Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2021 (SFS 2021) do Sở Công Thương TP HCM phối hợp Ban quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP (Hepza), Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (SHTP) tổ chức vừa khép lại với hơn 230 cuộc kết nối diễn ra.
Tại đây, hàng chục tập đoàn lớn như Intel, Samsung, Bosch, Panasonic, Schindler, ABB, Techtronic Industries, Nextern, Rawlplug, Nipro… đã tìm nhà cung cấp trong nước cho hàng trăm chi tiết linh kiện.
Cơ hội cho doanh nghiệp trong nước
Điểm đáng chú ý của SFS 2021 là diễn ra trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, một số nhà mua hàng lẫn nhà cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại các tỉnh, thành không thể tham gia kết nối trực tuyến đã thông qua ban tổ chức để gặp gỡ online, tìm cơ hội tiến tới làm ăn với nhau. Trong đó, một số nhà sản xuất lớn tại các KCN phía Bắc đã tích cực tiếp xúc trực tuyến với các doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ được ban tổ chức chọn lọc giới thiệu.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP HCM, bày tỏ kỳ vọng sẽ có thêm nhiều mối hợp tác được hình thành từ sự kết nối ban đầu này bởi kinh nghiệm từ chương trình kết nối của các năm trước, hàng chục DN công nghiệp hỗ trợ trong nước đã nắm bắt được cơ hội, trở thành nhà cung cấp cho những tập đoàn sản xuất lớn. Hiệp Phước Thành, Nhật Minh, Duy Khanh, Tiến Thịnh… là những DN tiêu biểu đã phát triển mạnh, vững vàng với vai trò là mắt xích trong các chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất lớn của nước ngoài.
Nhiều nhà sản xuất nước ngoài gặp gỡ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tại SFS 2021 để tìm cơ hội hợp tác
Bà Duy Oanh cho biết nhiều tập đoàn sẵn sàng hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất, hướng dẫn đầu tư máy móc, thiết bị cần thiết và đồng hành với nhà cung ứng để phát triển sản phẩm cho họ nhưng vẫn khó tìm được nhà cung cấp tiềm năng để hợp tác. "Đơn cử, Bosch liên tục tìm kiếm trong 3 năm nay nhưng không có nhà cung cấp đủ điều kiện cung ứng sản phẩm đầu nối điện tử cho ôtô họ đang sản xuất. Nguyên nhân là Bosch cần sản phẩm công nghệ cao, kết hợp cả nhiệt, kim loại vừa cơ khí và điện tử nhưng DN Việt chỉ có thể làm riêng lẻ từng công đoạn" - bà Oanh giải thích.
Bà cũng cho biết nhà sản xuất lớn đến từ Đức này đã thành lập bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam nên rất mong muốn phát triển, gia tăng tỉ lệ nội địa hóa tại Việt Nam và không ngừng tìm kiếm đơn vị cung ứng tiềm năng để hỗ trợ, đưa vào chuỗi cung ứng của họ. Nhà sản xuất mã vạch Datalogic cũng đã đầu tư nhà máy hiện đại bậc nhất tại Việt Nam, rất kỳ vọng vào việc phát triển nhà cung ứng nội địa.
Một lý do khiến các nhà sản xuất lớn tích cực gia tăng tỉ lệ nội địa hóa, theo các DN, là để giảm thiểu rủi ro từ đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong 2 năm 2020-2021, các đợt bùng phát dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng toàn cầu, việc vận chuyển nguyên phụ liệu, hàng hóa từ các nước về Việt Nam và ngược lại, có những thời điểm ách tắc trầm trọng hoặc chịu chi phí vận chuyển quá cao khiến chi phí sản xuất bị đội lên, tiến độ sản xuất không bảo đảm.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, phụ trách xúc tiến đầu tư KCN Long Hậu (Long An), cho hay đợt dịch lần thứ 4 vừa rồi, nhiều DN trong KCN này bị đứt gãy chuỗi cung ứng. "70%-80% nhà sản xuất trong KCN phải nhập linh kiện từ nhà cung cấp nước ngoài, khi dịch Covid-19 bùng phát thì chuỗi cung ứng ở nước ngoài không thể cung cấp cho họ được nên buộc phải tìm cách nội địa hóa" - ông Tâm phân tích.
Theo thống kê của KCN này, hơn 80%-90% DN trong khu đã khôi phục sản xuất nhưng chỉ hoạt động cầm chừng vì không đủ nguyên phụ liệu. Vì vậy, các DN đang tích cực phối hợp Ban Quản lý KCN Long Hậu tìm kiếm nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để sớm hiện thực hóa việc tăng tỉ lệ nội địa hóa.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí Duy Khanh, Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Điện TP HCM, cho rằng một số DN lớn trong hội đã tính toán đầu tư hiện đại hóa sản xuất để nắm bắt cơ hội chuyển dịch đơn hàng về nội địa của các tập đoàn sản xuất lớn. Công ty Duy Khanh cũng đang đầu tư một nhà máy mới ở khu công nghệ cao TP HCM, dự kiến sẽ đưa vào khai thác trong năm sau.
TP HCM tiếp tục hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đa số DN công nghiệp hỗ trợ tại TP HCM tự tin về trình độ kỹ thuật, tay nghề, khả năng nắm bắt kỹ thuật mới nhưng đang gặp vướng mắc lớn về tài chính để đầu tư máy móc thiết bị hiện đại cho sản xuất công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Theo các DN, vốn đầu tư cho lĩnh vực này rất lớn, thường tương đương vốn đầu tư đất đai, nhà xưởng nên đa số DN không đáp ứng được.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, nhìn nhận việc kết hợp giữa DN công nghiệp hỗ trợ với các nhà sản xuất có quy mô lớn, công nghệ cao không đơn giản và đã mất quá nhiều thời gian để gia tăng tỉ lệ nội địa hóa tại các DN sản xuất nước ngoài. Quá trình này đòi hỏi nhà nước hỗ trợ nhưng DN trong nước phải tự thân vận động và những tập đoàn lớn trong vai trò nhà mua hàng cần có sự chia sẻ.
"Bên cạnh nỗ lực của DN, chính quyền TP sẽ làm hết sức để đưa ngành công nghiệp hỗ trợ TP phát triển. Tư duy phát triển công nghiệp hỗ trợ đã có từ 10 năm nay, các nghị quyết, văn kiện, kế hoạch chỉ đạo của UBND TP cũng đã thể hiện rất rõ ràng nhưng triển khai thực hiện không đơn giản" - ông Võ Văn Hoan bày tỏ.
Theo ông, TP mong các DN trong KCX từng bước chuyển đổi quy trình sản xuất, máy móc thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực để đẩy nhanh việc thay đổi quy trình, công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại hơn. Nhiều KCX - KCN đã cho thuê đất được 30 năm, thời hạn hợp đồng còn lại không còn nhiều, TP sẽ có chính sách hỗ trợ tiếp tục hoạt động đối với các DN ưu tiên thay đổi công nghệ để DN trở thành đầu đàn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ và sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó là nghiên cứu thêm cơ chế chính sách về đất đai, thuế, hải quan, thủ tục, kích cầu… để làm sao có thể hỗ trợ đến 200 tỉ đồng để đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ thiết kế, sản xuất ra sản phẩm công nghệ cao, góp phần phát triển kinh tế TP.
Sẽ có khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho hay TP đang chuẩn bị hơn 300 ha đất để hình thành khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, hình thành những DN thiết kế, sản xuất để cung cấp sản phẩm ứng dụng công nghệ cao cho công nghiệp hỗ trợ. "Trong 1-2 năm sau, chúng ta phải hướng tới không phải tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ mà phải tìm kiếm nhà thiết kế và sản xuất những sản phẩm để cung ứng cho công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Muốn vậy mỗi DN phải tự thân vận động, thay đổi trang thiết bị theo yêu cầu của người mua hàng. Những tập đoàn lớn như Intel, Samsung… cũng cần có sự chia sẻ với các DN nhỏ, giúp DN tiếp cận và cung cấp được sản phẩm" – ông Hoan đề nghị.
Bình luận (0)