xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tập trung phát triển hạ tầng hàng không

LINH ANH

Đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi nguồn vốn tư nhân tham gia là một trong những giải pháp nhằm gia tăng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng hàng không

Trong 2 ngày 27 và 28-11, Hội chợ Triển lãm quốc tế về trang thiết bị và công nghệ hàng không 2019 (VIAE 2019) sẽ diễn ra tại TP HCM. Đây là dịp các hãng hàng không trong nước và quốc tế, các nhà sản xuất thiết bị hàng không trực tiếp gặp gỡ, trao đổi về xu hướng công nghệ sản phẩm, xúc tiến thương mại…, góp phần phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam trong xu hướng hội nhập.

Ngày càng quá tải nghiêm trọng

Trao đổi trước thềm hội chợ, TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam, đánh giá thị trường vận tải hàng không quốc tế vẫn đang phát triển, trong đó châu Á - Thái Bình Dương được Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới (IATA) nhận xét là khu vực năng động có sự tăng trưởng cao nhất thế giới, với 6%-7%/năm. Riêng thị trường hàng không Việt Nam có mức tăng trưởng gấp đôi khu vực trong một thập kỷ qua, bình quân khoảng hơn 16%/năm.

Việt Nam hiện có các hãng hàng không trong nước khai thác thương mại như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar, Vasco, Bamboo Airways... và khoảng 70 hãng hàng không quốc tế đang khai thác thương mại đi và đến Việt Nam. Một số pháp nhân khác đã đăng ký doanh nghiệp và đang thực hiện thủ tục được cấp phép khai thác hàng không như Thiên Minh, Vietravel Airlines, Vinpearl Air...

Tổng công suất thiết kế của 21 cảng hàng không trên cả nước đạt khoảng 96,05 triệu khách/năm, trong khi lượng hành khách thông qua toàn mạng cảng năm ngoái đã đạt 103,5 triệu hành khách. Chỉ tính riêng đường bay giữa Hà Nội - TP HCM là một trong những đường bay đông đúc nhất thế giới với công suất khai thác 8-9 triệu ghế/năm... Dự kiến năm 2019, lượng hành khách thông qua các cảng này sẽ vượt 112 triệu hành khách (chưa kể sân bay Vân Đồn - Quảng Ninh mới đưa vào khai thác). Các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác số lượng máy bay gồm 185 chiếc, trong đó 177 chiếc đăng ký quốc tịch Việt Nam.

Tuy vậy, TS Đinh Quang Toàn, Phó trưởng Ban Kinh tế Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam, cho rằng dù thị trường hàng không Việt Nam ngày càng nhộn nhịp nhưng tình trạng quá tải ở các sân bay cũng trở nên nghiêm trọng hơn. Nhu cầu vận tải bằng đường hàng không đang vượt tổng công suất tiếp nhận của hệ thống cảng hàng không sân bay. "Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị chưa được đầu tư đồng bộ trong hệ thống các sân bay, đường băng, đường lăn tại một số sân bay như Nội Bài (Hà Nội) đang xuống cấp nghiêm trọng; sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) đang bị quá tải từ trên không lẫn đường băng cất hạ cánh. Do đó, giải quyết hiện trạng quá tải ở các sân bay đang trở nên cấp thiết" - TS Đinh Quang Toàn nhận xét.

Ông Phạm Doãn Hồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam, cho biết gần đây, nhà nước đã có chủ trương đầu tư lớn vào cảng hàng không, sân bay như dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành; cải tạo, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; nâng cấp một loạt sân bay Thanh Hóa, Vinh, Quảng Bình, Quảng Trị, Phan Thiết, Điện Biên, Lào Cai...

Để gia tăng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng hàng không, nhà nước đã, đang đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi nguồn vốn tư nhân tham gia. Dù vậy, theo TS Trần Quang Châu, việc triển khai xã hội hóa đầu tư vào cảng hàng không còn rất chậm, chưa hiệu quả. Hiện mới có một cảng hàng không quốc tế đầu tiên được thực hiện theo phương thức xã hội hóa là sân bay Vân Đồn, một số sân bay khác như Đà Nẵng, Cam Ranh… mới triển khai từng phần. Nguyên nhân chính là luật và hệ thống văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, thiếu rõ ràng nên việc thực hiện còn khó khăn, trở ngại.

Tập trung phát triển hạ tầng hàng không - Ảnh 1.

Sân bay Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng quá tải trên trời lẫn trên mặt đất. Ảnh: LAM GIANG

Nhu cầu nguồn nhân lực hàng không rất lớn

Đối với các hãng hàng không, theo số liệu dự báo tăng trưởng hành khách và nhu cầu cung ứng số lượng máy bay đến năm 2030, số lượng hành khách nội địa sẽ đạt khoảng 110 triệu/năm và số máy bay cung ứng tối đa đạt 370-410 chiếc. Ông Phạm Doãn Hồng nhận xét việc huy động vốn cho hạng mục mua máy bay sẽ phụ thuộc năng lực về tài chính và chiến lược kinh doanh của từng hãng nhưng số vốn cần đầu tư cũng là không nhỏ.

Đặc biệt, một trong những vấn đề nóng của ngành hàng không gần đây là nguồn nhân lực. Sự bùng nổ của ngành hàng không thời gian qua đã kéo theo nhu cầu phát triển nguồn nhân lực khá lớn. Dự báo của các doanh nghiệp tại Đề án phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tốc độ tăng nguồn lao động từ 2,5%-5%/năm, cơ cấu lao động tăng chủ yếu ở lĩnh vực khai thác và cung cấp dịch vụ hàng không, nhất là đội ngũ nhân viên kỹ thuật, nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ và tác nghiệp về hàng không…

Thống kê của Viện Khoa học hàng không cho thấy tính đến tháng 6-2019, cả nước có khoảng 2.361 thành viên tổ lái (phi công) trong khi nhu cầu dự báo tới năm 2025 phải có 3.586 người và năm 2030 tăng lên 4.235 người. Nhân viên kiểm soát an ninh hàng không hiện có 3.150 người, nhu cầu tới năm 2025 lên tới 5.953 người. Tương tự, đội ngũ tiếp viên hàng không, nhân viên kỹ thuật tàu bay, nhân viên không lưu… hiện có cũng thiếu nghiêm trọng so với dự báo nhu cầu lao động đến 2025-2030.

Tại cuộc họp báo giới thiệu VIAE 2019, ông Trần Tuấn Linh, Trưởng Phòng Khoa học công nghệ và Môi trường Cục Hàng không Việt Nam, nhìn nhận thời gian qua có sự cạnh tranh, đặc biệt trong việc thu hút nguồn nhân lực phi công giữa các hãng. Nguyên nhân do nguồn nhân lực hàng không của Việt Nam đang thiếu nhiều vị trí từ phi công, kỹ thuật viên máy bay… Do đó, khi xem xét cấp phép cho các doanh nghiệp mới tham gia thị trường này, quan điểm của Cục Hàng không Việt Nam là phải theo quy hoạch đã được duyệt để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh.

Theo một số chuyên gia hàng không, nguồn nhân lực chất lượng cao hiện không đáp ứng được yêu cầu phát triển về quy mô và tầm cỡ của ngành trong giai đoạn tới. Do đó, cần phải nghiên cứu đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo nguồn nhân lực hàng không tập trung và gắn với hợp tác quốc tế. Chú trọng xã hội hóa tạo nguồn vốn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành. 

VIAE 2019 là triển lãm hàng không quốc tế với quy mô lớn lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, được sự cho phép của Bộ Giao thông Vận tải và do Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cùng Công ty GK Wintron phối hợp tổ chức. Bà Lương Thị Xuân, Giám đốc Công ty GK Wintron, cho biết triển lãm sẽ giới thiệu nhiều công nghệ, hệ thống trang thiết bị mới nhất trong lĩnh vực hàng không. Dự kiến có khoảng 400 gian hàng, trưng bày trên diện tích 10.000 m2 và ban tổ chức kỳ vọng sẽ thu hút khoảng 20.000 khách tham quan.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo