Huỳnh Hạnh Phúc sinh năm 1986, tốt nghiệp thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh của Đại học Missouri (Mỹ), thạc sĩ chính sách công (MPP) từ Đại học Harvard (Mỹ), lấy chứng chỉ chuyên gia tài chính CFA Charterholder (CFA Institute) khi mới 32 tuổi.
Sở hữu thành tích tương đối "khủng" và mức lương hơn 100 triệu đồng/tháng nhưng hiện nay, anh bám trụ tại một khu rừng ở Đồng Nai để làm trang trại xử lý rác.
Đam mê làm dự án cộng đồng
Đang làm việc tại một tập đoàn đa quốc gia ở Mỹ, năm 2015 Huỳnh Hạnh Phúc quyết định nghỉ, trở về Việt Nam. Anh bắt tay vào thực hiện dự án đầu tiên, trở thành nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Teach For Vietnam - chương trình phát triển năng lực lãnh đạo trẻ hướng đến giáo dục bình đẳng.
Lấy đà từ dự án này, anh tiếp tục phát triển nhiều dự án khác ở quê hương. Hiện anh là CEO đồng thời là nhà sáng lập Công ty Green Connect - xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm công nghệ xanh gồm: Green Points - game hóa sống xanh qua ứng dụng, NODA - sàn thương mại phụng sự khởi nghiệp xanh, KOMPOVI - máy xử lý rác thành phân compost trong 24 giờ, dự án Larvu Yum - tái sinh rác hữu cơ bằng ấu trùng.
"Lúc mới về Việt Nam, tôi ấp ủ rất nhiều dự án liên quan đến xã hội, cộng đồng và môi trường nên bắt tay vào triển khai. Dù dành nhiều tâm huyết, công sức bỏ ra không ít nhưng các dự án này không gọi được vốn. Lý do một phần vì mô hình còn quá mới, một phần chưa đủ thuyết phục nhà đầu tư về khả năng sinh lời. Trong đó có dự án đã vào đến vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp Green Points nhưng cũng gọi vốn thất bại" - người sở hữu 2 bằng thạc sĩ đại học Mỹ chia sẻ.
Không nản chí, thoái lui vì những thất bại liên tiếp, Phúc kiên trì tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh tạo tác động xã hội, xây dựng và phát triển hệ sinh thái, phát triển kinh tế toàn diện cho các đối tượng yếu thế nhằm giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tính đến thời điểm này, Huỳnh Hạnh Phúc đã gọi vốn được khoảng 12 tỉ đồng cho 4 dự án của Công ty Green Connect. Trong đó, bao gồm vốn góp từ các cổ đông, tài trợ từ quỹ phi lợi nhuận, nguồn vay từ bạn bè, người thân với lãi tính bằng nông sản tạo ra từ các dự án.
Huỳnh Hạnh Phúc diễn giải quy trình xử lý rác hữu cơ thành thức ăn chăn nuôi
Biến rác thành phân bón, thức ăn chăn nuôi
Lịch làm việc của Phúc dày đặc - từ lập kế hoạch, xác định chiến lược, làm hồ sơ gọi vốn đầu tư và tài trợ đến học và nghiên cứu chuyên môn liên quan các dự án, trao đổi với cộng đồng xã hội quan tâm dự án… Trước đây, mỗi tuần anh ở trong rừng 4 ngày, 3 ngày về thành phố để gặp đối tác cũng như tìm kiếm nguồn tài trợ. Nhưng từ tháng 6-2022 đến nay, anh "đóng đô" trên rừng, dự kiến dành trọn thời gian ở đó khoảng vài tháng nữa để hoàn thiện trang trại xử lý rác và trại nuôi gà sinh thái.
"Hiện đã có hàng ngàn con gà được nuôi thả dưới tán rừng tràm. Trong tháng sau, gà sẽ đẻ trứng và có doanh thu; 2 tháng nữa có thêm gà thịt cung cấp ra thị trường. Ngoài ra, trang trại còn triển khai nhiều mô hình chăn nuôi khác" - Phúc khoe thành quả. Anh nói thêm đây là dự án mang tính cộng đồng cao - từ thu gom rác hữu cơ, đưa về nhà máy xử lý sinh học sử dụng ruồi lính đen "ăn" rác tạo ra ấu trùng để tiếp tục xử lý tạo ra thức ăn chăn nuôi cho gia cầm, gia súc, thủy sản.
Green Connect đang vận hành 2 nhà máy ở Đồng Nai và An Giang, mỗi nhà máy xử lý khoảng 3 tấn rác hữu cơ mỗi ngày, kế hoạch sẽ nâng công suất lên 30 tấn/ngày. "Để có đất làm dự án xử lý/tái sinh rác hữu cơ, công ty phải nhờ các doanh nghiệp khác giúp đỡ.
Cụ thể, nhà máy và trang trại ở Đồng Nai nằm trong 2 ha đất Công ty CP Tập đoàn Giấy Tân Mai cho mượn; họ hứa sẽ cho mượn thêm hàng trăm hecta nếu dự án mở rộng trong giai đoạn tới. Nhà máy xử lý rác hữu cơ thành phân bón và thức ăn chăn nuôi tại An Giang cũng hoạt động trên mặt bằng của một doanh nghiệp tại địa phương, điều kiện duy nhất là chúng tôi xử lý rác cho họ" - Phúc cho biết.
Theo anh, khi bài toán mặt bằng đã được giải thì cái khó còn lại của dự án này là thu gom rác, do đó rất cần cộng đồng cùng tham gia, góp sức để thu gom được rác nhiều hơn, quy mô lớn hơn.
Dự án NODA cũng đã hoạt động ổn định, doanh thu ngày càng tăng và đã hòa vốn. Dự án này đang hỗ trợ hơn 50 nhà cung cấp là nhóm khởi nghiệp nông nghiệp sạch, cộng đồng yếu thế và nhóm sản xuất giảm tác động môi trường. Hiện sàn thương mại điện tử này hỗ trợ khách hàng hoàn toàn miễn phí, giúp các nhà cung cấp có nơi buôn bán lẫn làm thương hiệu. Khi các nhà cung cấp có doanh số tốt, có lợi nhuận, Green Connect mới tiến hành thu chiết khấu 5%-10%.
Bảo đảm thu nhập cho người lao động
CEO - nhà sáng lập của Công ty Green Connect cho biết là doanh nghiệp xã hội nên công ty phải cam kết sử dụng 51% doanh thu để tái đầu tư nhưng vẫn phải tìm kiếm lợi nhuận để bảo đảm thu nhập cho nhân viên và các cộng sự. "Khi các dự án bắt đầu khởi động, mức lương nhân viên khá thấp - chỉ vài triệu đồng/người/tháng nhưng sau nhiều nỗ lực, mức lương phổ biến hiện nay đã được nâng lên đáng kể. Công nhân - lao động được trả khoảng 10 triệu đồng/tháng, cấp quản lý khoảng 40-50 triệu đồng/người/tháng" - Huỳnh Hạnh Phúc tiết lộ.
Bình luận (0)