xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thị trường Trung Quốc ngày càng khắt khe

Phương Nhung

Hàng rào kỹ thuật cũng như quy định của Trung Quốc ngày càng cao, đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải nâng cao chất lượng sản phẩm

Diễn đàn Xuất khẩu 2018 với chủ đề "Thị trường ASEAN và Trung Quốc" do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) tổ chức sáng 14-12 đã cập nhật thông tin mới về xu hướng xuất khẩu để doanh nghiệp (DN) Việt Nam có sự chuyển đổi phù hợp.

Nhiều hàng rào kỹ thuật

Với thị trường Trung Quốc, tính đến hết tháng 10-2018, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 86,9 tỉ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 33,5 tỉ USD, tăng 27% so với cùng kỳ.

ITPC nhận xét trước đây, DN quen với quan niệm Trung Quốc là thị trường dễ tính. Nhưng hiện nay, hàng rào kỹ thuật cũng như quy định của Trung Quốc đã thay đổi. Một số địa phương của nước này mới đây đã đưa ra quy định về truy xuất nguồn gốc hàng nông sản Việt Nam, siết chặt quản lý an toàn thực phẩm, hàng rào kiểm dịch. Do đó, DN Việt cũng phải thay đổi theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu sơ chế, chế biến, sản xuất đến đóng gói bao bì.

Thị trường Trung Quốc ngày càng khắt khe - Ảnh 1.

Thanh long của Việt Nam được xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc Ảnh: Ngọc Ánh

"Để khai thác tốt thị trường Trung Quốc, DN cần tìm hiểu kỹ thông tin thị trường, đối tác; sản phẩm phải đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch, kiểm nghiệm, cung cấp thông tin tình hình trồng trọt, nơi sản xuất, bao bì ghi rõ tên sản phẩm, hồ sơ vườn trồng… Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, nghiên cứu thiết kế bao bì riêng cho thị trường này, ưu tiên các thông tin trên bao bì bằng tiếng Trung…" - ITPC khuyến cáo.

Theo ông Ngô Tuấn, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP HCM, Trung Quốc xác định Việt Nam đã và đang là thị trường xuất nhập khẩu quan trọng, nhất là ở các nhóm hàng điện thoại di động và linh kiện, gạo, rau quả, cao su thiên nhiên, dầu thô, xi măng, clinker, thủy hải sản, hạt điều, hạt tiêu, cà phê…

Để thúc đẩy kim ngạch phát triển, theo ông Ngô Tuấn, DN chủ động quảng bá ra thị trường Trung Quốc qua những sự kiện quan trọng, có nhiều khách hàng tham dự, như Hội chợ Trung Quốc - ASEAN, Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc… Các DN cũng nên đầu tư ra nước ngoài và chủ động mời đối tác vào để hợp tác với nhau, từ đó nâng cao thị phần. "DN, cá nhân không nên sản xuất và bán các sản phẩm chất lượng kém vì lợi ích trước mắt mà nên có tầm nhìn lâu dài và bảo vệ uy tín chung của ngành" - ông Ngô Tuấn lưu ý.

Bỏ quên thị trường Hồi giáo

Tại diễn đàn, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC, cung cấp thông tin tổng trị giá trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và khối ASEAN năm 2017 đạt 49,53 tỉ USD, tăng 19,6% so với 2016 và chiếm 11,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Với việc hoàn tất lộ trình gỡ bỏ hàng rào thuế quan trong Cộng đồng kinh tế ASEAN, DN Việt càng có nhiều cơ hội xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh để mở rộng thị trường. Song đáng tiếc, Việt Nam dường như bỏ quên thị trường chiếm đến 50% dân số ASEAN - thị trường dành cho người Hồi giáo.

"Ngành công nghiệp Halal, tức ngành cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo, thực sự trở thành ngành công nghiệp quan trọng, còn nhiều tiềm năng trong khu vực. Trên thế giới, ngành này đạt doanh thu trị giá 2.300 tỉ USD/năm. Đây là cơ hội lớn cho DN Việt Nam" - ITPC nhận định.

Tuy vậy, DN Việt không dễ dàng tận dụng được cơ hội. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Trưởng Bộ phận marketing Văn phòng chứng nhận Halal, đánh giá thị trường dành cho người Hồi giáo không đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật cao như Mỹ, châu Âu nhưng lại yêu cầu tiêu chuẩn Halal rất khắt khe. Sản phẩm phải bảo đảm không có thành phần thịt heo, chó và các loại động vật bị cấm khác; không chứa chất cấm theo tiêu chuẩn Hồi giáo; không quảng cáo hình ảnh nhạy cảm liên quan đến phụ nữ, tôn giáo khác trên bao bì; bao bì phải có nhãn tiếng Ả Rập...

Trong khi đó, DN Việt Nam còn xa lạ với việc sản xuất sản phẩm và cung cấp dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn Halal. Để bắt kịp xu hướng sản xuất theo tiêu chuẩn Halal, bà Hằng cho rằng DN cần chủ động từng bước đáp ứng trước tiêu chuẩn này, khi có đơn hàng, việc xin giấy chứng nhận sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn. 

Chưa đánh giá đúng tiềm năng

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, cho rằng DN Việt chưa thật sự quan tâm đúng mức và đánh giá đúng tiềm năng thị trường Trung Quốc nên đầu tư, nghiên cứu quá ít với thị trường này. Sự hỗ trợ của cơ quan quản lý cũng còn rất hạn chế. Đây là nền kinh tế lớn, nhu cầu tiêu dùng cao nên DN Việt cần tính đến việc làm ăn, chiếm lĩnh ở những mặt hàng có lợi thế.

Ở chiều ngược lại, thương lái Trung Quốc sang Việt Nam thu mua nông sản, thủy sản về chế biến, sản xuất thành hàng của họ rồi xuất khẩu. Không ít người Việt ra nước ngoài mua trái cây ăn nhưng đến lúc nhìn lại thì là trái cây của Việt Nam được gắn nhãn thương hiệu của Trung Quốc như vải thiều. Đây là điều cay đắng.

"Có vẻ như DN chưa có nỗ lực thích ứng và cần phải hiểu, nghiên cứu về thị trường Trung Quốc nhiều hơn để giảm bớt những rủi ro, tránh bị lừa khi làm ăn với thị trường này" - TS Lê Đăng Doanh nói.

T.Phương

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo