũng cần rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật về thuế, kế toán, điều kiện đầu tư kinh doanh, lao động nhằm đánh giá, bãi bỏ hoặc sửa đổi các quy định đang cản trở hoạt động hay tạo gánh nặng pháp lý quá mức đối với DN nhỏ.
Riêng TP HCM, mục tiêu 500.000 DN đến năm 2020 không hẳn là mệnh lệnh hành chính mà là mục tiêu chính quyền đặt ra. Mong muốn này chính đáng nhưng cần nhìn vào thực tế. Và trong trường hợp này trách nhiệm của trung ương và các bộ ngành nhiều hơn khi phải sửa đổi các quy định phù hợp nhất cho các hoạt động kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ, nhất là về thuế, kế toán.
Khi hộ kinh doanh nhận thấy không còn rào cản, thủ tục hành chính đơn giản hơn sẽ tự nguyện chuyển đổi lên doanh nghiệp Ảnh: TẤN THẠNH
TS VŨ THÀNH TỰ ANH, Giám đốc nghiên cứu ĐH Fulbright:
Quan trọng nhất là tạo sự bình đẳng
Xung quanh mục tiêu đạt được 1 triệu DN trên cả nước và TP HCM là 500.000 DN vào năm 2020, theo tôi, chúng ta đang "tự trói mình" bởi nếu số lượng DN ít hơn nhưng phát triển mạnh hơn vẫn tốt. Do đó, những tiêu chí này dường như mang tính chất "hành chính". Năm 2006, quy mô trung bình của DN là 27 lao động nhưng đến năm 2016 quy mô trung bình của DN chỉ còn 18 lao động. Chúng ta có thêm nhiều DN nhưng cứ bé li ti, chỉ loanh quanh ở sân nhà. Nhìn vào số lượng DN thực tế hiện có các số liệu khác nhau, như TP HCM có hơn 300.000 DN nhưng đóng thuế chỉ khoảng 180.000 DN.
Do đó, thay vì thúc ép hộ kinh doanh lên DN, nhà nước cần tạo sự bình đẳng giữa các DN, trong đó cần bỏ thuế khoán để tạo sự bình đẳng; làm cho các hộ kinh doanh cá thể thay đổi phương thức hoạt động của mình. Và trong quá trình này, nhà nước sẽ hỗ trợ kỹ thuật để hộ kinh doanh khai thuế, giảm các hình thức thanh - kiểm tra cho DN. Đồng thời, trong khi các DN phải đóng BHXH, BHYT cho người lao động thì hộ kinh doanh cũng phải thực hiện các nghĩa vụ này. Vì quan trọng vẫn là tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng để hộ kinh doanh thấy lợi ích sẽ tự động lên DN.
TS NGUYỄN VĂN THUẬN, Trưởng Khoa Thuế - Hải quan Trường Đại học Tài chính - Marketing:
Minh bạch, công khai thì hộ kinh doanh tự động lên DN
Vấn đề cốt lõi của việc hộ kinh doanh lên DN là liên quan đến thuế. Bởi lẽ, khi hoạt động với tư cách hộ kinh doanh thì họ có thể né tránh số liệu doanh thu để nộp thuế thấp hơn khi lên DN. Mặt khác, các hộ này gần như không có ý niệm tăng quy mô hoạt động, tạo dựng thương hiệu vì không muốn nhiều người chú ý mà chỉ kinh doanh ở mức độ phù hợp với các mức thuế khoán. Do đó, về lâu dài pháp luật cần quy định bất cứ đối tượng nào có hoạt động kinh doanh phải đăng ký thành lập DN, để loại bỏ hình thức thuế khoán, áp dụng mức thuế thu nhập DN.
Trách nhiệm về thuế của hộ kinh doanh, DN là khá thấp nhưng việc sử dụng ngân sách, hoạt động đầu tư công hiệu quả, minh bạch và công khai thì mặc nhiên ý thức nộp thuế của các thành phần kinh tế sẽ tăng lên. Từ đó, hộ kinh doanh sẽ tự động lên DN.
Bà LÝ KIM CHI, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM:
Nghịch lý thanh - kiểm tra
Hiện có nghịch lý là DN sản xuất kinh doanh có uy tín, thương hiệu thì bị thanh - kiểm tra 5-6 lần/năm, bao gồm thanh tra môi trường, an toàn thực phẩm, y tế… trong khi hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ rất ít bị "để ý". Để kiểm soát an toàn thực phẩm, các DN lớn có quy trình kiểm soát chất lượng, đạt các chứng nhận ISO, HACCP nên ít rủi ro về mất an toàn thực phẩm còn cơ sở nhỏ lẻ rất nhiều vấn đề, nhiều nguy cơ nhưng ít bị kiểm soát. Những cơ sở này thậm chí còn "bỏ chạy" nếu nhận thấy khả năng sẽ bị phạt số tiền lớn trong khi DN lớn không thể làm như vậy. Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 20 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh - kiểm tra đối với DN để tháo gỡ theo hướng không thanh - kiểm tra DN quá 1 lần/năm. Chỉ thị này được thực thi nghiêm sẽ khuyến khích khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, chuyển đổi hộ cá thể lên DN.
Từ chính sách đến thực tiễn
Cùng với mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp (DN) trên cả nước đến năm 2020 (TP HCM có 500.000 DN), Chính phủ và TP HCM đã ban hành hệ thống các chính sách, chương trình hỗ trợ mang tính chiến lược cho các DN mới. Quyết tâm cải cách và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân rất mạnh mẽ với mục tiêu đưa kinh tế tư nhân thành một động lực của nền kinh tế, trong đó làm sao tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích bộ phận lớn các hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi mô hình hoạt động sang DN.
Hơn 275.000 hộ kinh doanh cá thể tại TP HCM đang đóng góp khoảng 2% ngân sách TP. Một bộ phận khá lớn trong đó hoàn toàn có đủ điều kiện để chuyển đổi lên DN nhưng chưa chịu "lên đời". Những lo ngại về sự rắc rối, phiền hà trong thủ tục hành chính, chế độ kiểm tra, kiểm soát và tâm lý lo ngại sự thay đổi… là những trở lực khiến nhiều hộ cá thể chần chừ, bỏ qua cơ hội được hợp thức hóa hoạt động kinh doanh. Đặt lên bàn cân để so sánh được - mất khi chuyển đổi thì hộ kinh doanh đang "dễ sống" hơn DN. Đơn cử, về thủ tục, lệ phí thành lập hộ kinh doanh cá thể chỉ bằng 50% lệ phí thành lập DN. Hộ kinh doanh cũng chỉ có 6 loại sổ sách kế toán so với hàng chục loại của DN nhỏ và vừa...
Trong năm nay, TP HCM đặt mục tiêu phát triển 20.000 DN mới từ nguồn hộ kinh doanh cá thể nhưng gần 5 tháng qua, mặc dù các quận, huyện đã rất nỗ lực tuyên truyền nhưng kết quả đạt được quá thấp, có nơi chỉ mới vận động được 20-30 hộ cá thể lên DN. Vì thế, con số 20.000 DN mới trong năm nay là mục tiêu quá xa vời.
TP HCM vẫn đang là địa phương đi đầu cả nước trong nỗ lực tuyên truyền vận động, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh lên DN nhưng những hỗ trợ ấy chỉ dừng lại ở mức tạo sự thông thoáng trong việc làm thủ tục giải thể hộ cá thể, xin thành lập DN, hỗ trợ kê khai quyết toán thuế trong thời gian đầu nhưng vẫn chưa đủ để các hộ kinh doanh với những đặc thù riêng về trình độ học vấn - chuyên môn, phương thức quản lý, phạm vi hoạt động… yên tâm bước sang cấp bậc mới. Cần lắm sự quan tâm thật sự, hỗ trợ thật sự thông qua chính sách pháp luật, hành lang pháp lý riêng cho thành phần kinh tế nhỏ lẻ này, sao cho việc gia nhập và hoạt động dưới hình thức DN phải dễ dàng như hình thức hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy kinh tế tổng thể tăng trưởng ổn định, tạo dư địa thị trường rộng mở. Nếu làm được những điều này, không cần phải vận động hay ép buộc, các hộ kinh doanh sẽ chủ động chuyển đổi để hoạt động thuận lợi, chính danh hơn.
Thanh Nhân
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-5
Bình luận (0)