Ngày 14-12, Báo Người Lao Động và Công ty Sparkling đã phối hợp tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề "Doanh nghiệp nói không với vu khống trục lợi trên mạng xã hội".
Chương trình có sự tham gia của ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông kiêm Giám đốc Trung tâm Báo chí TP HCM; ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP; Luật sư Trương Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP cùng đại diện các doanh nghiệp (DN)…
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển Internet nhanh ở châu Á. Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng 62 triệu người Việt dùng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo, Instagram…
Phát biểu tại tọa đàm, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhìn nhận những cái lợi, mặt tích cực của mạng xã hội đem lại là rất rõ ràng. Mạng xã hội là môi trường thuận lợi để mọi người có thể tương tác, tâm sự, chia sẻ, thể hiện quan điểm chính kiến của mình hay học hỏi lẫn nhau. Với DN, mạng xã hội cũng tạo những thuận lợi lớn để đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử, truyền thông, tiếp thị cho thương hiệu và sản phẩm của mình…
Dù vậy, một trong những đặc trưng của mạng xã hội là đan xen 2 mặt tốt và xấu. Người ta có thể đưa tin, bình luận trên mạng trung thực hoặc bịa đặt, bôi xấu, thậm chí vu khống lẫn nhau. Đặc biệt, đối với DN khi bị vu khống, trục lợi trên mạng xã hội thì hậu quả sẽ rất lớn cả về thương hiệu lẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, ông Tô Đình Tuân phát biểu tại tọa đàm
"Thực trạng trên không phải cá biệt, mà diễn ra ngày càng nhiều, đã trở thành vấn nạn lớn. Tọa đàm của Báo Người Lao Động và Công ty Sparkling tổ chức hôm nay, nhằm cùng các nhà quản lý, DN ngồi lại với nhau để nhận diện, phê phán tệ nạn vu khống, trục lợi trên mạng xã hội nhằm vào đối tượng DN. Chúng ta cùng góp tiếng nói chung để nói không và tìm những giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn này; đề cao văn hóa ứng xử, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân khi tham gia mạng xã hội" - ông Tô Đình Tuân chia sẻ.
Nhiều DN cho rằng việc trở thành đối tượng bị công kích trên mạng xã hội, từ bôi xấu, vu khống, mạo danh… ảnh hưởng rất lớn đến DN bởi họ tồn tại dựa trên uy tín thương hiệu, phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để xây dựng. Dù sau đó, câu chuyện có được đính chính hay minh oan, thì tổn thương uy tín thương hiệu phải mất rất lâu để hồi phục, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, nhận định trên mạng xã hội, những tin giả, tin xấu và thông tin bôi nhọ, mạo danh DN xuất hiện ngày càng nhiều. Kể trường hợp của DN mình, hệ thống siêu thị Saigon Co.op có một trang fanpage trên Facebook tuyển dụng nhân sự, nhưng một lần bị đối tượng mạo danh, cũng lập trang tương tự trên Facebook rồi rao tuyển dụng, thu phí ứng viên để lừa đảo.
"DN sau đó đã hỗ trợ người bị lừa nhưng thực tế là họ đã mất tiền vì trang mạng mạo danh Saigon Co.op" - ông Đỗ Quốc Huy nói.
Các diễn giả, đại biểu trao đổi, chia sẻ tại buổi tọa đàm
Trong khi đó, bà Lâm Thúy Ái, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Mebipha, nhận xét mạng xã hội rất hữu ích cho cá nhân và DN, nhưng làm sao để tránh khỏi những thông tin xấu, bảo vệ DN khỏi việc bị bôi xấu, vu khống thời công nghệ số trên mạng xã hội cần được quan tâm hơn cả.
"Từng bị sự cố và sau khi khiếu nại với Facebook không hiệu quả, chúng tôi phải nhờ tới công an nhưng cũng không thể xử lý triệt để. Vậy làm sao DN ngăn chặn được thông tin xấu về mình trên mạng xã hội?" - bà Lâm Thúy Ái băn khoăn.
Trường hợp bị vu khống, bôi xấu của Công ty CP Khơ Thị Skincare & Clinic được bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Giám đốc DN này chia sẻ thu hút sự quan tâm của mọi người tại tọa đàm. Theo bà Thu Hoài, khoảng 1,5 năm trước, chỉ trong buổi sáng thì tin tức bôi xấu, sai sự thật về công ty của bà lan truyền trên khắp trang mạng.
"May mắn là tôi được tư vấn bởi bạn bè, đồng nghiệp về cách xử lý khủng hoảng, truyền thông và DN chúng tôi có đầy đủ giấy tờ chứng minh mình không sai, nên DN mới trụ vững và vượt qua được" – bà Thu Hoài kể.
Dưới góc độ các hiệp hội ngành nghề, nhiều hiệp hội cho biết DN thành viên của họ cũng rất đau đầu, thậm chí bị nhiều thiệt hại lớn từ nạn bôi xấu, vu khống, trục lợi trên mạng xã hội trong thời gian qua.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, cho biết không chỉ có vu khống, trục lợi mà những tin giả - tin xấu trên mạng xã hội cũng ảnh hưởng rất lớn tới DN, người dùng. Thậm chí, các DN còn bị đối thủ cạnh tranh không lành mạnh, vu khống, đăng thông tin sai sự thật… Thực tế, các thông tin trên mạng xã hội được lan truyền do cá nhân, DN đăng lên đều có thể xem là bằng chứng, chứng cứ điện tử và bị xử lý phạt hành chính hoặc hình sự tùy mức độ nặng nhẹ. Có biện pháp xử lý và có thể xử lý được, nhưng để đòi được quyền lợi cho DN cũng là rất khó khăn, tốn nhiều thời gian, công sức.
Một đặc thù của ngành bất động sản là giá trị tài sản lớn, nên khi bị mạo danh, trục lợi thì ảnh hưởng không nhỏ đến DN và cả người tiêu dùng (người mua phải dự án nhà đất lừa đảo, dự án ma…). Luật sư Trương Thị Hoà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP, lưu ý có một xu hướng hiện nay trong tệ nạn vu khống, trục lợi trên mạng xã hội, là việc cá nhân, DN cố tình thông tin sai sự thật về mình, quảng cáo không đúng, khiến khách hàng tin tưởng, mua hàng xong mới biết bị lừa.
"Như việc một DN gắn mác, tự khoe, nói quá về mình trên mạng xã hội cũng là vu khống để trục lợi, tạo ra những khoản lợi lớn cho mình" - Luật sư Trương Thị Hòa nói.
Báo Người Lao Động tặng quà cho các diễn giả, đại biểu tham dự chương trình
Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông kiêm Giám đốc Trung tâm Báo chí TP, nhìn nhận vấn đề bôi xấu, vu khống, trục lợi trên mạng xã hội không chỉ được DN mà cơ quan quản lý nhà nước cũng quan tâm. Việt Nam hiện nằm trong nhóm 10 quốc gia có người dùng mạng xã hội nhiều nhất thế giới, và riêng khu vực Đông Nam Á có 4 nước cùng với Thái Lan, Indonesia và Philippines.
Trong khoảng 62 triệu người dùng mạng xã hội trên cả nước, TP HCM có khoảng 14 triệu tài khoản mạng xã hội, từ đó tạo áp lực về hạ tầng thông tin…
Có một xu hướng là gần đây, Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên nhận được đơn thư, khiếu nại tố cáo của người dân, DN mà nhiều nhất là nhóm các bệnh viện thẩm mỹ, phòng khám tư nhân, các khiếu nại liên quan đến bất động sản...
"Gần đây, nhận thức bắt đầu thay đổi khi DN và cá nhân không thỏa thuận, không đàm phán chấp nhận thông tin xấu, mà họ làm việc với cơ quan quản lý yêu cầu xử lý khi bị vu khống, bôi xấu. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có chỉ đạo và quan điểm của chúng tôi xuyên suốt là không khoan nhượng, không thỏa hiệp khi nhận thông tin về việc bị nói xấu, bôi nhọ, vu khống… trên mạng xã hội" - ông Từ Lương khẳng định.
Xu hướng về tình trạng bôi nhọ, nói xấu, vu khống giữa các cá nhân và DN gia tăng thời gian qua không chỉ tại TP mà trên cả nước cũng được ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, xác nhận. Theo ông Lê Quang Tự Do, xu hướng này buộc cơ quan quản lý nhà nước phải quan tâm, có giải pháp xử lý và đấu tranh mạnh mẽ để ngăn chặn, hạn chế việc phát tán, lan truyền thông tin bôi nhọ, vu khống DN sau khi xác minh được.
Sắp tới, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp giữa DN, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp nước ngoài sở hữu mạng xã hội để xử lý nhanh trong trường hợp xuất hiện thông tin sai sự thật, tin giả, bôi xấu DN. Một số quy định mới về tin giả và ảnh hưởng đến DN cũng đang được nghiên cứu ban hành để hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng DN trong "cuộc chiến" với tệ nạn này.
Bình luận (0)