Sáng cuối tuần, chị Đ.T.Th vào cửa hàng thời trang trên đường Hậu Giang (quận 6, TP HCM) mua sắm. Lúc tính tiền, chị cà thẻ Visa của một ngân hàng (NH) với tổng số tiền hơn 2,3 triệu đồng.
Giao dịch trục trặc, bị lỗi
"Tiền đã trừ trong tài khoản nhưng nhân viên cửa hàng báo máy cà thẻ bị lỗi, lát sau lại nói giao dịch bị lỗi, công ty không nhận được tiền nên không in hóa đơn được. Tôi yêu cầu cửa hàng liên lạc NH giải quyết ngay tại chỗ nhưng nhân viên này giải thích vì chủ nhật, NH không làm việc" - chị Th. kể.
Nhân viên này cũng cho biết nhiều trường hợp khách của cửa hàng đã gặp trục trặc tương tự, vài ngày sau NH sẽ tự hoàn trả tiền về tài khoản khách nên đề nghị chị thanh toán lại cho số quần áo muốn mua. "Tôi trao đổi với quản lý cửa hàng, đồng ý cà thẻ thêm lần nữa và giao dịch thành công. Cửa hàng cam kết sẽ liên hệ với NH giải quyết hoàn tiền cho tôi nhưng vài giờ sau, họ lại gọi điện nói tôi mang hóa đơn đến chi nhánh NH để được giải quyết hoàn tiền" - chị Th. bức xúc, vì lỗi giao dịch là giữa NH và đơn vị sử dụng dịch vụ, sao lại làm phiền khách hàng?
Sau đó, chị đề nghị NH và cửa hàng tự sắp xếp giải quyết hoàn tiền vào tài khoản cho khách hàng, nhất là trong xu hướng khuyến khích giao dịch không tiền mặt, không thể làm phiền, đẩy khó cho khách hàng.
Theo các chuyên gia, những trục trặc liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt cần sớm được giải quyết để tránh rủi ro và phiền phức cho người dùng Ảnh: TẤN THẠNH
Một trường hợp khác, phản ánh với phóng viên, anh Minh (ngụ quận 9, TP HCM) cho biết vài tuần trước, anh có dùng tài khoản thẻ ATM để nạp tiền vào ví điện tử, sau khi nhập mã OTP, tài khoản NH của anh bị trừ 800.000 đồng, trong khi ứng dụng ví điện tử cứ xoay tròn rồi báo lỗi mà không thấy tiền vào. Liên hệ tổng đài của NH và ví điện tử, anh Minh nhận được thông báo chờ tối đa 2 tuần để họ tra soát. Quá sốt ruột, anh phải nhờ người quen làm ở NH hỗ trợ giải quyết sớm nhưng cũng phải 1 tuần sau, tiền mới được chuyển vào ví...
Trước đó, anh Minh dùng ví ZaloPay để mua thẻ cào nhưng lúc nhập số tiền và bấm thanh toán thì hệ thống báo lỗi, tiền trong tài khoản bị trừ nhưng không mua được thẻ. Vì số tiền nhỏ nên anh không khiếu nại mà chờ mấy ngày sau tiền mới được hoàn trả vào ví. "Cả 2 lần tôi đều không được bên cung cấp ứng dụng lẫn phía NH thông báo nguyên nhân trục trặc đến từ đâu. Từ đó đến nay, vì sợ mất tiền khi thanh toán qua ví nên tôi hạn chế sử dụng, thỉnh thoảng mới dùng để mua thẻ cào mệnh giá nhỏ và trả tiền cà phê" - anh Minh chia sẻ.
Các chuyên gia tài chính cho rằng trong khi nhiều người chưa mặn mà sử dụng thẻ thanh toán, ví điện tử hoặc các kênh thanh toán không tiền mặt khác để mua sắm, trả tiền dịch vụ công, viện phí... thì những trục trặc nhỏ như trên nếu chậm được giải quyết hoặc giải thích không thỏa đáng càng khiến người dùng e ngại với phương thức này.
Đầu tư để giao dịch an toàn, thông suốt hơn
Cũng vì lo lắng, thiếu niềm tin mà từ trước đến nay, hầu hết người mua hàng trực tuyến đều thích trả tiền mặt. Họ lo ngại nếu thanh toán trước bằng thẻ hoặc ví điện tử, người bán không giao hàng hoặc giao không đúng mẫu mã, chất lượng... thì người mua sẽ lãnh đủ. Vì vậy, để "chắc ăn", phần lớn người tiêu dùng chọn lựa phương thức thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng. Ngay các doanh nghiệp thương mại điện tử cũng chưa mạnh tay kết nối thanh toán với các NH, cổng thanh toán quốc gia.
Một số doanh nghiệp thương mại điện tử cho rằng một trong những mấu chốt thúc đẩy thanh toán không tiền mặt là nhà cung cấp phải bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ lẫn công tác hậu mãi, chăm sóc khách hàng. Bởi nếu không sẽ dẫn tới mất công bằng giữa người thanh toán trước (không tiền mặt) - nhận hàng sau với người nhận hàng trước rồi trả tiền mặt. Chỉ khi người dùng hài lòng với thanh toán không tiền mặt, doanh nghiệp mới tăng dần lượng hàng hóa giao dịch qua online, tăng thêm lợi nhuận nhằm bù đắp cho các chi phí liên quan.
Còn theo đại diện Bộ Y tế, các NH thương mại cần nghiên cứu tích hợp các loại thẻ, ví dụ có thể tích hợp với các loại thẻ thanh toán mà người dân hiện có để giảm thủ tục đăng ký mở thẻ và thẻ này có thể sử dụng trong nhiều hệ thống NH. Vì thủ tục mở thẻ và nộp tiền để thanh toán chi phí khám chữa bệnh hiện tương đối mất thời gian. Ngoài ra, NH cần đầu tư công nghệ tốt hơn, hạn chế các lỗi kết nối; thủ tục thực hiện cần đơn giản, dễ áp dụng nhằm gia tăng niềm tin, sự yên tâm cho người dùng.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - NH Nhà nước, trong thời gian tới, thanh toán không tiền mặt có thể phát sinh nhiều vấn đề, khi mà thanh toán qua điện thoại di động ngày càng gia tăng. Vì thế, để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, NH Nhà nước đang xây dựng dự thảo nghị định thanh toán không tiền mặt. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị định sẽ có thêm đối tượng làm đại lý NH, nhằm hỗ trợ người không có tài khoản NH vẫn có thể thanh toán không tiền mặt.
Mất thời gian
Tại một số bệnh viện (BV) đã triển khai đề án khám chữa bệnh bằng thẻ như BV Đại học Y Dược TP HCM, BV Hữu nghị Việt Đức, BV Bạch Mai (Hà Nội)..., người bệnh vẫn phải xếp hàng làm thủ tục mở thẻ, rồi mang tiền mặt đến nộp để có tiền trong tài khoản, sau đó mới khám chữa bệnh, rất mất thời gian. Chưa kể, thủ tục mở thẻ và rút tiền ở máy ATM với một số người dân, nhất là các vùng sâu, vùng xa, còn tương đối xa lạ...
Một số người sử dụng dịch vụ thanh toán bằng thẻ ở các BV còn phản ánh trong quá trình sử dụng, đôi khi gặp trục trặc về thẻ như không giao dịch được… khi liên hệ với phòng thẻ của NH lại không gặp được nhân viên trực 24/24 giờ để giải quyết sự cố. Các NH phát hành thẻ đều yêu cầu BV mở tài khoản tại NH mình, dẫn đến trường hợp BV mở tài khoản tại nhiều NH làm cho công tác quản lý theo dõi tài khoản của BV thêm khó khăn.
Bình luận (0)