Theo Hiệp hội Taxi TP HCM, trước việc giá xăng tăng liên tục 2 lần, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP đã tiến hành rà soát, tính toán và đưa ra phương án tăng giá cước phù hợp trong việc cân đối kinh doanh. Mức tăng ít nhất được các doanh nghiệp đưa ra là 500 đồng/km.
“Việc giá xăng dầu tăng gần 2.000 đồng/lít từ ngày 5-5 vừa qua đã tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải nói chung và các hãng taxi nói riêng. Điều này đồng nghĩa với việc nếu doanh nghiệp không điều chỉnh giá cước phù hợp sẽ không thể bù lỗ” - đại diện hiệp hội nêu rõ.
Ngay trong ngày 15-5, hãng taxi Ánh Dương (Vinasun) đã chính thức áp dụng mức giá mới, tăng thêm 400-500 đồng/km tùy loại xe. Đồng thời, hãng xe này cũng chi tiết mức giá mới ở phạm vi 30 km và từ km thứ 31 trở lên để hành khách nắm rõ.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM, Giám đốc Taxi Vinasun, cho biết trước áp lực giá xăng tăng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP đã đề xuất nâng giá cước từ 500-1.000 đồng/km. Tuy nhiên, để góp phần bình ổn thị trường, phía hiệp hội đã đề nghị các doanh nghiệp chỉ tăng 500 đồng/km.
“Mỗi ngày tôi chạy xe trung bình từ 100-120 km, tốn khoảng 10 lít xăng. Như vậy, xăng tăng giá đồng nghĩa với việc tôi phải tự bỏ tiền túi khoảng 30.000-40.000 đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập cũng như đời sống. Việc công ty tăng giá cước thêm 500 đồng là hợp lý” - một tài xế taxi Vinasun phân tích.
Theo các doanh nghiệp, việc thay đổi giá cước đồng thời sẽ phát sinh nhiều loại chi phí khác. Cụ thể, mức chi phí để điều chỉnh đồng hồ cước, in lại bảng giá, thay đổi kế hoạch kinh doanh... Với số lượng xe của mỗi doanh nghiệp lên đến hàng ngàn chiếc thì chi phí bỏ ra là con số không nhỏ.
Song song đó, việc “làm mới” toàn bộ hệ thống vốn đã ổn định sẽ tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh và phát sinh nhiều vấn đề về tài chính. Tất cả những chi phí này các doanh nghiệp đều phải chịu.
Trong khi đó, theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc bến xe miền Đông, đến thời điểm hiện tại, bến xe chưa nhận được đề xuất tăng giá cước từ những nhà xe đang hoạt động trong bến.
Nhiều doanh nghiệp nhận định do giai đoạn này đang là thời kỳ thấp điểm của vận tải, các hãng xe cạnh tranh nhau gay gắt nên phần lớn cho rằng phải có kế hoạch cụ thể cũng như tính toán kỹ lưỡng mới có thể đưa ra con số phù hợp trong việc cân đối kinh doanh.
Bình luận (0)