Chia sẻ tại tọa đàm "Doanh nghiệp (DN) nói không với vu khống trục lợi trên mạng xã hội" do Báo Người Lao Động và Công ty CP Sparkling tổ chức cuối tuần qua, nhiều luật sư, chuyên gia nhìn nhận DN không nên nhân nhượng, thỏa thuận hoặc chấp nhận bị bôi nhọ, nói xấu, vu khống… mà có thể tố cáo, khiếu nại hoặc kiện ra tòa để đòi quyền lợi.
Có thể bị phạt hành chính, phạt tù
Bà Dương Yến Ngọc, Giám đốc Thẩm mỹ viện Hollywood Beauty, cho biết bản thân và DN của bà nhiều lần bị vu khống, bôi nhọ nhưng bà đang cân nhắc việc tố cáo, khởi kiện với suy nghĩ DN còn nhiều việc phải làm. Nhưng nếu bỏ qua, người vu khống lại nghĩ rằng họ làm đúng và tiếp tục vi phạm.
Các diễn giả nêu ý kiến tại tọa đàm “Doanh nghiệp nói không với vu khống trục lợi trên mạng xã hội” diễn ra cuối tuần qua Ảnh: Tấn Thạnh
Nhiều DN khác cũng có suy nghĩ "cho qua" khi bị nói xấu, vu khống trên mạng xã hội vì cho rằng đi kiện không đơn giản, "được vạ, má đã sưng". Thực tế, khi gặp những trường hợp như vậy, các DN có thể phản ánh đến Sở Thông tin và Truyền thông ở địa phương; sau khi tiếp nhận, cơ quan này sẽ giao thanh tra sở mời các bên liên quan lên làm việc. Nếu chỉ vi phạm hành chính, đối tượng tung tin sẽ bị xử phạt về hành vi vu khống, nói xấu trên mạng với mức phạt tối đa 30 triệu đồng dành cho tổ chức và 15 triệu đồng với cá nhân. Nếu vi phạm hình sự thì sẽ chuyển cơ quan công an xử lý.
Tuy nhiên, các DN tham dự tọa đàm nhìn nhận mức phạt 30 triệu đồng cho hành vi vu khống, bôi nhọ, mạo danh… là quá nhẹ, bởi thiệt hại về vật chất, thương hiệu, uy tín của DN rất lớn nhưng không dễ thống kê, chứng minh.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, phân tích các thông tin trên mạng xã hội được lan truyền do cá nhân, tổ chức đăng lên đều có thể xem là chứng cứ điện tử khi ra tòa hoặc gửi lên công an. Muốn vậy, DN cần tự bảo vệ mình trước bằng cách lưu lại những thông tin đó để làm bằng chứng. Ở TP có cơ quan thừa phát lại, DN có thể yêu cầu lập vi bằng, làm bằng chứng. Từ đó, DN có thể khởi kiện cá nhân hay tổ chức lên tòa án, yêu cầu người vi phạm cải chính thông tin, xin lỗi và bồi thường thiệt hại (nếu có).
"Nếu việc đó diễn ra nhiều lần, mức độ ngày càng lớn, DN có thể yêu cầu cơ quan công an vào cuộc điều tra. Trường hợp thông tin đó gây thiệt hại nghiêm trọng, công an có thể khởi tố hình sự. DN cần có bằng chứng chứng minh thiệt hại do những thông tin nói xấu, vu khống, bôi nhọ đó gây ra như: bị hủy hợp đồng, đối tác từ chối mua hàng hoặc bị loại khỏi các gói thầu, dự án. Thực tế, những biện pháp ứng phó và xử lý khi DN gặp tình trạng trên là có nhưng quá trình đòi hỏi quyền lợi thường rất khó khăn, tốn nhiều thời gian, công sức" - ông Phạm Ngọc Hưng nhìn nhận.
Luật sư Trương Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP, cũng thông tin trong Bộ Luật Dân sự, hành vi xâm phạm uy tín, danh dự của người khác có thể bị kiện, đưa ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tùy mức độ vi phạm để cơ quan chức năng xem xét và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Dù vậy, liên quan đến việc bồi thường thiệt hại, khởi kiện thì dễ nhưng thi hành án sau đó lại rất khó.
"Theo tôi, cơ quan quản lý cần mạnh tay xử lý tình trạng trên, nếu bỏ qua, các đối tượng sẽ tiếp tục lợi dụng để hạ uy tín, bôi nhọ, bêu xấu DN cho các mục đích khác nhau" - luật sư Trương Thị Hòa kiến nghị.
Sẽ sửa quy định để ngăn ngừa, tăng mức phạt
Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông kiêm Giám đốc Trung tâm Báo chí TP, thừa nhận các xử phạt hành chính về nạn bôi nhọ, nói xấu, thông tin sai sự thật ảnh hưởng đến DN thời gian qua chưa nhiều.
TP hiện có khoảng 350.000 DN, chiếm tới 50% tổng số DN trên cả nước, do đó việc DN bị trục lợi, vu khống, nói xấu trên mạng xã hội không thể xem là vấn đề nhỏ. Cơ quan quản lý cũng đang từng bước giải quyết, xử lý tình trạng này.
Nhiều DN, luật sư kiến nghị trong quá trình xử lý, cơ quan chức năng cần công khai thông tin về những đối tượng nói xấu, vu khống DN để dư luận được biết. Đây cũng là một giải pháp răn đe, hạn chế vi phạm tiếp diễn.
Bà Lâm Thúy Ái, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Mebipha, chia sẻ mong muốn lớn nhất của DN là quá trình xử lý đối tượng vu khống, bôi xấu được cơ quan quản lý thông tin đến hiệp hội DN, hiệp hội ngành nghề và các CLB DN để biết, từ đó tuyên truyền rộng rãi cho DN nắm bắt được thông tin nào thật - giả và cách ứng xử.
Ông Từ Lương khẳng định Bộ Thông tin và Truyền thông đã có chỉ đạo và quan điểm xuyên suốt của TP là không khoan nhượng, không thỏa hiệp khi nhận thông tin về việc bị nói xấu, bôi nhọ, vu khống… trên mạng xã hội. Việc xử lý đúng những trường hợp vi phạm sẽ đem lại hiệu quả và sự lan tỏa tốt hơn để người dân, DN có niềm tin.
Thừa nhận mức phạt hành vi vu khống, nói xấu trên mạng xã hội theo quy định của luật hiện nay là khá thấp, chưa phù hợp thực tế, ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết sẽ kiến nghị sửa quy định này.
"Một số quy định được ban hành từ nhiều năm trước và giờ chúng tôi đang đề xuất Chính phủ có hành lang pháp lý, sửa những văn bản pháp luật hiện hành cho phù hợp. Cục cũng sẽ lên kế hoạch làm việc với các DN, hiệp hội về cơ chế thông báo cho những mạng xã hội lớn khi DN bị bôi xấu, vu khống" - ông Lê Quang Tự Do nói thêm.
Mượn KOLs như chơi "dao 2 lưỡi"
Một xu hướng gần đây được các DN sử dụng trong xử lý khủng hoảng là nhờ những người có tầm ảnh hưởng, người nổi tiếng trên mạng xã hội (KOLs) như một kênh thông tin song song với báo chí. Tuy nhiên, ông Lê Quang Tự Do lại cho rằng việc này như "dao 2 lưỡi", rất nguy hiểm. Bởi, nếu cơ quan báo chí hay mạng xã hội thông tin sai sự thật thì cơ quan nhà nước có thể xử lý được, trong khi tính pháp lý và trách nhiệm của KOLs trước pháp luật chưa rõ ràng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-12
Bình luận (0)